"Chào chú Huỳnh Minh Hiệp, con là Lê Ngọc Phương Trinh, đã mồ côi cha trong đại dịch Covid-19. Con thương tặng chú mảnh giấy này, để chú lưu lại những ký ức đau thương của Sài Gòn"…
Những dòng nhắn nhủ của Phương Trinh
Phương Trinh nắn nót viết lên tờ giấy mà cô bé được mời để tham dự chương trình dành cho trẻ em mồ côi vì Covid-19. Trinh gấp lại gọn gàng rồi gửi tặng cho anh Huỳnh Minh Hiệp. Đây là một trong hàng nghìn mảnh ký ức về Sài Gòn mà anh đã gìn giữ, đã nâng niu như báu vật.
Người ta gọi Hiệp là "gàn", là "khùng" khi người đàn ông này lặng lẽ gom nhặt từng tấm thẻ đi chợ trong thời kì giãn cách xã hội, phiếu đi đường, giấy bàn giao tro cốt, thẻ tình nguyện viên… Anh sưu tầm những thứ liên quan đến giai đoạn cả nước "chiến đấu" với Covid-19, đánh dấu sự khủng khiếp của một cơn đại dịch chưa từng có trong tiền lệ.
Mỗi kỷ vật là một câu chuyện
- PV: Trước kia, người ta vẫn nhớ đến Huỳnh Minh Hiệp là chàng "hai lúa", mặc áo bà ba lên nhận các giải thưởng kỷ lục trong và ngoài nước. Sưu tập tiền cổ, kỷ vật Sài Gòn… ngót nghét mấy chục năm, đam mê này đã được anh nuôi nấng như thế nào?
Anh Huỳnh Minh Hiệp: Ông nội tôi gốc ở Bạc Liêu, ông ấy gìn giữ những bức thư tình ngọt ngào và lãng mạn suốt mấy chục năm trời. Đến thời ba tôi, bộ sưu tập tiền cổ là điều khiến ông tự hào nhất. Cứ như thế, trong tôi nhen nhóm đam mê về sưu tầm.
Năm 1993, tôi đi biểu diễn ảo thuật cho khách quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi nhận được rất nhiều tiền tips từ khắp các quốc gia trên thế giới và bắt đầu sưu tầm nó. Dần dà, tôi mở rộng bộ sưu tập của mình, từ những tấm poster phim đầu tiên của Việt Nam cho đến các kỷ vật ghi dấu đời sống của người thành phố: cục xà bông Cô Ba, tờ tem phiếu đầu tiên cho đến chiếc xe máy Honda…
Nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp (trái)
Tôi "máu" lắm! Có lần, có vật tôi "săn" gần chục năm trời mới cầm về được trên tay. Ví dụ như tờ Gia Định báo, một tờ báo có tuổi đời 132 năm. Tôi đi tìm khắp mọi nơi, hỏi những nhà khảo cổ, nhà sưu tầm ở khắp mọi miền đất nước. Cuối cùng, tôi đặt vé máy bay ra Hà Nội và "năn nỉ" một ông chú nhượng lại. Thấy tôi chân thành quá, ông ấy mới cho mang về.
Tôi có tiệm cà phê tên Lúa, đó là nơi tôi chứa đựng tất cả những kỷ vật của mình, từ những khối tiền thời vua Minh Mạng cho đến máy chiếu phim cho trẻ em ngày xưa... Đối với tôi, mỗi kỷ vật đều có câu chuyện, đánh dấu thời kì vàng son hay thăng trầm của lịch sử.
- PV: Nhưng với Sài Gòn những ngày dịch bệnh, đó là một bộ sưu tập và những câu chuyện rất khác?
Anh Huỳnh Minh Hiệp: Tôi tham gia chống dịch vào những ngày đầu tháng 8/2021. Đó là giai đoạn dịch bệnh tại thành phố đang giai đoạn cao điểm nhất. Bạn biết không, tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Gần 50 năm ở thành phố này, tôi chưa bao giờ thấy Sài Gòn "oằn mình" chịu đau nhiều đến thế.
Mỗi ngày, tôi dong xe đi từ 7 giờ sáng, từ khu cách ly này đến điểm phong tỏa nọ, tôi có mặt ở những bệnh viện dã chiến để vận chuyển thiết bị y tế và trở về nhà lúc tối mịt. Mấy tháng trời ròng rã, tôi chưa bao giờ thấy mệt cả.
Có những điều ám ảnh tôi, khiến tôi khóc rất nhiều. Tôi quyết định gom nhặt và gìn giữ những ký ức liên quan đến đại dịch Covid-19. Khi TP.HCM bước vào giai đoạn "bình thường mới", tôi bắt đầu "đi xin" và "nhận lại", đầu tiên là máy đo SP02, đến những tờ phiếu đi chợ, đến giấy thông hành, thẻ tình nguyện viên, bao gạo tiếp tế của nhà nước…
Nhiều người bạn từ khắp mọi miền đất nước đã gửi tặng anh Hiệp
Những y bác sĩ gửi tặng tôi phiếu đi đường sau mấy tháng trời ròng rã chống dịch, mấy bà nội trợ dấm dúi gửi tặng phiếu đi chợ, áo của đội ngũ tình nguyện viên chống dịch. Thậm chí, tôi còn được những người nông dân tại Tây Ninh tặng giấy "luân phiên đi cắt cỏ cho bò ăn". Mỗi món đồ đều là ký ức về những ngày không quên. Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã gom được hơn hàng nghìn giấy tờ, kỷ vật… các loại về những ngày dịch bệnh trên cả nước.
- PV: Việc "nhặt nhạnh" những mảnh ký ức đối với ảnh có phải là một trải nghiệm thú vị?
Anh Huỳnh Minh Hiệp: Vừa thú vị, vừa khó khăn. Bạn bè gần xa biết tôi sưu tầm, họ lần lượt gửi về từng tấm phiếu, từng cái áo, từng tờ giấy của đội mai táng, giấy hoàn thành cách ly, sợi dây phong tỏa… Hiện giờ, tôi đã có đủ các phường, quận… trong TP.HCM và đang lấp đầy kỷ vật các tỉnh thành trên khắp cả nước.
Lần tìm phiếu đi chợ tại huyện Cần Giờ là hồi hộp nhất. Tôi đã dành một ngày để ở huyện đảo này, hỏi khắp các nhà dân, khu chợ… Đa phần, họ đều bỏ đi sau khi đã sử dụng xong. "Phú 89", khi tôi chuẩn bị lên xe quay về thì được một chị bán cà lem gọi lại. Chị dành tặng tôi 7 tờ phiếu đi chợ vào những ngày Cần Giờ "kiên cường" chống dịch. Tôi mừng muốn rơi nước mắt.
Gìn giữ cho thế hệ sau
- PV: Anh nói rằng, mỗi kỷ vật đều biết kể chuyện. Đó là những câu chuyện như thế nào vậy anh?
Anh Huỳnh Minh Hiệp: Tôi có một người bạn tên Dũng, là người đồng hành cùng tôi trong suốt hành trình làm tình nguyện viên chống dịch. Gia đình Dũng mất đi 5 người vì Covid-19, thật quá khủng khiếp! Tôi vẫn nhớ như in cái ngày tôi và Dũng đứng trước bệnh viện dã chiến mà người thân của Dũng qua đời.
Bưu thiếp gửi từ Đà Nẵng
Dũng ngồi thụp xuống, lập bàn thờ ngay trước cổng bệnh viện và khóc rất nhiều. Phương Trinh là cháu ruột của Dũng, ba con bé qua đời vì Covid-19. Ngày hết dịch, nó nắn nót viết lên tờ giấy mà Hội chữ thập đỏ mời nó đi dự chương trình giành cho trẻ mồ côi trong đợt dịch.
"Con là một đứa trẻ mất cha vì Covid-19", dòng chữ trẻ con nguệch ngoạc đó đã khiến tôi không cầm được nước mắt. Trinh tặng tôi tờ giấy, đánh dấu một cột mốc đầy đớn đau trong đời con bé. Có quá nhiều mất mát trong những ngày này.
Bên cạnh đó, tôi còn nhận được tờ giấy chăm sóc em bé F0 của một bạn tình nguyện viên. Tôi nhớ bạn đó là phóng viên, nhận nuôi dưỡng một đứa trẻ vì gia đình em đều đi cách ly rồi. Hay một bạn bác sĩ tại Bệnh viện Trưng Vương trước khi lên đường sang Đức công tác cũng đã gửi tặng cho tôi thẻ thông hành của bạn trong những ngày chống dịch.
Cầm tất cả những tờ giấy này trên tay, tôi mừng lắm!
- PV: Bộ sưu tập này hẳn là có một ý nghĩa rất đặc biệt với anh?
Anh Huỳnh Minh Hiệp: Tôi muốn giữ nó cho thế hệ sau của mình. Nó nhắc nhớ chúng ta rằng Sài Gòn có những ngày đau thương và kiên cường như thế. Tôi lưu giữ ký ức bằng kỷ vật, bằng hình ảnh. Có một bài thơ mà tôi rất thích.
"Sài Gòn có bến Chương Dương
Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do,
Phường Chợ Quán, khóm Cầu Kho
Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm…"
Những ngày phố xá không bóng người, tôi đã chụp lại những khoảnh khắc ấy, in chúng thành bưu thiếp và đem tặng. Tôi hạnh phúc vì làm được những việc như thế!
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!