The Silent Sea: Hàn Quốc vẫn chưa làm phim khoa học viễn tưởng được đâu!

The Silent Sea (Biển Tĩnh Lặng) đem theo tham vọng về dòng phim phim khoa học viễn tưởng của Hàn Quốc nhưng tham vọng đó có vẻ hơi lớn.

Bài viết có spoil nội dung phim (không nhiều và không phải twist chính)

Hàn Quốc luôn là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực phim ảnh châu Á, liên tục thử sức và thành công với nhiều thể loại phim khác nhau. Thế nhưng họ vẫn luôn phải vật lộn với dòng phim khoa học viễn tưởng, điều mà không chỉ Hàn Quốc mà cả điện ảnh châu Á đều lo sợ. Nếu đầu năm nay, Hàn Quốc mới ru ngủ cả thế giới với bộ phim điện ảnh Space Sweepers dài 2 tiếng và vô cùng nhạt nhẽo thì thời điểm hiện tại, The Silent Sea giống như niềm hi vọng, cứu vớt danh dự của Hàn Quốc ở dòng phim này. Là bộ phim lấy cảm hứng từ phim ngắn tốt nghiệp The Sea Of Tranquility của đạo diễn Choi Hann Gyong, The Silent Sea cũng chính là TV series khoa học viễn tưởng đầu tiên của xứ kim chi. Mang theo tham vọng quá lớn của cả ngành phim ảnh xứ Hàn lại thêm trọng trách khép lại một năm đại thành công của Netflix khi rót vốn vào thị trường Hàn, The Silent Sea sẽ đủ với tư cách là một phim truyền hình Hàn Quốc nhưng thiếu nếu được gọi với cái tên “phim khoa học viễn tưởng”.

The Silent Sea: Hàn Quốc vẫn chưa làm phim khoa học viễn tưởng được đâu! - Ảnh 1.

Mang theo tham vọng quá lớn của cả ngành phim ảnh xứ Hàn lại thêm trọng trách khép lại một năm đại thành công của Netflix khi rót vốn vào thị trường Hàn, The Silent Sea sẽ đủ với tư cách là một phim truyền hình Hàn Quốc nhưng thiếu nếu được gọi với cái tên “phim khoa học viễn tưởng”.

Lệ

Một bộ phim rất Hàn Quốc

Bộ phim theo chân nhà khoa học Song Ji An (Bae Doona) và Han Yoon Jae (Gong Yoo) - những người được chọn để dẫn đầu một biệt đội với nhiệm vụ lên mặt trăng, tới trạm nghiên cứu Balhae bị bỏ hoang 5 năm để thu thập những mẫu vật còn sót lại. Không ai trong số họ biết những mẫu vật này là gì hay có nguy hiểm nào đang chờ họ phía trước, chỉ biết đây là nơi mà 117 nhà nghiên cứu đã mất cách đây 5 năm với lý do nhiễm phóng xạ. Cả hai nhân vật đều có lý do cá nhân để thực hiện nhiệm vụ, và y hệt Squid Game, thậm chí là Hellbound, lý do của họ đậm chất phim-truyền-hình-Hàn-Quốc: vì gia đình. Dĩ nhiên, lý do gia đình quá cao cả và không có gì đáng chỉ trích, có điều motif phim này quá cũ. Chưa kể những câu chuyện hồi tưởng quá khứ của Ji An hay vấn đề mà Yoon Jae gặp phải cũng không đủ sức tạo cao trào dẫn đến hành động của nhân vật.

The Silent Sea là một kịch bản hết sức tham vọng khi ngay ở tập 1, phim đã dẫn khán giả tới bối cảnh cách đây không quá xa, khi con người phải sống ở một thế giới được gọi là cận tận thế. Kiểu “thế giới” này thực chất cũng đã xuất hiện rất nhiều ở các phim viễn tưởng Âu - Mỹ, khi con người phải đối diện với những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sự diệt vong của nhân loại, và ở The Silent Sea, thứ mà con người phải giải quyết là nạn khan hiếm nước trầm trọng. Tại thế giới này, con người được phân cấp bậc bằng thẻ nước, sự phân hóa trong xã hội cũng được hình thành và ngày càng gay gắt. Đây là một câu chuyện khá thú vị, đánh vào tâm lý của khán giả, dù hiện tại vấn đề khan hiếm nước không quá phổ biến. Đáng tiếc, câu chuyện này không có lớp lang, không được khai thác sâu, chỉ thể hiện qua vài ba hình ảnh đơn điệu. Mối quan hệ giữa môi trường với con người đóng vai trò then chốt trong việc đội của Yoon Jae phải lên mặt trăng làm một nhiệm vụ mà khả năng sống sót là 10% nhưng nó chỉ được miêu tả chủ yếu qua những lời thoại. Việc này dẫn tới tập phim đầu tiên của The Silent Sea khá lan man, thậm chí còn ru ngủ khán giả. Không nói là phim nhàm chán nhưng nếu một tác phẩm không thể ghi dấu ấn trong 30 phút đầu thì đó là một tác phẩm khó lòng giữ chân khán giả.

The Silent Sea: Hàn Quốc vẫn chưa làm phim khoa học viễn tưởng được đâu! - Ảnh 3.

Vấn đề mà The Silent Sea gặp phải là một câu chuyện “rất Hàn Quốc”, khi phim quá nặng về lời thoại dù điều này không thực sự cần thiết với một tác phẩm thuộc thể loại khoa học viễn tưởng.

Lệ

Vấn đề mà The Silent Sea gặp phải là một câu chuyện “rất Hàn Quốc”, khi phim quá nặng về lời thoại dù điều này không thực sự cần thiết với một tác phẩm thuộc thể loại khoa học viễn tưởng. Đây là điều đã từng khiến Squid Game gây ra tranh cãi không nhỏ bởi những lời thoại lan man, triết lý khiến nó không giống một bộ phim về sinh tồn kiểu mẫu. Tuy nhiên, điểm đáng mừng là The Silent Sea không giống những bộ original series trước đó của Hàn Quốc trên Netflix, nó không khai thác quá sâu về vấn đề triết lí. Nhờ vậy, những câu chuyện của nhóm phi hành gia trở nên trôi chảy hơn, khán giả chỉ cần tập trung xem xem họ làm gì trong phòng thí nghiệm bỏ hoang chứ không cần mất quá nhiều thời gian để lý giải ý nghĩa đằng sau các chi tiết.

Một chi tiết nữa khiến The Silent Sea rất Hàn Quốc khi đề cao tính nữ trong câu chuyện của mình. Đây là điều mà phần lớn những bộ original series trước đó của Hàn Quốc trên Netflix không làm được (trừ My Name là một bộ phim với nhân vật chính là nữ). Nếu Squid Game từng gây tranh cãi về vấn đề nữ quyền, coi phụ nữ là công cụ cho đàn ông thì The Silent Sea sẽ không phải gặp vấn đề đáng tiếc tương tự. Phim truyền hình Hàn mấy năm nay (không thuộc Netflix) đề cao câu chuyện của phụ nữ rất nhiều và dù có lẽ không cố tình nhưng The Silent Sea cũng đã làm tốt điều đó. Dù dĩ nhiên ở cuối phim, chi tiết khép lại tất cả vẫn như tôn vinh một người đàn ông anh hùng.

Nhưng không đủ sự “khoa học viễn tưởng”

Tương tự nhiều bộ phim cùng thể loại khác, The Silent Sea ổn khi giữ được mạch phim nhất quán, nhanh, dồn dập, đủ độ giật gân. Các yếu tố kinh dị đan xen trong cả bộ phim cũng khiến khán giả cảm thấy hứng thú hơn ở nửa sau. Tuy nhiên, một trong số những điểm ăn khách của phim Hàn là tuyến tình cảm nhưng áp dụng điều đó một cách thật cân bằng vào phim khoa học viễn tưởng thì ekip The Silent Sea chưa làm được.

The Silent Sea: Hàn Quốc vẫn chưa làm phim khoa học viễn tưởng được đâu! - Ảnh 5.

Những ý tưởng khoa học viễn tưởng mà The Silent Sea cố gắng khám phá đều phải nhường chỗ cho những kết luận đầy cảm xúc của các nhân vật.

Lệ

Những ý tưởng khoa học viễn tưởng mà The Silent Sea cố gắng khám phá đều phải nhường chỗ cho những kết luận đầy cảm xúc của các nhân vật. Nếu Space Sweepers đầu năm nay tuy có kịch bản nhàm chán nhưng chí ít đã khiến khán giả mãn nhãn với những hình ảnh ngoài vũ trụ, nơi mà hầu hết các khán giả đều chưa một lần được tận mắt nhìn thấy thì những gì diễn ra ở The Silent Sea chủ yếu chỉ gói gọn trong một bối cảnh khép kín. Các nhân vật phải tìm ra bí ẩn, phải tranh đấu và giành giật sự sống trong trạm nghiên cứu Balhae, nơi mà ngoài bộ đồ bảo hộ ra thì chẳng có gì tạo cho khán giả cảm giác ngoài vũ trụ. Bối cảnh khép kín tạo sự ngột ngạt và đôi khi nó giống với phim sinh tồn hơn là bối cảnh ngoài vũ trụ. Các nhân vật phải giành giật sự sống trong một không gian khép kín và không biết nguy hiểm nào đang chờ mình trước mắt.

Đáng mừng là kỹ xảo, âm thanh trong phim khá ổn, tuy không phải xuất sắc nhưng cũng đáng để Hàn Quốc có thể kỳ vọng vào tương lai của dòng phim thám hiểm vũ trụ. Có điều, phim quá lạm dụng những cảnh tối, đúng kiểu phim kinh dị châu Á, dù đôi khi bóng tối đó không thực sự cần thiết.

The Silent Sea: Hàn Quốc vẫn chưa làm phim khoa học viễn tưởng được đâu! - Ảnh 7.

Dàn diễn viên ổn nhưng nhân vật thì không

Dĩ nhiên không có gì để chê dàn diễn viên này nên bình luận về diễn xuất có vẻ khá thừa thãi đối với trường hợp của The Silent Sea. Đáng tiếc các nhân vật trong phim lại được xây dựng một cách khá nhàm chán. Phim có rất ít nhân vật tuy nhiên, ngoài cặp đôi chính ra thì những nhân vật còn lại đều được xây dựng khá nhạt nhòa, thậm chí sẽ thật khó để khán giả có thể gọi tên các nhân vật trong phim ngoài cô bé Luna - một cái tên quá ấn tượng. Ngay cả diễn viên Kim Sun Young, người xuất hiện xuyên suốt cả bộ phim có lẽ cũng chỉ được nhớ đến là bởi “à cô này là diễn viên Reply 1988”. Với trường hợp của nam diễn viên Lee Joon, suýt chút nữa thì anh ta cũng chìm vào quên lãng của khán giả cho tới khi nhân vật của anh "làm một điều gì đó" ở cuối phim (chúng tôi xin phép không spoil nội dung).

The Silent Sea: Hàn Quốc vẫn chưa làm phim khoa học viễn tưởng được đâu! - Ảnh 8.

"Dĩ nhiên không có gì để chê dàn diễn viên này nên bình luận về diễn xuất có vẻ khá thừa thãi đối với trường hợp của The Silent Sea. Đáng tiếc các nhân vật trong phim lại được xây dựng một cách khá nhàm chán. "

Lệ

Không chê bai gì diễn xuất của cả dàn diễn viên nhưng có thể thấy, tính cách của các nhân vật đều không thực sự nổi bật nếu chưa nói đến một số còn rất nhạt nhẽo khiến cho khán giả khó lòng phân biệt được vai trò của họ. Ngay cả nhân vật của Gong Yoo cũng không đủ thú vị, thậm chí nó còn là một nhân vật quá an toàn với diễn viên mang tính biểu tượng của điện ảnh Hàn. So với Train To Busan hay Goblin, vai diễn lần này không giúp Gong Yoo phô diễn được toàn bộ năng lực của mình và anh có phần lép vế hơn nhiều so với chị đại Bae Donna.

The Silent Sea: Hàn Quốc vẫn chưa làm phim khoa học viễn tưởng được đâu! - Ảnh 10.

Chấm điểm: 3,5/5 Sao

Dĩ nhiên dù sao thì cũng phải thừa nhận, The Silent Sea là một nỗ lực đáng tuyên dương của Hàn Quốc trong việc tiếp cận một chủ đề mang tính thử thách cực kỳ cao. Nó sẽ là một bộ phim Hàn Quốc vừa vặn, đủ hấp dẫn nếu khán giả không phải một tín đồ trung thành của dòng phim khoa học viễn tưởng.

The Silent Sea: Hàn Quốc vẫn chưa làm phim khoa học viễn tưởng được đâu! - Ảnh 11.

The Silent Sea hiện đã phát hành trọn bộ trên Netflix.

Nguồn ảnh: Netflix