Tuy nhiên, có một thói quen đã tồn tại lâu đến mức tôi không nhớ nó xuất hiện từ khi nào - rung chân mỗi khi ngồi xuống. Đôi khi đó chỉ là những nhịp lắc nhẹ ở phần đầu gối, đôi khi cả bàn chân và mắt cá chân của tôi rung lên với tốc độ nhanh hơn.
Trong quán cà phê, vào những buổi hẹn hò, khi đi tàu điện, thậm chí là trong suốt các cuộc gọi điện thoại, cảm giác rung lắc này hiện diện ở khắp mọi nơi đến nỗi tôi hiếm khi nhận thấy chúng cho đến khi một người bạn đưa tay ra để ngăn tôi lại. Đặc biệt, tôi nhận ra rằng mình không phải là người duy nhất có thói quen này, vì cả bố, anh trai và một số người bạn của tôi cũng thường xuyên làm điều đó.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao chúng ta thường rung chân trong vô thức? Và liệu có cách nào để chế ngự thói quen này hay không? Tôi đã nói chuyện cùng với một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia khoa học thần kinh để tìm hiểu về điều này.
Kiểm tra tình huống của bản thân
Trước khi bắt tay viết bài này, tôi đã dành 2 tuần để theo dõi thời gian, địa điểm và lý do hình thành thói quen này. Kết quả cho thấy khi đang ngồi đợi bạn ở quán cà phê hoặc khi tập trung làm việc, chiếc giày của tôi sẽ bắt đầu va vào cạnh bàn và tạo ra tiếng lộc cộc. Điều đó cũng xảy ra khi tôi đang tham gia cuộc họp online và căng thẳng đợi đến lượt phát biểu của mình.
Vào lần đầu tiên, tôi tự hỏi rằng liệu có bất kỳ yếu tố bên ngoài nào tác động đến thói quen này của tôi không, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng thói quen này không phân biệt bởi thời gian, địa điểm, tâm trạng hoặc việc tôi đang đi với ai. Tuy nhiên, tôi đã tìm thấy một nguyên nhân chủ quan đến từ bản thân: Rung chân xảy ra khi tôi cảm thấy buồn chán, mệt mỏi, lo lắng, căng thẳng, bất an, đau đớn về thể xác hoặc quá phấn khích.
Nguyên nhân dẫn đến thói quen rung chân
Có một số lý do khiến chúng ta rung chân trong vô thức như sau.
1. Căng thẳng và lo lắng
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, chứng rối loạn lo âu ảnh hưởng đến hơn 31% dân số nước này. Nồng độ cortisol tăng lên có nghĩa là nhịp tim cao hơn, thúc đẩy cơ thể làm ra hoạt động gì đó, chẳng hạn như rung chân. Nguyên nhân là vì việc chuyển động sẽ làm tăng lưu lượng máu, giải phóng căng thẳng được lưu trữ trong cơ bắp.
Cheryl Collins, MD, một bác sĩ tâm thần và nhà phân tâm học hàng đầu giải thích: "Thực tế, các bác sĩ khuyến khích tập thể dục, vì nó điều chỉnh sự lo lắng và tâm trạng. Lắc chân, theo một nghĩa nào đó, là một hình thức tập thể dục.
Tương tự với ý kiến trên, tiến sĩ và nhà tâm lý học Serenity Serseción cho biết việc rung chân "có tác dụng tương tự nhưng kém hiệu quả hơn việc tập thể dục, tuy nhiên hành động này có thể áp dụng vào một số thời điểm nhất định mà việc tập luyện không thể thực hiện, chẳng hạn như khi đang làm việc tại văn phòng".
2. Nỗ lực tập trung
Theo một nghiên cứu năm 2015, "nghiên cứu ở trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) cho thấy rằng các chuyển động lặp đi lặp lại giúp cải thiện sự tập trung và chú ý".
Hiệu ứng này có thể giải thích cho việc chúng ta thường xuyên rung chân khi ở nhà. Tiến sĩ Collins giải thích rằng tác nhân kích thích có thể giúp làm dịu các phần não bộ hiếu động hoặc bồn chồn và thậm chí giúp tập trung, đặc biệt là khi đối phó với một "kích thích tiêu cực" chẳng hạn như buồn chán hoặc xao nhãng.
3. Tiêu thụ quá nhiều caffein
Một yếu tố khác có thể dẫn đến thói quen này là lượng soda hoặc cà phê mà bạn nạp vào cơ thể. Việc tiêu thụ các chất kích thích, chẳng hạn như caffein, có khả năng làm tăng tốc độ và sự xuất hiện của chứng run chân. Nguyên nhân chính là vì đây là một chất kích thích, đồng thời tiêu thụ nhiều cà phê cũng có nghĩa là bạn đang cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi - những yếu tố làm cho sự tập trung của bạn trở nên yếu ớt hơn.
4. Nhu cầu giải phóng thể chất
Gần đây, khi tôi đang điều trị một chấn thương ở hông và cột sống, tôi buộc phải tạm dừng việc chạy bộ buổi sáng hàng ngày. Từ đó, thói quen rung chân xuất hiện nhiều hơn giúp tôi giải phóng rất nhiều năng lượng bị dồn nén.
5. Yếu tố liên quan tới bệnh tật
Không phải tất cả mọi người đều rung chân vì cùng một nguyên nhân. Theo tiến sĩ Porter, cần phải có sự phân biệt rõ ràng giữa rung chân do lo lắng và hội chứng chân không yên - một hội chứng rối loạn thần kinh đã được công nhận.
Hội chứng rối loạn này khiến người mắc có cảm giác muốn cử động chân một cách mạnh mẽ, thậm chí là không thể cưỡng lại được. Vì vậy nếu rung chân đi kèm với cảm giác đau đớn hoặc khó chịu, bạn cần phải tìm đến bác sĩ để được giúp đỡ.
Có nên tìm cách từ bỏ thói quen này?
Với cảm giác bất an dai dẳng, tôi đã hỏi ba người bạn suy nghĩ của họ về việc thói quen rung chân của tôi ảnh hưởng đến họ như thế nào. Có người nói rằng họ cảm thấy bình thường, vì chính họ cũng có thói quen đó, trong khi một người cho rằng điều này mang đến cảm giác căng thẳng như thể họ đang vội vàng hoặc bị trễ việc gì đó.
Tiến sĩ Porter đồng ý rằng "việc rung chân có thể được người khác coi là dấu hiệu của sự lo lắng hoặc thiếu kiên nhẫn, điều này có thể dẫn đến hiểu lầm trong các tình huống xã hội hoặc nghề nghiệp". Quả thật vậy, việc cử động lặp đi lặp lại trong không gian yên tĩnh có thể khiến người xung quanh cảm thấy mất tập trung hoặc khó chịu.
Tuy nhiên, thực tế là không có mối nguy hiểm rõ ràng nào khi run chân (miễn là nó không kèm theo đau), thậm chí chuyển động này thường có thể mang lại hữu ích. Mặc dù vậy, đôi khi nó lại gây ra cảm giác bồn chồn, kích động và dễ lây lan cho người khác.
Vì vậy, nếu điều đó làm bạn khó chịu, Tiến sĩ Porter gợi ý "hãy cố gắng nhận biết khi nào bạn đang rung chân và tìm hiểu nguyên nhân" để giúp kiểm soát thói quen này. Ngoài ra, bạn có thể tập thể dụng thường xuyên, hạn chế uống caffein, tập thói quen ngủ lành mạnh, thay đổi tư thế và sử dụng các kỹ thuật kiểm soát căng thẳng như thiền, hít thở sâu, yoga.
Nếu bạn đang có quá nhiều cảm xúc lo lắng, hãy cân nhắc đến việc tìm nhà trị liệu chuyên nghiệp. Tương tự như vậy, bạn cũng có thể thay thế thói quen rung chân bằng hành động khác tương tự, chẳng hạn như bóp một quả bóng mềm.
*Bài viết được viết bởi tác giả Saanya Ali