Với cha mẹ, sự phát triển của trẻ luôn là mối quan tâm hàng đầu. Mỗi lần con bước sang những cột mốc phát triển, cha mẹ đều rất tự hào vì mình đã chăm sóc con rất tốt. Trong khi đó, mỗi khi con biết lật, biết nói hay biết đi sau các bạn là cha mẹ lại cuống cuồng lo lắng không biết có vấn đề gì xảy ra với con mình không.
(Ảnh minh họa)
Nhiều cha mẹ cho rằng việc con mình chậm biết đi có thể do con có chỉ số IQ thấp hơn các bạn. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn không có căn cứ. Theo nhiều chuyên gia, việc trẻ biết đi sớm hay muộn không liên quan đến chỉ số IQ, những yếu tố dưới đây mới thật sự gây ảnh hưởng đến vấn đề này.
1. Phát triển thể chất
Với người lớn, việc đi lại là một điều gì đó vô cùng bình thường và dễ dàng. Tuy nhiên, đối với trẻ em điều này lại vô cùng khó khăn, bởi cơ thể trẻ chưa phát triển toàn diện, xương cũng như các cơ chân chưa phát triển đầy đủ cũng như khả năng giữ thăng bằng của trẻ chưa hoàn thiện để có thể đi lại được.
Đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, xương còn mềm và các cơ còn yếu, thậm chí đôi khi trẻ còn không thể thực hiện những động tác đơn giản như giơ tay. Vì vậy, lúc này, trẻ cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể có thể tự phát triển. Nói một cách đơn giản, để trẻ có thể tập đi nhanh hơn, cha mẹ nên chú ý cho trẻ ăn uống và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.
(Ảnh minh họa)
2. Phối hợp chân tay
Nếu biết đi sớm, đồng nghĩa với việc trẻ có khả năng phối hợp chân tay tốt hơn. Ở một số trẻ, do khả năng điều khiển cử động chân khi đi chưa tốt, nên đi muộn hơn các bạn. Khi đó cha mẹ cũng đừng nên quá lo lắng hay thúc ép trẻ đi, không khéo lại gây ra nhiều hậu quả về sau.
3. Hành vi của cha mẹ
Nhiều cha mẹ vì quá lo lắng, bao bọc con mà mỗi lần con tập đi có ngã là lo lắng, không cho con tập nữa. Một số cha mẹ lại lo con mệt mỏi nên thường xuyên cho con dùng xe đẩy hay bế bé trên tay. Những điều này làm mất nhiều cơ hội tập đi của trẻ. Trẻ cũng sẽ ngày càng phụ thuộc vào cha mẹ hay xe đẩy hơn là tự đi một mình.
(Ảnh minh họa)
Dù biết việc chậm đi không liên quan đến chỉ số IQ, tuy nhiên, chắc chắn rằng nhiều ông bố bà mẹ cũng rất sốt ruột khi thấy con mình biết đi chậm hơn các bạn. Để kích thích trẻ tập đi hiệu quả hơn, cha mẹ có thể cho trẻ thực hiện một số động tác sau.
1. Tập squats
Trước khi trẻ tập đi, trẻ cần rèn luyện cho cơ và xương đủ mạnh. Cha mẹ có thể cho trẻ nhặt đồ dưới đất thường xuyên để giúp bé tập động tác ngồi xổm thường xuyên. Động tác này sẽ giúp tăng cường vận động cơ chân cho con.
(Ảnh minh họa)
2. Nhảy múa
Cha mẹ có thể mở những bài nhạc mà bé thích. Sau đó, nắm tay bé và giúp bé di chuyển cơ thể theo điệu nhạc. Việc chuyển động sẽ làm trọng tâm cơ thể thay đổi, giúp bé giữ thăng bằng tốt hơn
3. Đi bộ cùng cha mẹ
Cha mẹ hãy đưa bé đến công viên hoặc bãi biển. Cha và mẹ mỗi người nắm lấy một tay của bé và tập bước đi. Nếu bạn thấy bé muốn buông tay mình ra bạn hãy làm theo ý bé muốn nhưng vẫn bước đi đằng sau bé. Đây là sẽ là một khoảnh khắc vô cùng sung sướng khi bạn nhìn thấy bé dần trưởng thành.
(Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần lưu ý một số điều sau khi cho bé tập đi:
1. Đừng để bé một mình
Không bao giờ để bé một mình dù là bé đã được 18 tháng tuổi và bắt đầu tự bước đi được. Nếu cha hoặc mẹ và bé đang tập đi bộ ở ngoài trời thì bạn cần phải cẩn thận hơn. Bé có thể ngã bất cứ lúc nào. Vì vậy, cha mẹ hãy luôn để mắt đến bé nhé.
2. Bắt đầu tập đi trên bề mặt mềm mại
Khi bé mới bắt đầu tập đi, cha mẹ nên để bé tập trên những bề mặt mềm như thảm, nệm… Điều này sẽ giúp bàn chân của bé bớt căng thẳng. Nếu có ngã thì bé cũng sẽ không đau. Khi bé đã đi tốt hơn, cha mẹ có thể chuyển sang các bề mặt khác cứng hơn.
3. Đi chân đất
Khi ở nhà, cha mẹ hãy cho bé đi chân đất vì điều này giúp bé dễ dàng cảm nhận được kết cấu của sàn.
(Ảnh minh họa)
4. Đừng nôn nóng
Đi bộ là một bước ngoặt quan trọng mà bé cần phải đạt được khi đúng thời điểm. Tuy nhiên, cha mẹ đừng quá nôn nóng dẫn đến những hành động đốt cháy giai đoạn. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Hãy để bé phát triển một cách tự nhiên.