Do tình hình dịch bệnh, hơn nửa năm nay hầu hết các trường đều triển khai dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, có quá nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức học tập và thi cử dưới hình thức này.
Do học online nên một số bài kiểm tra đều được tiến hành qua hệ thống chấm điểm tự động. Và một vấn đề mà tụi học trò phải “kêu trời” chính là bất cập của app thi online rất cứng nhắc và không phân biệt được đáp án chính xác là thế nào, đối với kiểm tra tự luận.
Đó là việc phải giống đáp án chuẩn câu tự luận, chuẩn chỉnh đến từng dấu chấm, dấu phẩy... Điển hình như trường hợp của một học trò dưới đây.
App chấm thế này thì có ôn bài kĩ đến đâu cũng chào thua mất!
Theo đó, câu hỏi trong bài kiểm tra như sau: “Mùa vụ trồng cây cam quýt là …” và đáp án của đề là “mùa xuân, mùa thu”.
Trớ trêu thay học sinh này lại trả lời là “mùa xuân và mùa thu” nên hệ thống chấm sai. Thực tế, nội dung 2 câu trên là giống nhau, ý cũng tương đương nhau chỉ khác nhau ở hình thức là dấu phẩy và chữ “và”.
Dưới phần bình luận, rất đông tụi học trò gặp tình trạng tương tự cũng để lại bình luận nói lên nỗi lòng của mình:
- “Haizz, mình đã ý kiến với giáo viên về việc này rồi. Hôm thi viết, đáp án 'cơ sở vật chất - kỹ thuật' bảo sai mà phải 'cơ sở vật chất và kĩ thuật' mới đúng.”
- “Máy toàn chấm kì cục vậy á, bữa mình chỉ thiếu dấu cách mà nó cũng chấm sai! Coi tức không?”
- “Làm mình nhớ tới cái đề Anh văn thiếu viết in hoa thôi mà sai 16 câu liên hoàn”.
- “Không có khóc, tui làm IELTS thiếu dấu chấm nó còn chấm sai này không vấn đề.”
Lại một trường hợp trớ trêu khác do app chấm bài online. Đáp án đúng và sai chỉ khác nhau chỗ viết tắt của từ "I'm" thành "I am"
Có trường hợp này bởi lẽ, nhiều bạn chắc mẩm ôn bài kỹ rồi nên thi xong cứ tưởng okelah lắm, chắc không đến nỗi dưới trung bình. Vậy mà khi có điểm lại tá hỏa vì bị trừ ở những câu “trời ơi đất hỡi” do hệ thống máy tính quá cứng nhắc.
Một số tụi học trò cùng cảnh ngộ chia sẻ: Kiểm tra tự luận thì không nên có đáp án cài đặt sẵn trên hệ thống mà giáo viên tự chấm sẽ tránh trường hợp trớ trêu như vậy. Nếu không, nên chuyển thành thi trắc nghiệm để không gặp phải những lỗi tương tự.
Tuy nhiên không phải các app làm bài và chấm thi đều có những tính năng như trên. Thật ra đây chỉ là số ít các trường hợp hi hữu thôi, giáo viên chắc hẳn phải rất kỹ càng khi chọn lựa hình thức thi như vậy.
Hơn nữa, khi tụi học trò phát hiện ra nhược điểm này thì thầy cô cũng sẽ cân nhắc một hình thức làm bài khác hoặc kiểm tra lại hệ thống để rút kinh nghiệm cho những bài thi tới.
Nguồn: Trường Người Ta