Sau cơn chấn động mang tên giá xăng, dân tình tiếp tục phải đối mặt với một đợt sang chấn tâm lý mới, ngấm ngầm nhưng căng thẳng hơn: giá cả leo thang. Tầm này có thắc mắc chuyện bó rau hay bát bún tăng vài nghìn thì 100% lý do bạn nhận được là vì xăng tăng.
Thật ra nghe vài nghìn đồng thì chẳng có gì to tát, vấn đề nằm ở chỗ ai cũng có 7749 thứ phải chi mỗi ngày. Và thế là chỉ cần tính nhẩm thôi cũng thấy con số cho tiền sinh hoạt như ăn uống, gas, điện nước,... thay đổi chóng mặt. Cuộc sống vốn chẳng mấy dễ dàng nay lại càng khó thở...
Tạm biệt café, trà sữa, quần áo,... mình tạm thời không nhìn nhau nhé!
Nhà có 2 người và vẫn được phụ huynh "chi viện" đồ ăn hàng tháng từ quê lên nên mỗi ngày, tiền ăn nhà Huyền Anh (30 tuổi, Hà Nội) rơi vào khoảng 160k. Nhưng đó là chuyện trước khi xăng tăng còn bây giờ con số đã lên khoảng 180 - 190k/ ngày vì từ A - Z, cái gì cũng tăng vài nghìn.
"Ví dụ cụ thể thế này, hôm nay mình mua 1 chiếc súp lơ nhỏ xíu hết 15k, bình thường chỉ khoảng 10 - 12k. Hoa quả cũng tăng giá, khoảng dăm bảy nghìn đồng cho mỗi kg. Hoặc ở căng tin cơ quan mình, bát mì bò giá vẫn không đổi nhưng cảm giác ít thịt hơn hẳn. Còn gas thì mình đổ từ hồi 400k/ bình, bây giờ chắc cũng phải 500k rồi. Nghĩ mà ớn!" - Huyền Anh review nhanh về tình hình ăn uống nhà mình sau khi xăng tăng giá.
Trước tình hình này, cô cho biết mình đang tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm các khoản như café, trà sữa, quần áo,... đại khái là "cất poster". "Đồng thời mình đã và đang tìm hiểu thêm các cách tăng thu nhập như đầu tư tài chính, hi vọng sẽ trót lọt qua thời gian khó khăn này" - Huyền Anh chia sẻ thêm.
Giá xăng biến động thì mình... bất động
Với Nam An (29 tuổi, Hà Nội), khoản chi thay đổi rõ rệt nhất là tiền ship và tiền gas: "Ngày trước mua quần áo, hoa quả,... tiền ship nội thành 20 - 25k còn bây giờ lên 30 - 35k rồi. Nghe nói tiền gas cũng tăng chóng mặt. Mình đun bếp điện nhưng hàng xóm nhà mình thì bảo lần trước đổi gas 320k còn bây giờ khoảng 500k, bèo nhất là 450k, đỉnh điểm là 520k. Nhiều hàng quán cũng bắt đầu tăng giá, hôm qua hàng bún cá ở gần công ty mình đã tăng từ 30k lên 35k/ bát".
Giống Huyền Anh, Nam An cũng được mẹ gửi đồ ăn, đồ uống từ quê lên hỗ trợ. Cô cho biết trước đây mẹ gửi theo tâm trạng, thích thì cho không thích thì thôi còn bây giờ gửi đều đặn vì thấy cái gì cũng tăng. "Nhưng mà tiền cước gửi đồ ăn cũng đã tăng từ 50k lên 100k rồi" - Nam An nói thêm.
Về cách đối phó với giá cả leo thang, Nam An lựa chọn... đứng im chờ bình ổn giá: "Giá xăng biến động thì mình bất động vậy. Vừa dịch bệnh vừa giá xăng tăng thì mình sẽ 'nín thở' chờ xăng giảm và bình ổn giá".
Muốn nổ tung đầu vì thắt chặt chi tiêu trong nhà
"Bình thường mua ít rau sống cho nhà ăn tầm 15k, xăng tăng mua nhiêu đó lên 34k, choáng váng. Thực phẩm tăng do tiền vận chuyển tăng giá, mình phải cắn răng chịu đựng thôi", Hoà (TP.HCM) than thở.
Hoà có 2 con nhỏ, gia đình 4 người tiền ăn một ngày tổng cộng hết 600k. Với đồng lương của một người làm việc nhà nước, chồng vừa quay lại đi làm sau quãng thời gian thất nghiệp cộng với mức sống ở thành phố đắt đỏ, cắt đặt những khoản chi tiêu trong gia đình thời gian này khiến Hoà như muốn "nổ tung" đầu.
Về khoản gas tăng, Hoà cho biết mình đã chuyển sang dùng bếp từ khá lâu nên giá gas tăng gần như không ảnh hưởng mấy đến chi tiêu.
"Tháng này nắng nóng điện nước xài nhiều, chi tiêu lại tăng cho xem. Cả nhà đang cố gắng tiết kiệm, chứ đặc thù công việc hiện tại mà nghĩ đến mở rộng thu nhập khó lắm, thỉnh thoảng có buôn bán online thêm thôi", Hoà tâm sự.
Mỗi thứ lặt vặt vài nghìn nhưng tính rà thì mệt phết!
Không phải đi chợ hay siêu thị nhưng Minh Thắng (33 tuổi, Hà Nội) cũng phải kêu trời vì chuyện giá cả.
"Mẹ mình đi chợ về đã bắt đầu kêu rồi. Bà bảo đồ ăn hàng ngày, rau cỏ ở chợ đã tăng giá. Mỗi thứ lặt vặt vài nghìn nhưng tổng cộng tiền ăn uống cho cả nhà gồm ông bà, bố mẹ với 2 con nhỏ cũng mệt phết!" - Thắng méo mặt kể.
Không coi kỹ giá cả để "mắt không thấy tim không đau"
Trong khi đó, Duy và Thọ - 2 bạn trẻ cũng đang sống tại TP.HCM cho biết mình không để ý lắm đến giá thực phẩm tăng. Bởi lẽ 1 tuần đi siêu thị 1 lần, mỗi lần ra hoá đơn từ 1- 2 triệu nên họ chỉ nhìn vào con số tổng mà trả tiền, không coi kỹ giá bó rau hay bịch hành đã tăng giá mấy nghìn so với tuần trước. Theo cả 2, mặt tích cực của thói quen này có lẽ chính là việc "mắt không thấy tim không đau" và nghĩ thoáng cho nó nhẹ đầu.
"Tui nghĩ đây mới là giai đoạn đầu của khó khăn thôi, sau này mới cảm nhận được sự tăng giá rõ hơn", Duy nói thêm.