Ít nhất 75 người thiệt mạng vì bão Rai
Theo số liệu vừa công bố hôm nay (19/12) từ các địa phương ở Philippines, ít nhất 75 người đã thiệt mạng vì siêu bão Rai, trong đó hơn một nửa số nạn nhân là ở tỉnh đảo du lịch nổi tiếng Bohol thuộc quần đảo Visayas.
Nhiều khu vực tại Philippines tan hoang sau bão (Ảnh: ABS-CBN News)
Cơ quan Quản lý và Giảm nhẹ thiên tai Philippines ước tính, hơn 700.000 người dân chịu ảnh hưởng từ bão; trong đó có gần 500.000 người mất nhà cửa và hơn 3.700 ngôi nhà bị hư hại. Tỉnh đảo Bohol, thành phố Butuan ở tỉnh Cebu, thành phố Jose Panganiban ở tỉnh Camarines Norte... đang đặt trong tình trạng "thảm họa thiên tai". Những bức ảnh trên không do Không quân Philippines chia sẻ cũng cho thấy thiệt hại về nông nghiệp và nhà cửa nghiêm trọng ở đảo Bohol và Siargao, nơi nhiều người lướt sóng và khách du lịch đang có kỳ nghỉ trước lễ Giáng Sinh.
Giới chức Philippines lo ngại con số người chết còn có thể tăng, do nhiều khu vực tiếp tục bị chia cắt, chưa thể thống kê thiệt hại sau bão. Hiện tại, hàng trăm ngàn người dân Philippines ở miền Trung và Nam nước này vẫn phải sống trong các lều trại sơ tán với điều kiện vệ sinh không đảm bảo, thiếu nước và mất điện.
Hơn 18.000 quân nhân, cảnh sát, lực lượng bảo vệ bờ biển và nhân viên cứu hỏa đang được triển khai cho công tác cứu hộ, giảm nhẹ thiên tai. Nhiều máy xúc được huy động để dọn dẹp các tuyến đường bị chặn do cột điện và cây cối đổ. Chính quyền các địa phương cùng nhiều tổ chức từ thiện đang khẩn trương gây quỹ, phân phối hàng chục ngàn chai nước và các gói thực phẩm, thuốc men giúp đỡ người gặp nạn.
Cảnh tượng tan hoang sau khi bão Rai càn quét qua Philippines (Ảnh: ABS-CBN News)
Hôm nay (19/12), Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố chính quyền Trung ương sẽ huy động số tiền ban đầu là 2 tỷ Peso (hơn 40 triệu USD) để hỗ trợ các khu vực bị tàn phá nặng nề nhất bởi siêu bão Rai. Tổng thống Duterte thừa nhận đây là nỗ lực lớn của chính phủ Philippines, do ngân sách đã được sử dụng phần lớn vào công tác chống dịch bệnh Covid-19. Bộ Năng lượng Philippines cho biết chính phủ sẽ áp đặt bình ổn giá trong vòng 15 ngày đối với các mặt hàng khí đốt hóa lỏng và dầu hỏa tại các khu vực thảm họa.
Nguy cơ bùng phát dịch Covid-19
Giữa lúc chính quyền nỗ lực khắc phục hậu quả bão trên các hòn đảo bị tàn phá, một nguy cơ nổi lên là sự lây lan của dịch Covid-19, trong đó có biển thể Omicron đã xâm nhập Philippines. Chuyên gia y tế Tony Leachon, từng là cố vấn của chính phủ Philippines về dịch bệnh Covid-19, cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh Covid-19 trong những tuần tới trên đảo Visayas và Mindanao - hai khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất vì siêu bão Rai.
Công tác cứu hộ vẫn tiếp tục (Ảnh: Lực lượng bảo vệ bờ biển Bắc Mindanao)
Theo chuyên gia Tony, do ở trong các khu sơ tán đông người, người dân sẽ khó tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, trong khi điều kiện vệ sinh và khẩu trang thiếu thốn. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên đảo Visayas và Mindanao còn thấp. Philippines đang phải tạm ngưng chương trình tiêm chủng tổng lực do ảnh hưởng của bão, khiến nguy cơ lây nhiễm virus càng hiện hữu.
Chuyên gia y tế Philippines kêu gọi chính quyền các địa phương thiết lập các lều bạt riêng rẽ cho người dân mất nhà cửa, cung cấp thêm khẩu trang, nước sát khuẩn và lập tức nối lại hoạt động tiêm chủng, cũng như tiến hành các xét nghiệm nhanh phát hiện Covid-19 cho những người sơ tán. Những người có triệu chứng như cảm cúm cần được cách ly ngay lập tức.
Hàng trăm ngàn người sơ tán có thể khiến Covid-19 bùng phát (Ảnh: CNN Philippines)
Siêu bão Rai được nhận định là cơn bão mạnh nhất tấn công Philippines trong năm 2021. Bão xảy ra đúng thời điểm Philippines đang cố gắng vượt qua dịch bệnh Covid-19. Tính đến nay, Philippines đã ghi nhận hơn 2,8 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có cả trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Chính quyền Tổng thống Duterte đã tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ cho hơn 43 triệu dân và tiêm liều tăng cường cho hơn 1 triệu dân; đặt mục tiêu tiêm vaccine đầy đủ cho ít nhất 54 triệu dân vào cuối năm 2021 để đạt miễn dịch cộng đồng.