Loạt tâm sự của những đứa con từng bị đòn roi ám ảnh: Muốn bỏ nhà đi bụi vì điểm kém, nghĩ tới việc huỷ hoại mình để thoát khỏi gia đình

Hãy để đòn roi dừng lại ở việc răn đe chứ không phải là bạo lực.

Để trở thành người lớn, chúng ta đều từng là những đứa trẻ. Không ai là không có những ký ức tuổi thơ. Người thì có ký ức thật đẹp được yêu thương đùm bọc bên cha mẹ, bạn bè nhưng cũng có người chẳng được như vậy. Tuổi thơ của họ đầy rẫy đòn roi và nước mắt, đến khi trưởng thành vẫn không thể nào quên.

Mới đây, một bộ tranh minh họa cảm động về cách dạy con trẻ của hoạ sĩ Nguyễn Đạo Nhất Đan và CMC Parenting Hub đã được đăng tải với thông điệp "Thương không phải là 'cho roi cho vọt' mà hãy cho tình yêu, sự thấu hiểu và bao dung". Dường như thấy lại được tuổi thơ trong tranh, không ít cư dân mạng đã để lại bình luận kể lại những ký ức khó quên thời ấu thơ của mình.

- Đã từng ăn đòn thừa sống thiếu chết vì những lí do không phải do mình. Những trận đòn không thể nào quên, nhớ cả đời.Vừa đủ tuổi là tôi cũng ra ở riêng. Chưa bao giờ thấy quyết định năm đó là sai cả. Có khó khăn cũng vẫn vui vẻ.

- Lúc nhỏ mỗi lần làm gì sai, anh em mình đều nghĩ cách bỏ nhà đi...

- Hồi ấy mẹ mình khó lắm… đến bây giờ cũng vậy. Cấp 1 chỉ cần điểm 8 thì nhất định sẽ ăn đòn. Mình vẫn nhớ mãi vào năm lớp 4 cô làm bài kiểm tra thực lực cả lớp đầu năm, do lơ là nên là bài mình 4 điểm. Thế là mình đã định bỏ nhà đi bụi vì quá sợ hãi. Lớp 5 mình có con 6 điểm toán thế là sợ đến đổ bệnh. Lớp 10 mình chỉ được học sinh khá thế là cả ba và mẹ đùng đùng tức giận đánh mình rất nhiều, phạt mình không được sử dụng ipad và xoá luôn Facebook…

Loạt tâm sự của những đứa con từng bị đòn roi ám ảnh: Muốn bỏ nhà đi bụi vì điểm kém, nghĩ tới việc huỷ hoại mình để thoát khỏi gia đình - Ảnh 1.

Áp lực về điểm số khiến con trẻ cảm thấy sợ hãi

- Đã bao lần suy nghĩ đến việc ch** quách cho xong. Nói ra thì bị chửi là khùng, bịa chuyện, đặt điều, bôi xấu gia đình... Có mấy ai bạo lực với con mà chịu chấp nhận nghe con nói, bày tỏ tâm tư, hay toàn cố chấp, cho mình đúng còn con cái thì luôn sai? Để khi sau này con lớn lên không muốn về nhà nữa thì bị nói bất hiếu, nuôi ăn tốn cơm chả làm được tích sự gì. Bao giờ cha mẹ mới học cách lắng nghe và thấu hiểu con cái mình?

- Hồi nhỏ ngoan hiền, không bao giờ có chuyện thầy cô phàn nàn, chưa bao giờ đi học trễ, mới lớp 3 đã biết tự đi học, lớp 5 đã biết làm việc nhà. Nhưng có ho 1 cái là ăn cây, đã đánh bằng đòn gánh còn không cho khóc, khóc đánh càng nhiều hơn. Cái loa ba hát karaoke bị hư tự nhiên cũng đổ thừa mình, không cho mình thanh minh, uất ức cũng ráng im vì thanh minh là đánh. Giờ ngồi nhớ lại chỉ thấy sợ hãi chứ không cảm nhận được tình thương. Lớn lên ra riêng thì cứ đòi mình về ở chung, nhưng nói thật là không có muốn lại gần.

- Mình không lớn lên trong roi vọt. Nhưng có một loại bạo lực khác, có lẽ cũng không kém đó là bạo lực ngôn từ. Nó dai dẳng và cũng khiến mình sống khép kín hơn.

- Mình ít bị đánh nhưng cảm giác bị áp đặt cũng tệ hại như thế, đến giờ 28 tuổi mình vẫn trấn an bản thân nên mạnh dạn hơn. Giờ có con rồi, mình cố gắng lắng nghe con nói để tạo thói quen dám nói ra của con. Để con không giống mình bây giờ.

Dẫu biết rằng "Thương cho roi cho vọt", thế nhưng roi vọt nếu không chừng mực sẽ rất dễ trở thành bạo lực. Có người nói, phụ huynh cũng là lần đầu làm cha làm mẹ, nên sẽ có lúc lầm lỡ. Nhưng họ quên rằng, trước khi làm cha mẹ, họ cũng từng là những đứa con.

Loạt tâm sự của những đứa con từng bị đòn roi ám ảnh: Muốn bỏ nhà đi bụi vì điểm kém, nghĩ tới việc huỷ hoại mình để thoát khỏi gia đình - Ảnh 2.

Trẻ em cũng cần được thấu hiểu và cảm thông

Đừng nghĩ con trẻ chẳng biết gì, thật ra các em cũng muốn được tôn trọng và tìm thấy cảm giác an toàn, bình yên trong chính tổ ấm của mình. Mong rằng người lớn, các bậc cha mẹ đủ sự bình an, kiên nhẫn để bỏ cây roi xuống, và bắt đầu dạy con bằng sự thấu hiểu, bao dung.

Tranh minh họa Nguyễn Đạo Nhất Đan

https://ahadep.com/loat-tam-su-cua-nhung-dua-con-tung-bi-don-roi-am-anh-muon-bo-nha-di-bui-vi-diem-kem-nghi-toi-viec-huy-hoai-minh-de-thoat-khoi-gia-dinh-20220120125005308.chn