Gặp Ryan Watson, 29 tuổi, nhà đầu tư crypto sống tại thành phố Binghamton, bang New York, vốn không phải là một người đam mê điện ảnh. Cũng dễ hiểu khi anh này đã ngủ suốt lễ trao giải Oscar lần thứ 94 vừa diễn ra vào ngày 28/3 vừa qua, dĩ nhiên là anh này cũng bỏ qua luôn cú tát của Will Smith dành cho Chris Rock ngay trên sóng trực tiếp, đơn giản là Watson chẳng biết cái gì về lễ trao giải hôm đó cả. Nhưng điều kỳ lạ ở đây là anh lại bất ngờ quan tâm đến sự kiện này, 2 ngày sau đó khi một đồng memecoin được sinh ra với tên gọi Will Smith Inu.
Hai ngày sau sự cố tại Oscar 2022, Will Smith chính thức "lên sàn" với memecoin Will Smith Inu
Khoan hãy nói về hậu tố "inu", thứ trong tiếng Nhật có nghĩa là "Chó" thì cái lý do để "chiếc" memecoin này ra đời đã quá đủ thể hiện sự điên rồ của thế giới memecoin. Tuy nhiên, người trong cuộc thì lại chả mấy bất ngờ. Bởi theo định nghĩa memecoin là những loại tiền mã hoá được tạo ra để ăn theo những sự kiện nổi bật ngoài đời thực nhằm mục đích tưởng nhớ hoặc đùa cợt, nhìn chung thì có thể là bất kỳ lý do gì.
Vì xuất phát từ những trò đùa nên vòng đời của một memecoin thường từ ngắn tới rất ngắn. Tuy nhiên điều làm cho những đồng coin này thu hút sự chú ý chính là đặc tính fomo "kinh khủng khiếp" của chúng. Tuỳ vào độ hot của sự kiện mà cộng đồng đó thể nâng giá của những memecoin này lên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần giá trị ban đầu chỉ sau 1-2 ngày.
Quay trở lại với Ryan Watson, tuy muộn màng nhưng nhờ một phần may mắn, một phần liều lĩnh và toàn bộ sự quan tâm nhất thời dành cho cú tát của Will Smith đã khiến anh này biến 5.000 USD trở thành 20.000 USD một cách vô cùng dễ dàng. Nhưng tuổi thọ của Will Smith Inu thì lại không được may mắn như vậy, nó "chìm dần" và gần như mất hoàn toàn giá trị trên thị trường chỉ sau hơn 1 tuần. "Sợ hãi không làm ra tiền" - Ryan Watson chia sẻ với tờ The Washington Post.
Nhưng cũng đừng vì cái thiên kiến kẻ sống sót nơi anh chàng 29 tuổi này làm mờ mắt, ở phía còn lại của câu chuyện, đã có hàng nghìn người mất trắng chỉ vì lỡ "vào lệnh" Will Smith Inu. Bạn thử nhân con số này với số lượng các meme ngoài kia thử xem và mỗi meme như vậy lại sở hữu thêm cho mình khoảng chục dự án memecoin ăn theo nữa.
Thiên kiến kẻ sống sót là một hiểu nhầm rất nguy hiểm
Từng là một phiên bản "giải trí" hơn của các loại tiền mã hoá chính thống, memecoin hiện tại đã trở thành một sân chơi của những kẻ mê đỏ đen chính hiệu. Có hàng trăm dự án được sinh ra mỗi ngày với hàng ngàn chiêu trò câu kéo nhà đầu tư. Hiếm có ai nhảy vào cuộc chơi này mà "ra về toàn vẹn", cứ 10 người chơi memecoin thì cả 10 người đều công nhận đây chẳng khác nào cờ bạc, mà cờ bạc thì sao? Chỉ có những kẻ làm cái là "ăn đẫm". Khi được hỏi về memecoin, David Hsiao, giám đốc điều hành của tạp chí tiền điện tử Block Journal đã thẳng thừng trả lời: "Đây là một trò chơi với tổng bằng 0. Nếu bạn thấy ai đó đột nhiên trở thành triệu phú thì ắt đã có hàng trăm người khác đang ở bên bờ vực của sự tuyệt vọng".
Nếu là một người theo dõi cộng đồng crypto từ sớm thì ắt hẳn ai cũng biết đến cái tên Dogecoin. Đây là một loại tiền mã hoá mang sẵn trong mình nghĩa vụ để trở thành một trò đùa. Ra đời năm 2013 và vì không hề có một ứng dụng cụ thể nào trong thực tế, Dogecoin mãi "lẹt đẹt" ở mức giá rẻ mạt và câu chuyện có lẽ chỉ nên dừng lại như thế! Nhưng không, Elon Musk đã xuất hiện và quảng bá "không công" cho Dogecoin. Vào thời điểm đầu năm 2021, trang Twitter chính chủ của vị tỷ phú này ngập tràn trong hình ảnh và bài viết liên quan đến đồng memecoin với hình ảnh chú chó Shiba Inu đáng yêu. Đỉnh điểm, Elon Musk đã tuyên bố sẽ chấp nhận Dogecoin như một hình thức thanh toán khi mua xe điện Tesla. Thế giới phát cuồng vì Dogecoin, điểm điên rồ ở đây là đồng tiền mã hoá này vẫn thế, vẫn chẳng mang trong mình một đặc tính ưu việt gì, nó đơn giản vẫn chỉ là một trò đùa.
Billy Markus, đồng sáng lập Dogecoin đã bắt đầu bộc lộ sự khó chịu của mình đối với memecoin vào tháng 2 vừa qua. Trong bài đăng trên Twitter, ông cho rằng sự biến tướng này đang đi quá giới hạn, chúng (những đồng memecoin) trong vài tháng trở lại đây tràn ngập quảng cáo rác, những lời hứa lố lăng từ đội ngũ phát triển và cả những nỗ lực nhằm thu hút sự chú ý của Elon Musk trong quá trình quảng bá. "Các memecoin hiện tại thậm chí không phải là memecoin đúng nghĩa. Chúng được tạo ra bởi những người muốn cố làm giàu từ việc lừa dối lòng tin của người khác", Markus chia sẻ.
Elon Musk là người có công lớn đem memecoin "lên mainstream"
Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, trang web này hiện đang có hơn 300 memecoin, trong đó 20% đồng có khối lượng giao dịch hàng ngày đạt 100.000 USD vào cuối năm ngoái. Tính đến tháng 4/2022, tổng giá trị của tất cả dự án kể trên đạt khoảng 32 tỷ USD và khối lượng giao dịch hàng ngày khoảng 2 tỷ USD. Có một thực tế là ngoài kia có hàng trăm memecoin khác vẫn chưa hề được đưa lên cơ sở dữ liệu của CoinMarketCap.
Tuy nhiên, theo Ethan McMahon, nhà kinh tế học của công ty nghiên cứu tiền điện tử Chainalysis, nhiều nhà đầu tư memecoin không quan tâm đến vấn đề tài chính của bất kỳ đồng tiền cụ thể nào. Mục tiêu của những "nhà đầu tư" memecoin là tìm ra một dự án mới và cầu nguyện để nó trở nên fomo và bán ra ngay khi sinh ra lợi nhuận phù hợp với lòng tham của bản thân.
Với những nhà đầu tư như anh Watson, mạo hiểm chỉ đơn giản là điều kiện cần để anh tiếp cận với một loạt lợi ích như tự do tài chính, lợi nhuận khổng lồ và thoát khỏi vòng xoáy tiền tài, sự nghiệp... "Bất kể tôi dành bao nhiêu thời gian cho một công việc, tôi chưa bao giờ thăng tiến. Đó là lý do vì sao tôi lại tìm đến ‘hình thức làm giàu’ này", anh nói.
Nhiều người ví đầu tư memecoin như một trò thể thao mạo hiểm
Ít ai biết rằng, việc tạo ra một memecoin là tương đối dễ dàng, chỉ cần một vài công cụ phù hợp và một đội ngũ làm cộng đồng đủ tốt, những "nhà phát triển" đứng sau các memecoin có thể thu lợi từ vài chục đến vài trăm nghìn USD mỗi dự án. Còn chốt lời thì lại có đủ mọi cách.
Một trong những trò lừa đảo phổ biến hơn là rút thảm (rug pull) hay dân dã hơn ở Việt Nam ta là "qua cầu rút ván". Thuật ngữ phổ biến từ năm 2021 nói về việc các nhóm lợi ích đứng sau dự án nào đó từ bỏ dự án đột ngột và mang theo tất cả số tiền có được từ nhà đầu tư. Chainalysis thống kê hình thức lừa đảo này khiến nhà đầu tư mất số tiền tổng cộng gần 3 tỷ USD trong năm ngoái.
Rug pull là một hình thức lừa đảo phổ biến trong giới memecoin
Tháng 11/2021, memecoin ăn theo siêu phẩm ăn khách Squid Game cũng tăng giá liên tục trong 11 ngày liên tiếp lên 2.860 USD. Sau đó, nhà phát triển dự án bất ngờ biến mất với 3,3 triệu USD tiền túi của các nhà đầu tư. Thống kê cho thấy tiền điện tử này có lúc đã tăng giá tới 23.000% trước khi trở nên vô giá trị.
Do sự điên rồ này, nhiều nhà đầu tư kỳ cựu cho rằng chỉ nên bỏ ra khoảng 10 hay nhiều nhất là 20% choc các khoản đầu tư mạo hiểm và phần còn lại nên gửi gắm vào những loại tiền ảo có nền tảng tốt hơn. Phải công nhận là khả năng X100 của một memecoin là có và bản thân người viết cũng từng "nuốt nước bọt" khi nhìn đồng coin vừa được "call" lúc chiều bỗng X10 chỉ sau một bữa ăn khuya. Nhưng xin hãy nhớ, ranh giới giữa một khoản đầu tư có lời và trắng tay trong "bộ môn" memecoin là một khái niệm tương đối mong manh.