Đêm đầu tiên bước vào tuần thai 38 mình xuất hiện các cơn đau mạnh hơn. “Có lẽ em sắp sinh, nay mai thôi anh ạ, triệu chứng giống lần sinh anh cả lắm rồi, sớm mai em có hẹn với bác sĩ rồi sau đó có thể em vào viện luôn, có gì em gọi điện rồi mang đồ vào cho em nhé”, mình đã từng dặn dò chồng như vậy. Nhưng không ngờ...
Mình là Phương Thảo, hiện tại đang cùng ông xã sống và làm việc Cộng hòa Liên bang Đức.
Mình là Phương Thảo, hiện tại đang cùng ông xã sống và làm việc Cộng hòa Liên bang Đức. Vợ chồng mình đã có một bé trai 2 tuổi, mới đây mình tiếp tục mang thai một bé gái nhưng rất tiếc con đã bỏ bố mẹ ra đi mãi mãi khi mới 38 tuần 2 ngày tuổi, đó là một cú sốc lớn với mình và cả gia đình.
Bác sĩ nói tim thai ngừng đập, buộc phải tiêm kích để cho bé ra ngoài
Nếu thời gian có quay trở lại, mình sẽ chăm sóc sức khỏe thai kỳ, lắng nghe từng cử động của em bé và đến gặp bác sĩ ngay lập tức khi thấy có những bất thường trong cơ thể. Chứ không phải ngồi đây day dứt và ân hận vì một chút chủ quan của bản thân để rồi mất con mãi mãi.
Đó là khi bước vào ngày cuối của tuần thai 37 mình thấy con ít đạp hơn, nhưng do chủ quan nên mình không để ý tới sự tương tác đang giảm dần của con, lúc đó mình chỉ nghĩ đơn giản như ngày mang thai bé đầu bác sĩ cũng nói càng về cuối thì bé lớn nhanh và trong bụng thì diện tích giới hạn nên việc cử động của bé cũng hạn chế phần nào. Và cùng thời điểm đó mình lại có các triệu chứng hoàn toàn giống khi sinh bạn đầu, các triệu chứng để nhận biết dấu hiệu sắp sinh mình đều có.
Khi bước vào ngày cuối của tuần thai 37 mình thấy con ít đạp hơn.
Sang tuần 38 thì các cơn gò tới thường xuyên hơn và cũng vì cơn gò nên mình đã không để ý đến cử động của con, mình đã nhầm tưởng cơn gò đấy là con đang tương tác với mẹ. Mình vẫn chờ các cơn đau, vẫn chờ dấu hiệu sắp sinh. Tới ngày thứ nhất của tuần thai 38 bỗng xuất hiện các cơn đau mạnh, mình đã nói với ông xã: “Có lẽ em sắp sinh, nay mai thôi anh ạ, triệu chứng giống lần sinh anh cả lắm rồi, sớm mai em có hẹn với bác sĩ rồi sau đó có thể em vào viện luôn, có gì em gọi điện rồi mang đồ vào cho em nhé”.
Sáng hôm sau khi thức dậy, mình ăn sáng, tắm gội rồi đi tới phòng khám để kiểm tra xem tử cung đã mở được chút nào chưa. Khi y tá đo tim thai, bạn ấy kiểm tra rất lâu, khám rất kỹ, lúc này mình linh cảm có khi nào sắp xảy ra chuyện. Ngay sau đó mình được đưa vào phòng của bác sĩ, bác sĩ lập tức kiểm tra cho mình và họ nói chuyện với nhau rằng: “Thai phụ bị mất tim thai”, nghe xong câu đó tai mình ù đi, không thể tin nổi.
Khi được bác sĩ hỏi dấu hiệu mình nói “Đêm qua bị đau bụng, đau các cơn như sắp sinh”, họ lập tức chuyển mình vào viện. Khi vào viện mình được kiểm tra và tiêm kích sinh. Mình sinh ngay sau đó không lâu, nhưng thật đáng tiếc là con đã không còn nữa.
Mình đau đớn khóc nghẹn, bao tháng ngày trông ngóng để cùng con về đích nhưng khi lọt lòng con đã không còn khóc, không còn nhìn mẹ và chưa một lần được bú sữa mẹ. Ôm con vào lòng mà chỉ muốn đi cùng con luôn. Thương con, xót con nhưng chỉ biết ngồi bất lực nhìn con về với cõi trời.
Thật không ngờ đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng mình được nắm tay con.
Chuỗi ngày sau đó là những ngày dài mình triền miên đau đớn, run rẩy và ân hận vì đã để con ra đi khi đang ở tuần cuối thai kỳ. Mình gần như không muốn ăn uống mà chỉ muốn thu mình lại. Cho đến tận bây giờ và có lẽ đi hết cả cuộc đời mình sẽ không bao giờ quên được nỗi đau này.
Vậy là mình lạc lối trong nỗi đau buồn và tiếc nuối. May mắn mang đến cho mình một sinh mệnh, yêu thương thật nhiều và rồi đột nhiên chỉ còn lại khoảng trống trong tim. Khoảng trống này không thể lấp đầy được.
“Các mẹ đừng vì một phút lơ là mà phải ôm hận cả cuộc đời”
Lập gia đình được 5 năm, mình may mắn trải qua cảm giác mang nặng đẻ đau khi sinh bé trai đầu lòng. Ngày biết tin có bé đầu, thực sự vừa mừng vừa lo vì mọi thứ vẫn chưa ổn định. Khi bạn lớn được 1 tuổi, mình phát hiện có thêm bạn bé và thật hạnh phúc hơn nữa khi bác sĩ nói đây là một cô công chúa. Vì có chút kinh nghiệm ở lần sinh trước nên rất chú trọng sức khoẻ.
Cả quá trình thai kỳ đều được bác sĩ thăm khám đều. Trong tháng thứ 7 thì bác sĩ có nói hơi dư ối một chút và yêu cầu mẹ chú ý lại chế độ ăn uống (vì từ tháng thứ 6 ngày nào mình cũng uống 1 quả dừa, kèm thêm ăn mía và mình uống rất nhiều nước) sau đó mình tiết chế lại 2 ngày 1 quả, thì 7 tháng rưỡi đi khám lại bác sĩ nói nước ối đã bình thường.
Cả quá trình thai kỳ đều được bác sĩ thăm khám đều.
Từ đó cho đến những tuần cuối thai kỳ mọi thứ tất cả đều bình thường, không có bất kỳ khác thường nào khác. Em bé phát triển tốt, chỉ số đều đạt chuẩn, mẹ vẫn thăm khám con đều đặn 2 tuần 1 lần.
Về nguyên nhân dẫn đến sự ra đi đột ngột của con thì hiện tại vẫn còn bỏ ngỏ, vì mình sinh con hoàn toàn bình thường, và các bác sĩ muốn mình đồng ý làm giải phẫu để tìm nguyên nhân nhưng làm sao vợ chồng mình có thể đồng ý được. Sự ra đi của con đã khiến người làm mẹ như mình đau đớn tột cùng rồi, nếu bây giờ lại chứng kiến cảnh con bị người ta giải phẫu chắc mình không thể chịu nổi mất.
Cũng có nhiều mẹ sẽ hỏi vì sao thấy đau mà không đi viện luôn, mình ở nước ngoài, tình hình dịch bệnh đang diễn biến nghiêm trọng, mặt khác ở nước ngoài không giống Việt Nam, bình thường nếu bạn có cơn đau nhưng khi kiểm tra cổ tử cung mới mở 1 tới 2cm thì bệnh viện sẽ cho về nhà chứ chưa có nhập viện ngay.
Từ câu chuyện của bản thân, mình muốn khuyên các mẹ, nhất là các mẹ giai đoạn cuối thai kỳ cần thực sự tỉnh táo, dù sinh lần đầu, lần 2 hay lần 3 thì cũng hết sức chú ý, mỗi lần mang thai là một lần cơ thể thay đổi, không thể đánh đồng giống lần trước hoặc nghĩ chủ quan theo kiểu “chắc không sao”.
Cần phải để ý đến tất cả các biểu hiện, triệu chứng dù là nhỏ nhất, phải theo dõi bản thân và chú ý lắng nghe để kịp biết con muốn gì, con đang như thế nào. Mọi sự cố đều có thể xảy ra bất ngờ mà mình không đoán trước được. Rất cần sự cẩn trọng để có thể can thiệp kịp thời, tránh xảy ra chuyện không may.
Điều mình đau khổ nhất là khi chứng kiến con ra đi mãi sau bao tháng ngày ở trong cơ thể mẹ. Mình chỉ mong duy nhất một điều, các mẹ đừng vì một phút lơ là mà phải ôm hận cả cuộc đời.