Lắng nghe những điều chưa từng được nói
Buổi sáng ở khoa Tâm lý bắt đầu với những câu chuyện lặng lẽ. Bác sĩ Cường ngồi trong phòng khám, đối diện với sự im lặng xa vời của một đứa trẻ. Cậu bé bốn tuổi với mái tóc lòa xòa che nửa khuôn mặt. Em không nhìn ai cũng không đáp lại khi được gọi tên, chỉ khư khư ôm lấy chiếc xe đồ chơi được mang theo từ nhà.
Mẹ cậu bé ngồi xuống đối diện bác sĩ, bàn tay siết chặt góc áo, hỏi bằng giọng run run: “Bác sĩ ơi, có cách nào để con tôi… bình thường không?”. Câu hỏi này, gần 10 năm qua không biết bác sĩ Cường đã nghe đi nghe lại bao nhiêu lần. Là cha mẹ, khi nghe nói đứa trẻ do mình ôm ấp bỗng mắc phải hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, có người bật khóc, có người cố chấp phủ nhận, cũng có người chỉ lặng lẽ cúi đầu. Bởi với họ, đây không chỉ là một chẩn đoán, mà là một cánh cửa khép lại nhiều hy vọng.
Thấu hiểu những điều này, bác sĩ Cường không vội vàng đưa ra câu trả lời. Lần nào, anh cũng dành ra một khoảng lặng như thể để những lo lắng ấy có chỗ để trút xuống. Kinh nghiệm nhiều năm cho anh biết rằng, đôi khi cha mẹ cần được lắng nghe trước khi sẵn sàng đón nhận sự thật. “Chỉ khi cảm thấy được thấu hiểu, cha mẹ mới bớt hoang mang, bớt tự trách, và quan trọng nhất là có đủ sự bình tĩnh để cùng tôi tìm ra hướng đi tốt nhất cho con”, bác sĩ Cường nói.
Đợi cho những cảm xúc vỡ òa trong lòng người mẹ dần lắng xuống, bác sĩ Cường mới chậm rãi giải thích về hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, đồng thời cung cấp các thông tin khoa học giúp người mẹ hiểu rằng, rối loạn phổ tự kỷ không phải là "bệnh" mà là một dạng khác biệt trong phát triển.
Rằng có những đứa trẻ sinh ra với một thế giới riêng. Một thế giới không ồn ào, không vội vã, đôi khi tách biệt với tất cả. Ở đó, ánh mắt của các em lặng lẽ hơn, giọng nói hiếm hoi hơn, những cái chạm tay cũng trở nên dè dặt, và đôi khi, âm thanh, ánh sáng còn là điều nhạy cảm. Thế nhưng, ẩn sau bên trong chúng là một thế giới nội tâm đầy màu sắc, chỉ chờ một người đủ kiên trì để bước vào.
Ths.BS Nguyễn Quốc Cường đang tư vấn tâm lý cho một trẻ tại bệnh viện. (Ảnh: BVCC).
Song, muốn thành công bước chân vào thế giới của trẻ tự kỷ ngay từ đầu là điều khó có thể xảy ra. Các em không sẵn sàng đón nhận sự tiếp cận vội vã, thường chìm vào những thói quen riêng biệt hoặc những khoảng lặng mà người ngoài khó hiểu. Một người lạ bước đến quá nhanh hay một câu nói cất lên không đúng lúc đều có thể khiến tâm hồn của trẻ khép chặt lại.
Để tiếp cận trẻ, bác sĩ Cường không vội vàng đưa ra giải pháp mà bắt đầu bằng việc quan sát, lắng nghe và kiên nhẫn tìm cách kết nối. Đối với vị bác sĩ này, điều quan trọng nhất khi đồng hành cùng trẻ tự kỷ là sự kiên nhẫn và thấu hiểu.
“Không có một công thức chung nào cho tất cả các trẻ tự kỷ. Mỗi bé là một câu chuyện riêng đòi hỏi bác sĩ không chỉ có chuyên môn mà còn phải biết lắng nghe, quan sát tỉ mỉ và đặt mình vào thế giới của các con. Các con không phải không muốn giao tiếp mà là các con có cách giao tiếp riêng, chỉ khi chúng ta đủ kiên nhẫn và chịu quan sát, chúng ta mới thấy được”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Sau giải thích cặn kẽ, trình bày phác đồ can thiệp chi tiết bao gồm các giai đoạn tiếp cận, phương pháp can thiệp phù hợp và chiến lược dài hạn để hỗ trợ sự phát triển của trẻ, đợi cho người mẹ có đủ thời gian để tiếp nhận mọi thứ, bác sĩ Cường lại hướng dẫn người mẹ cách đồng hành cùng con. Bởi lẽ, dù can thiệp y khoa hay hỗ trợ tâm lý có quan trọng đến đâu, thì yếu tố quyết định nhất vẫn là sự quan tâm của gia đình.
“Cha mẹ chính là người giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng mỗi ngày. Việc lắng nghe và giao tiếp theo cách trẻ cảm thấy an toàn không chỉ giúp trẻ bớt căng thẳng mà còn giúp cha mẹ hiểu và đồng hành cùng con mà không áp đặt, không kỳ vọng xa vời. Tôi hướng dẫn cha mẹ của những đứa trẻ tự kỷ tập trung vào khả năng và tiềm năng của con thay vì chỉ nhìn vào những khó khăn. Tôi cũng khuyến khích họ kết nối với những gia đình khác có con tự kỷ để chia sẻ kinh nghiệm và cảm thấy bớt đơn độc”, bác Cường cho hay.
Trước khi tiễn hai mẹ con ra về, bác sĩ Cường không quên nhắc người mẹ rằng: “Tình yêu và sự chấp nhận của cha mẹ chính là điều kiện tiên quyết để giúp con phát triển tốt nhất”.
“Mỗi đứa trẻ đều có thể tiến bộ nếu được đồng hành đúng cách”
Ngay từ những ngày đầu “gõ cửa” những tâm hồn chìm trong thinh lặng, biết rõ con đường chữa lành cho trẻ tự kỷ không phải là một cuộc chạy đua ngắn hạn mà là một hành trình dài với đầy thử thách và trăn trở. Song, với tâm niệm, mỗi đứa trẻ, dù khác biệt thế nào, cũng xứng đáng được yêu thương và có một cơ hội phát triển trọn vẹn, suốt 8 năm qua, bác sĩ Cường không ngừng nghiên cứu, trau dồi kỹ năng và ứng dụng những phương pháp trị liệu tiên tiến nhất nhằm giúp trẻ tự kỷ có thể giao tiếp, hòa nhập và phát triển.
Với bác sĩ Cường, lựa chọn đi theo chuyên ngành Tâm lý Nhi khoa không phải là một quyết định ngẫu nhiên. Ban đầu, anh muốn trở thành bác sĩ Nhi khoa với mong muốn được giúp trẻ em có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng khi tiếp xúc với những đứa trẻ có rối loạn phát triển, đặc biệt là trẻ tự kỷ, anh nhận ra, trẻ em không chỉ cần được chăm sóc về thể chất mà còn cần được thấu hiểu và hỗ trợ về tinh thần để các em có thể tìm thấy tiếng nói của chính mình, từng bước mở lòng với thế giới xung quanh.
"Dù hành trình này dài và nhiều thử thách, nhưng với tôi chỉ cần một bước tiến nhỏ của trẻ cũng đáng giá hơn tất cả. Điều hạnh phúc nhất không phải là giúp trẻ nói được một câu hoàn chỉnh, mà là khoảnh khắc đầu tiên chúng cất tiếng gọi, nhỏ bé thôi nhưng cũng tiếp thêm động lực để tôi tiếp tục”, bác Cường cười nói.
Với bác sĩ Cường, bất kỳ đứa trẻ nào cũng xứng đáng được yêu thương và thấu hiểu để phát triển.
Gần 10 năm lắng nghe những đứa trẻ tự kỷ là từng ấy năm những quan niệm cứng nhắc của xã hội biến thành trăn trở trong lòng bác sĩ Cường mỗi khi nhắc đến. “So với trước đây, nhận thức của xã hội về rối loạn phổ tự kỷ đã có nhiều thay đổi tích cực, nhưng vẫn còn đó những ác cảm và rào cản. Vẫn có những ánh nhìn xa lạ khi một đứa trẻ tự kỷ có hành vi khác biệt ở nơi công cộng, sự kỳ thị và hiểu lầm vẫn còn tồn tại. Đâu đó vẫn có những định kiến như “trẻ tự kỷ là do cha mẹ nuông chiều”, hay “trẻ tự kỷ không thể học hành và làm việc bình thường”. Chính những suy nghĩ này khiến nhiều gia đình ngại ngần trong việc tìm kiếm hỗ trợ cho con”, bác sĩ Cường trầm ngâm.
Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục hòa nhập vẫn chưa thực sự đáp ứng tốt nhu cầu của trẻ tự kỷ. Dù có những trường chuyên biệt hoặc lớp học hòa nhập, nhưng số lượng giáo viên được đào tạo chuyên sâu về tự kỷ vẫn còn hạn chế. Nhiều trẻ có khả năng học tập nhưng không nhận được phương pháp giảng dạy phù hợp.
Là một người yêu trẻ, bác sĩ Cường hi vọng có nhiều hơn nữa những chương trình giáo dục hòa nhập, nhiều hơn nữa những người sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu. "Tôi mong muốn một ngày nào đó, trẻ tự kỷ sẽ không bị nhìn nhận như những cá thể “bất thường”, mà được xem như những đứa trẻ có những cách học hỏi và tiếp nhận thế giới theo một cách riêng biệt. Điều quan trọng không phải là “chữa khỏi” tự kỷ, mà là làm sao để giúp các em phát triển hết tiềm năng của mình", vị bác sĩ trẻ tâm sự.
Với tâm huyết và tình yêu dành cho những tâm hồn nhỏ bé, bác sĩ Cường vẫn đang ngày ngày mở ra cánh cửa kết nối giữa trẻ tự kỷ với thế giới bên ngoài, mang lại hy vọng cho biết bao gia đình. Có lẽ, với những người làm nghề chữa lành như bác Cường, niềm hạnh phúc lớn nhất không phải là những danh hiệu, mà là ánh mắt long lanh của những đứa trẻ khi biết cách thể hiện tình yêu của mình với thế giới xung quanh.