Vũ khí xoay chuyển cục diện của đội tuyển Lào?
11 lần tham dự AFF Cup, thành tích của đội tuyển Lào chỉ là vỏn vẹn 2 trận thắng, 31 trận thua và chưa một lần vượt qua vòng bảng. Cho dù đã đầu tư mạnh mẽ vào bóng đá trẻ, đội tuyển xứ sở Triệu voi vẫn giống như một "kẻ ngoài cuộc" trong cuộc cạnh tranh tấm vé bán kết.
Trước thềm AFF Cup 2020, người hâm mộ Lào đang háo hức chờ đợi sự thay đổi lớn, tất cả đến từ thông tin của tiền đạo người Pháp gốc Lào Billy Ketkeophomphone. Theo truyền thông xứ Triệu voi, chân sút đang thi đấu tại Pháp muốn trở về khoác áo đội tuyển Lào và sẵn sàng chinh chiến ngay ở AFF Cup.
Sinh năm 1990, Billy Ketkeophomphone trải qua nhiều năm lăn lộn tại các hạng đấu trên đất Pháp và từng có thời gian ra sân tại Ligue 1 trong màu áo CLB Angers. Vài mùa giải gần đây, phong độ có phần suy giảm nhưng tiền đạo cao 1m80 vẫn được Transfermarkt định giá lên tới 500.000 euro (khoảng gần 13 tỷ đồng).
Billy Ketkeophomphone (áo trắng) từng đối đầu với Di Maria
Cha mẹ của Billy Ketkeophomphone vốn là người Lào nhập cư sang Pháp. Chính vì thế, vấn đề thủ tục để LĐBĐ Lào triệu tập cầu thủ này lên đội tuyển cũng sẽ gặp nhiều thuận lợi.
Tại AFF Cup 2018, đội tuyển Lào từng có những trận đấu khá ấn tượng trước Malaysia và Myanmar nhưng rồi hụt hơi vào thời điểm quyết định và phải hứng chịu thất bại. Với một tiền đạo chất lượng, sở hữu khả năng độc lập tác chiến tốt như Billy Ketkeophomphone, đội bóng xứ Triệu voi hứa hẹn sẽ tạo ra những bất ngờ.
Làn sóng "hồi hương" ở Đông Nam Á
Billy Ketkeophomphone chỉ là một trong số các trường hợp cầu thủ đang chơi bóng tại châu Âu tìm về nguồn cội Đông Nam Á. Đội tuyển Philippines đã thực hiện chiến lược này từ rất lâu với hàng tá ngôi sao từ Anh, Đức hay Thụy Sĩ.
Nổi bật nhất không ai khác ngoài thủ thành Neil Etheridge - người từng là trụ cột cho CLB Cardiff tại mùa giải Premier League 2018/19. Cũng chính Neil Etheridge từng gieo sầu cho đội tuyển Việt Nam ở vòng bảng AFF Cup 2010.
Neil Etheridge chạm trán Marcus Rashford của Man United
Thái Lan cũng khá thành công khi mang về các ngôi sao như Charyl Chappuis (cựu cầu thủ U20 Thụy Sĩ), Tristan Do (được đào tạo tại Pháp) hay mới nhất có Thanawat Suengchitthawon (từng khoác áo U16 và U17 Pháp).
Thanawat Suengchitthawon trong màu áo Leicester
Trong bối cảnh áp lực thành tích tại AFF Cup 2020 bị đẩy lên cao, việc khai thác nguồn lực trên càng được các đội tuyển đẩy nhanh hơn. Indonesia quyết tâm mang trung vệ cao 1m94 Elkan Baggott cùng cựu cầu thủ Swansea Jordi Amat đến AFF Cup. HLV Shin Tae-yong đang thúc giục LĐBĐ xứ Vạn đảo hoàn thành thủ tục càng nhanh càng tốt.
Thầy Park có tiếc "máy chạy" trị giá 15 tỷ đồng?
Có mẹ là người Việt Nam, Jason Pendant Quang Vinh từng không dưới một lần bày tỏ sự hứng thú với cơ hội khoác áo đội tuyển Việt Nam. Đến thời điểm này, cơ hội ấy vẫn chưa đến gần hơn với hậu vệ 24 tuổi.
2021 là một năm khó khăn với cầu thủ thủ 2 dòng máu Việt-Pháp. Chấn thương khiến anh đánh mất vị trí tại đội một New York Red Bulls và phải nỗ lực tìm lại phong độ ở đội dự bị. Dù vậy, đẳng cấp của một cầu thủ từng chơi 4 mùa giải tại Ligue 2 giúp Jason Pendant dần trở lại ở giai đoạn cuối mùa giải.
Jason Pendant đang thi đấu tại Mỹ
Trang thông tin chuyển nhượng Transfermarkt vẫn định giá Jason Pendant lên tới 600.000 euro (khoảng hơn 15 tỷ đồng), gấp đôi những tuyển thủ Việt Nam đắt giá nhất.
Về lý thuyết, Jason Pendant với tốc độ tuyệt vời và kỹ năng chơi bóng được tôi luyện ở Ligue 2 có thể là một sự bổ sung đầy chất lượng cho cánh trái của đội tuyển Việt Nam trong bối cảnh Văn Hậu chấn thương dài hạn, Hồng Duy còn nhiều hạn chế, Văn Xuân non kinh nghiệm.
Chỉ có điều, mọi chuyện vẫn chỉ dừng ở mức giả định. Ngoài Jason Pendant, còn một số trường hợp cầu thủ Việt kiều nữa cũng chưa thể rộng cửa khoác áo đội tuyển Việt Nam. Trong đó, cái tên khiến CĐV nuối tiếc nhất là Filip Nguyễn - người từng tỏa sáng ở Europa League và được gọi lên đội tuyển CH Séc.
HLV Park Hang-seo đã rơi vào tình trạng "giật gấu vá vai" vì quá nhiều trụ cột chấn thương
HLV Park Hang-seo không ít lần nói thẳng về chuyện đội tuyển Việt Nam thiếu những lựa chọn chất lượng để bổ sung cho đội hình đạt nhiều thành công giai đoạn 2018-19. Liệu rằng đã tới lúc bóng đá Việt Nam tham gia mạnh hơn vào làn sóng cầu thủ "hồi hương" để tạo ra bước đột phá?