Nhà thì đắt nhưng vì sao chúng ta vẫn phải mua?

Dù mỗi người theo đuổi một lý tưởng sống khác nhau nhưng việc sở hữu một căn nhà luôn được cho là việc nên làm.

Một căn nhà có đắt không? Câu trả lời rõ ràng là đắt so với hầu hết các khoản chi thông thường, bất kể đó là nhà mặt đất hay chung cư, ở trung tâm hay ngoại thành. Người có tiền nghĩ sao về chuyện mua nhà mua cửa thì không biết, còn với một người bình thường, nhà cửa nhìn chung vẫn là thứ không phải ai cũng có thể dễ dàng sở hữu.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là nhà đắt như vậy, tại sao người ta vẫn phải mua?

01

Cô tôi vốn có một căn hộ, nhưng cô có 2 người con, 1 trai 1 gái, cậu con trai đã hơn 20 tuổi, cô em gái mới học tiểu học. Năm ngoái, cô tôi vét cạn tiền trong nhà và mua trả góp thêm một căn hộ nữa.

Cô tôi bảo con trai lấy vợ không thể để cả nhà chen chúc một chỗ thế được, phải mua căn khác. Cô chú tôi ở căn nhà cũ, vợ chồng ông em họ tôi sẽ ở căn nhà trả góp. Cô chú tôi là dân lao động phổ thông, ông em họ tôi mới đi làm chưa lâu, còn cô em họ nhỏ xíu vẫn đang tuổi ăn tuổi học, nhưng mỗi tháng, họ vẫn phải gánh số tiền hơn 10 triệu đồng trả góp. Chỉ nghĩ thôi cũng biết là cả gánh nặng.

Kể từ ngày phải gánh 10 triệu trả góp mỗi tháng, cuộc sống của cô tôi trở nên khó khăn hơn. Ngoài cô em họ còn nhỏ được sắm sửa quần áo, người lớn trong nhà gần như không còn biết khái niệm sắm sanh là gì. Lần gần nhất gặp cô, tôi thấy cô già đi trông thấy.

"Con không biết đâu, giờ tháng nào cô cũng phải nộp 10 triệu cho ngân hàng, không tiền ăn tiền uống cũng phải lo cho đủ 10 triệu để nộp. Mỗi lần đóng tiền trả góp xong, viên đá tảng trong tim như rơi xuống. Nhưng vừa mới kịp thở phào một hơi, nỗi lo lắng cho tháng kế tiếp đã lập tức xuất hiện", cô tôi nói. Từ nhỏ tôi đã rất thân với cô. Mỗi lần được nghỉ về nhà, tôi đều ghé thăm cô nói chuyện linh tinh. Nghe giọng điệu mệt mỏi của cô, lúc đó tôi đã nghĩ nếu có tiền, tôi nhất định sẽ giúp cô tôi.

Nhà thì đắt nhưng vì sao chúng ta vẫn phải mua? - Ảnh 1.

Thế rồi có 1 tháng nọ, hình như dự án chú tôi làm gặp vấn đề, không nộp được tiền trả góp đúng hạn. Chú và cô tôi cãi nhau to, cô tôi còn khóc. Khi ấy tôi vẫn còn đang học đại học, tôi chẳng thể hiểu nổi vì sao người ta cứ khăng khăng muốn sở hữu một căn nhà để làm gì, để rồi tất cả phải mệt mỏi, bất lực như thế.

02

Một người bạn khá thân của tôi sắp lấy vợ và đã mua được một căn hộ ở thành phố.

"Ông khá nhỉ, vừa có nhà vừa có vợ", tôi khen. Không ngờ, nó lại cười khổ mà nói với tôi: "Tiền đặt cọc là bố mẹ tôi trả đấy. Chứ vừa ra trường đi làm như bọn mình, lấy đâu ra tiền mà mua nhà hả trời".

Bố mẹ của bạn tôi cũng không thuộc diện quá khá giả, nhưng vì chỉ có bạn tôi là con trai duy nhất nên sẵn sàng bỏ cả đống tiền cho bạn tôi học hành, giờ thì lại chấp nhận bỏ cả đống tiền mua nhà cho nó. Nói theo cách của bạn tôi là, "Bố mẹ tôi ngần này tuổi rồi mà chưa được hưởng phúc, nhịn ăn nhịn uống, tiền bạc tích góp bao năm đem ra mua nhà cho tôi, tôi thấy khổ tâm lắm. Sau này tôi nhất định phải lo mà làm ăn, kiếm tiền, không thể để bố mẹ tôi mệt như thế nữa".

Tôi nhìn bạn tôi, trong lòng cũng thấy khó chịu thay. Bạn tôi là một đứa hiếu thảo nhưng vừa mới ra trường, lương lậu cũng chỉ có vậy, chỉ có thể tiếp tục nhờ vả bố mẹ phụ phần nào tiền nhà cửa. Có vẻ như đây là hiện tượng thường gặp với mấy thanh niên như bọn tôi hiện nay, các bậc phụ huynh bao năm tằn tiện tích góp, cuối cùng lại dành hết tiền bạc cho thế hệ sau.

Bạn tôi cũng kể thêm, nó còn phải trả góp trong thời gian rất dài. Nhưng may là nó đã có vợ, sau này dù có con thì cả hai cũng sẽ cùng nhau cố gắng. Bạn tôi tin mọi thứ rồi sẽ ổn thôi.

Ừ thì cuộc sống rồi sẽ tốt hơn, cố lên nhé bạn hiền, cơ mà nhà cửa bây giờ đắt thật đấy!

Nhà thì đắt nhưng vì sao chúng ta vẫn phải mua? - Ảnh 2.

03

Quản lý trực tiếp của tôi đã đi làm được 7-8 năm nay rồi, rất dễ tính và hòa đồng. Lương quản lý thâm niên như thế tất nhiên không thấp nhưng quản lý tôi vẫn sống cực kì tiết kiệm, không bao giờ thấy mua sắm, đi ăn đi uống hay đi chơi gì cả. Tính tôi lại vốn tò mò nên có lần tôi đã hỏi thẳng: "Sếp, em hỏi cái này hơi riêng tư xíu, sao chẳng bao giờ thấy anh đi chơi thế?".

Quản lý tôi cười: "Vì tôi còn phải gom tiền mua nhà".

Nghe được câu trả lời, chiếc tay đang cầm đùi gà của tôi cũng ngừng lại. "Vì phải mua nhà ư?", câu hỏi này khiến tôi lăn tăn hết lần này đến lần khác, nhà đắt vậy vì sao cứ phải lo mua?

Sau này tôi mới biết, quản lý của tôi quê gốc không phải ở đây. Anh ấy xuất thân từ một gia đình bình thường. Anh ấy lập nghiệp xa quê và muốn mua nhà, định cư tại thành phố này luôn. Mà mua nhà ở thành phố thì bạn cũng biết rồi đấy, cần rất rất rất nhiều tiền.

04

Quay lại với câu hỏi, nhà đắt như vậy, vì sao phải mua, tôi dần dà đã tìm ra được câu trả lời cho mình.

Để có một ngôi nhà của riêng mình

Tôi mới tốt nghiệp cách đây không lâu và đang ở trọ. Ngày nào chủ trọ cũng dán đầy thông báo lên tường phía ngoài phòng tôi, khuyến cáo những điều không được làm, yêu cầu khách thuê phải tiết kiệm điện, tiết kiệm nước... Nếu là nhà của mình, chẳng ai rảnh mà dán mấy thứ ba lăng nhăng này lên tường. Nhà của mình thì phải đẹp, phải ấm cúng, phải phù hợp thẩm mỹ bản thân và quan trọng là bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn.

Nhà thì đắt nhưng vì sao chúng ta vẫn phải mua? - Ảnh 3.

Tôi đã từng chuyển trọ nhiều lần và cũng nhiều lần cải tạo phòng trọ lại cho đẹp đẽ hơn. Nhưng rồi tôi cũng chẳng trụ lại ở đâu quá lâu được. Nhìn căn phòng mình đã mất công trang hoàng, tôi có chút hoang mang, bởi nó suy cho cùng cũng chẳng phải nhà của tôi.

Thuê nhà nhìn chung là vậy, bạn còn không dám sắm những vật dụng quá lớn vì sợ sau này chuyển đi sẽ lỉnh kỉnh. Tôi có cô bạn cùng lớp đại học đang ở trọ trong một căn phòng vỏn vẹn 10m2. Điều hòa căn phòng đó bị hỏng, dù bật 20 độ vẫn thấy nóng, nhắc chủ nhà cũng không ăn thua. Nó tính mua một cái mới để lắp nhưng nghĩ đi nghĩ lại vẫn bỏ cuộc, bởi nó thấy không đáng, lắp một thời gian chuyển đi phải tháo bỏ sẽ rất mất công.

Có một người bạn khác của tôi đang thuê nhà thì chủ nhà đột ngột cắt hợp đồng và đòi lại nhà. Kết quả là chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, nó phải chạy đôn chạy đáo tìm nhà, dọn nhà, trong khi phí thuê nhà ở nơi nó sống vốn chẳng rẻ gì cho cam.

Thấy tấm gương từ chính những người bạn của mình, tôi mới hiểu, ai cũng cần có một tổ ấm của riêng mình, một ngôi nhà thực sự để trở về chứ không phải là một căn phòng, một nơi ngủ, một nơi đặt chân. Khi đó, tôi có quyền tự trang hoàng cho ngôi nhà nhỏ của mình, làm bất cứ điều gì tôi muốn và sẵn sàng mua sắm những thứ to đùng đoàng. Thật tuyệt khi mua được điều hòa, lắp được wifi, ngôi nhà ngày càng hoàn thiện, thiết bị ngày càng đầy đủ và thật tuyệt khi có một ngôi nhà của riêng mình.

Để có cảm giác an toàn bên trong

Tôi từng đọc vô số câu chuyện về những cô gái sau khi chia tay bị đuổi ra khỏi căn nhà mình đang sống. Đọc xong tôi đều cảm thấy rất xúc động, nếu tôi có một căn nhà thuộc về chính mình, những nguy cơ như bị đuổi, phải sống vô gia cư, lang thang đường phố sẽ không xảy ra.

Chỉ khi có một ngôi nhà thuộc về mình, bạn mới cảm thấy thoải mái và an nhiên trong lòng. Tôi thường nghe một số chị em đã kết hôn nói về luật hôn nhân mới hiện hành, vấn đề tên của ai được ghi trên giấy chứng nhận bất động sản, và một số thậm chí không muốn kết hôn chỉ vì điều này. Một cô nàng nào đó đã nói: "Nó không chỉ là vấn đề về tên chủ sở hữu, mà còn là cảm giác an toàn. Nếu không có nó, ngay cả khi bạn sống trong căn nhà đó, bạn vẫn thấy mình như người ngoài vậy".

Nhà thì đắt nhưng vì sao chúng ta vẫn phải mua? - Ảnh 4.

Cảm giác an toàn, người khác cũng có thể mang đến cho bạn. Tuy nhiên, cảm giác an toàn do chính bạn dành tặng bạn mới là mạnh mẽ nhất, lâu dài nhất.

Để không bị tụt hậu so với người khác

Con người vốn là sinh vật sống theo số đông, nếu tất cả những người xung quanh bạn đều tiết kiệm để mua nhà, kể cả khi họ có thu nhập thấp hơn bạn thì cái ý định "ở nhà thuê cũng chẳng sao" của bạn chắc chắn sẽ bị lung lay. Lúc này, bạn thậm chí sẵn sàng sử dụng số tiền mà bố mẹ hứa sẽ giúp đỡ bạn, dù trước đó bạn luôn sợ bố mẹ vất vả.

Còn nếu bạn sống trong môi trường mà những người trẻ giống bạn đều YOLO, có nhà cũng được, không có nhà chẳng sao, thì niềm háo hức mua nhà của bạn sẽ không cao. Tóm lại, mua nhà theo tâm lý chung, thấy người khác mua nên mình sốt ruột làm theo là hiện tượng vẫn xảy ra ngoài kia.

05

Cần nói thêm một chút ở đây là ngay cả khi đã có quyết tâm mua nhà, bạn vẫn sẽ phải rơi vào vòng xoáy mua nhà cao cấp hay mua nhà giá rẻ, mua ở đâu, trả góp bao lâu thì là phù hợp. Nhưng tôi có một lời khuyên dành cho bạn thế này, năm 2021 rồi, mua nhầm nhà còn đáng sợ hơn không mua được nhà.

Nhà thì đắt nhưng vì sao chúng ta vẫn phải mua? - Ảnh 5.

Một số người thường không biết ý nghĩa thực sự của từ "rẻ". Nên nhớ, mua nhà cần phải tuân theo một vài nguyên tắc nhất định như chủ đầu tư uy tín, gần hệ thống giao thông công cộng, gần chợ và gần trường học... Nếu bạn mua theo điều này thì bạn sẽ không cần đắn đo nhiều sau này. Tuy nhiên, luôn có một số người sẽ nói rằng: "Tôi biết lý thuyết nhưng tôi không có tiền để mua những thứ này". Đặc biệt là những người trẻ với vốn liếng chưa quá dồi dào, họ có khuyết điểm là dễ bị thu hút bởi những căn hộ có đơn giá và tổng giá thấp.

Nhưng xin thưa rằng, cách nghĩ này của bạn là sai rồi, càng ít tiền thì càng không nên chăm chăm mua nhà giá rẻ. Đắt và rẻ thực chất không dựa trên giá cả tuyệt đối, mà dựa trên mức độ nhất quán giữa giá cả và giá trị. Người có tiền mua nhà sao cũng được nhưng người bình thường thì phải mua nhà sao cho đúng.

Bạn kiếm được càng ít tiền thì càng không được phạm sai lầm, càng không được đẩy mình vào tình cảnh phải đối mặt với rủi ro. Kiếm tiền là không dễ nên thà chấp nhận đầu tư ngay từ đầu cho giá trị xứng đáng còn hơn tiêu ít tiền hơn lúc đầu nhưng thu về giá trị không tương xứng và phải bỏ ra thêm những khoản tiền khác để bù đắp sai lầm ban đầu.

https://ahadep.com/nha-thi-dat-nhung-vi-sao-chung-ta-van-phai-mua-20211208235657438.chn