Không mong mọi khoảnh khắc trong cuộc sống đều là điểm 10

Đã bao giờ bạn nghĩ, thay vì mong muốn mọi khoảnh khắc trong cuộc sống đều là một điểm 10 trọn vẹn, thì có khi cứ bình bình ở 6-7 điểm lại tốt hơn chưa?

Thăng trầm là một phần tất yếu của cuộc sống. Đằng trước mỗi đỉnh cao thành công là không biết bao nhiêu vực thẳm của thất bại. Để đạt được những thành quả ngọt ngào, đôi khi phải đánh đổi bằng bao nhiêu ngày tháng cay đắng.

Không mong mọi khoảnh khắc trong cuộc sống đều là điểm 10 - Ảnh 1.

Tất nhiên, có ai không mơ cuộc đời mình toàn những đỉnh cao cơ chứ? Nhưng nếu không phải người quá mơ mộng đến mức "tâm hồn treo trên mây", có lẽ bạn cũng nhận thức được rằng, để đạt được những "điểm 10" đỉnh cao, có khi phải đánh đổi bằng vô số điểm 3, điểm 4, thậm chí là 1-2 trước đó.

Với nhiều người trong số chúng ta, đánh đổi đó hoàn toàn xứng đáng. Một cuộc đời thăng trầm, đầy màu sắc, có lên có xuống, như nhiều người có lẽ sẽ đồng tình, là một cuộc đời "đáng sống".

Thế một cuộc đời "bình bình", bị cho là nhạt nhòa thì chẳng lẽ không đáng sống? Sarah Wildman từ tờ New York Times có lẽ sẽ phản đối ý kiến đó. Với cô, được sống yên bình chính là một đặc ân. Câu chuyện của cô có lẽ sẽ phần nào làm sáng tỏ ý này.

Nhiều năm trước, khi chưa có con, người bạn cũ của gia đình tôi vốn là nhà trị liệu có gửi gắm một lời khuyên nho nhỏ đến bạn đời của tôi - Ian. Khi ấy anh đang vật lộn với tương lai sau khi sớm rời khỏi Tổ chức Hòa bình Hoa Kỳ. Lời khuyên đó là: Đừng mong đợi mọi khoảnh khắc đều là một điểm 10, đôi khi phải chúc mừng cả những điểm 4, điểm 5, điểm 6 - cô ấy nói.

Khi Ian nhắc lại điều đó cho tôi, cả hai cùng cười phá lên. Cảm giác như sự thỏa hiệp, nếu không phải là một thất bại rõ ràng khi không tìm kiếm những thứ tốt đẹp hơn. Cho tới lúc đó, chúng tôi luôn nhìn xa hơn nơi chúng tôi đang đứng, về những khoảnh khắc tươi sáng hơn. Chuyện đó gần như trở thành một câu đùa trong gia đình. Nếu chuyện gì đó tồi tệ xảy ra, chúng tôi sẽ đùa: "Có thể ăn mừng điểm 1 và 2 không nhỉ?".

Nhưng tôi không còn cười nữa. Tôi đã thấy được sự khôn ngoan không chỉ trong việc mong đợi mà còn kiếm tìm niềm vui trong sự tầm thường, tẻ nhạt, cả sự chán chường trong bối cảnh đại dịch và bệnh tật cá nhân. Tôi nhận ra tôi còn lâu mới là người duy nhất nỗ lực trân trọng từng khoảnh khắc. Đó là bản chất của chính niệm, nó cho phép tôi đứng yên trong những trường hợp mà trước đây tôi sẽ không bao giờ chịu dừng lại.

Vào đầu tháng 6/2022, con gái Orli 13 tuổi của chúng tôi trở về nhà ở Thủ đô Washington sau một chuyến đi theo trường được trông đợi từ lâu đến Thành phố New York. Con bé rất trông đợi chuyến đi; nó là động lực giúp bé vượt qua phẫu thuật phổi để cắt tổn thương ung thư, ca mổ thứ 3 từ sau khi được ghép gan để điều trị ung thư gan từ tháng 3/2020.

Sau ca phẫu thuật đó là thời gian ở lại bệnh viện đầy gian truân. Chúng tôi còn có cả bình ôxy ở nhà và căm ghét sự hiện diện của chúng.

Con bé lúc đó đầy sức sống và khỏe mạnh, cũng đã mọc tóc đủ dài để buộc lại. Con bé đã cùng tôi dành nhiều ngày chạy quanh Manhattan cùng nhau, đi ăn mì ramen đêm, mua sắm những thứ chúng tôi còn chẳng cần đến. Orli và em gái con, Hana, còn được đóng vai nhỏ trong một show truyền hình. Tôi đã tự cho phép mình lại mơ về những điểm 10 thay vì điểm 4.

Buổi sáng sau ngày trở về từ New York, Orli thức dậy và ốm rất nặng. 10 ngày sau, các bác sĩ giải phẫu thần kinh phải cắt bỏ một khối u não ác tính. Từng khoảnh khắc trước ca phẫu thuật dường như đều không thể nuốt nổi: Sự thay đổi chóng mặt trong tình trạng sức khỏe của con bé, những rào cản vật chất, sức nặng của tình huống chúng tôi phải đối mặt.

Rồi Orli không thể tự ngồi dậy khỏi giường. Chúng tôi sắp xếp một buổi ghé thăm hiếm hoi đến phòng chăm sóc tích cực cho em gái con. Một buổi chiều, Ian và tôi cùng ngồi trong "khu vườn chữa lành" của bệnh viện, còn không thể hình dung nổi số điểm mà chúng tôi đang mong cầu hay việc mọi thứ đổi thay nhanh thế nào.

Rồi các bánh răng lại khớp. Sự hồi phục của Orli sau ca phẫu thuật não là thần tốc. 2 tuần sau khi xuất viện, con bé đã đạp xe trong một vườn nho tại khu nghỉ hè ở Massachusetts và tận hưởng hơi biển tươi mát bên một căn nhà lợp ván từ những năm 1920. Con bé bắt đầu đọc như thể chưa bao giờ đọc trước đó, đọc như nuốt sách, thậm chí bắt đầu đi lướt ván trở lại.

Không mong mọi khoảnh khắc trong cuộc sống đều là điểm 10 - Ảnh 2.

Từng ngày trong số chuỗi ngày đáng quý đó đều thực là một điểm 10. Nhưng điểm 4, điểm 5 mới là điều mà tôi bắt đầu khao khát: những khoảnh khắc như nằm trên giường con bé, nói chuyện, xem con ăn mì pasta và xin thêm, hoặc xem con bé bơi. Kể cả điểm 1 và 2 - khi xe của cả nhà bị hỏng và chúng tôi phải tìm xe kéo giữa một hòn đảo - cũng tạo cảm giác như những chiến thắng. Một vấn đề giao thông nhưng có thể xử lý được thì có hề gì? Ít nhất thì chúng tôi ở bên nhau, và không phải là trong bệnh viện.

Cả mùa hè - qua những đợt hóa trị, những con số đánh dấu khối u cứng đầu, kể cả một phòng chăm sóc tích cực tồi tàn ác mộng ở giữa thị trấn nghỉ dưỡng - tôi đã cố sống một cách hiện hữu nhất có thể. Không phải là tôi không còn lo về những gì sẽ xảy ra trong 1 tháng, hay 2 tuần, hay năm sau; còn lâu. Mấu chốt là tôi chỉ có thể tập trung vào từng phút mà tôi đang sống.

Sau thật nhiều chuyến đi đến phòng chăm sóc tích cực, những kế hoạch vội vã và nhiều nỗi thất vọng khác, tương lai tạo cảm giác thật mơ hồ để có thể lên kế hoạch, đến mức nỗi lo như nhấn chìm từng khoảnh khắc yên bình. Tôi bắt đầu tập trung theo cái cách mình chưa từng làm trước đó, vào từng ánh đèn tối hôm nay, cảm giác của cát ngày hôm đó, chuyến đi đến cầu tàu hay hương vị kem buổi chiều.

Tôi vẫn mơ về những khoảnh khắc rực rỡ. Sự hiện hữu quá mức cũng có khuyết điểm riêng - tôi thấy thật khó để lên kế hoạch cái gì đó xa hơn 1 tuần. Tôi còn sợ những khoảnh khắc đã qua đến mức vô lý, có thể hoảng loạn vì lỡ giờ đi ngủ của các con, biết rằng một ngày nữa đã trôi qua mà tôi không thể lấy lại.

Nhưng việc liên tục hiện hữu có nghĩa là mỗi lần Orli và tôi cãi nhau - chúng tôi vẫn cãi nhau, con bé 13 tuổi mà - tôi không thể kìm nén cơn giận. Đôi khi cũng có tác dụng đấy. Mỗi đêm tôi đều nằm buôn chuyện với Orli và Hana, đôi khi về thứ gì đó quan trọng, có lúc thì không. Nhưng mỗi lần trước khi lo lắng về công việc, đống bát đĩa hay kể cả chuyến đi tương lai, tôi đều cố nhắc đi nhắc lại mình phải làm thế.

...

Đầu tháng 9, ngay sau khi trường học khai giảng, Orli lại có một ca phẫu thuật mở hộp sọ thứ hai để cắt tổn thương não. Thật may là con bé lại vươn lên tràn trề. Trước khi hết tuần phẫu thuật, con bé đã đọc thêm 1 quyển sách nữa; con nói với tôi rằng nó không muốn lỡ buổi diễn tập kịch ở trường.

Thật phi thường. Tôi cũng mệt với việc con bé phải trở nên phi thường rồi. Hóa ra tôi thực sự chẳng cần cuộc sống lúc nào cũng phải là điểm 10. Một điểm 6 đẹp đẽ, tròn trịa sẽ thật tuyệt. Tối nay, tôi sẽ còn chấp nhận cả điểm 4. Cả nhà chúng tôi sẽ rất hạnh phúc được nghỉ chân ở đây, tại điểm 4.

Nguồn: NYT