4 bộ phận tuyệt đối không nên để lạnh cho trẻ và đặc biệt tránh 4 sai lầm dễ khiến trẻ đổ bệnh

Trong mùa đông việc giữ ấm cho trẻ là rất quan trọng, tuy nhiên nếu giữ ấm quá mức sẽ gây phản tác dụng, thậm chí hại cho sức khỏe.

4 bộ phận của trẻ cần giữ ấm trong mùa đông

Thời tiết chuyển lạnh, trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất, đặc biệt là các bệnh lý về đường hô hấp nên việc bảo vệ và chăm sóc trẻ đúng cách rất quan trọng. Bác sĩ Phí Xuân Thi (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh) cho biết cần lưu ý với nhóm trẻ dưới 2 tuổi, vì các con chưa biết tự điều chỉnh thân nhiệt phù hợp với môi trường, do vậy rất dễ mắc bệnh.

Các bệnh thường gặp trong mùa lạnh là cảm lạnh, viêm đường hô hấp, viêm phổi, phế quản, tiểu phế quản. Ngoài ra, nhiều trường hợp bị viêm mũi dị dứng, viêm da cơ địa khi thời tiết chuyển lạnh…

Có khá nhiều phụ huynh khi chăm sóc con mùa lạnh đôi khi không biết trẻ mặc đủ ấm hay chưa và luôn lo lắng nếu mặc ấm quá con ra mồ hôi, mặc ít thì sợ lạnh. Để bảo vệ con mùa lạnh, bố mẹ cần ghi nhớ nguyên tắc cơ bản đó là “4 ấm, 1 lạnh”, cụ thể:

Giữ ấm bàn tay, bàn chân cho trẻ rất quan trọng trong mùa đông. Ảnh minh họa. 

4 bộ phận trên cơ thể luôn phải giữ ấm đó là:

- Bàn tay ấm: Giữ bàn tay con ấm, không bị lạnh, không đổ mồ hôi.

- Lưng ấm: Cũng như bàn tay, lưng trẻ cần được giữ ấm vừa phải vì nếu đổ mồ hôi ở lưng và không được lau kịp thời, mồ hôi sẽ thấm ngược vào trong cơ thể trẻ, dẫn đến nhiễm lạnh. Nếu bố mẹ thấy cổ và lưng của trẻ lạnh, điều đó có nghĩa là con cần được mặc thêm quần áo.

- Bụng ấm: Bụng được giữ ấm sẽ giúp bảo vệ dạ dày của trẻ. Nếu bụng lạnh, dạ dày lạnh sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu hóa và hấp thụ thức ăn của con.

- Bàn chân ấm: Bàn chân là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất trong cơ thể bé bởi vì dưới bàn chân có rất nhiều mạch và huyệt. Nếu bàn chân không được giữ ấm, trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp. Vì vậy, người chăm sóc trẻ cần lưu ý giữ ấm đôi bàn chân của trẻ trong những ngày rét, đi tất cho bé dù ở trong nhà, đi thêm giày khi ra ngoài.

Để biết được cơ thể trẻ đủ ấm hay chưa, các bậc phụ huynh chỉ cần sờ các bộ phận trên thấy ấm, không ra mồ hôi có nghĩa thân nhiệt trẻ đang phù hợp với nhiệt độ môi trường.

Khi trẻ ở trong nhà không cần phải bịt kín đầu cho trẻ. Ảnh minh họa. 

Nguyên tắc “1 lạnh” đó là phụ huynh cần giữ phần đầu thông thoáng, thoải mái, không cần đội mũ cả ngày. Chỉ khi ra ngoài mới cần đội mũ ấm phần đầu cho trẻ. 

Sai lầm thường gặp khi giữ ấm cho trẻ mùa đông

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết thời tiết lạnh, nhiều phụ huynh vì lo lắng cho con nên làm ấm cơ thể trẻ quá mức, nhưng đó là một sai lầm khiến trẻ dễ đổ bệnh.

Các sai lầm thường gặp khi chăm sóc trẻ mùa lạnh là:

- Ủ ấm quá mức khiến trẻ ra nhiều mồ hôi, dễ ngấm ngược vào cơ thể gây cảm lạnh, viêm phổi.

- Dùng than sưởi ấm, đây là sai lầm thường gặp ở nông thôn hay những gia đình điều kiện kinh tế khó khăn. Thực tế, rất nhiều vụ việc ngộ độ khí, thậm chí tử vong thương tâm vì cách sưởi ấm này.

Việc dùng thiết bị sưởi cho trẻ sai cách dễ khiến trẻ nhiễm bệnh. Ảnh minh họa. 

- Dùng thiết bị sưởi ấm sai cách, PGS Tiến Dũng cho biết việc dùng thiết bị sưởi ấm hiện đại được khuyến cáo sử dụng khi thời tiết rét đậm. Tuy nhiên, khi dùng không nên để mức nhiệt quá cao, không nên đóng kín phòng gây bí. Đặc biệt trẻ nhỏ không để gần đèn sưởi vì ngoài nguy cơ gây tai nạn còn khiến trẻ khô da.

- Không tắm mùa lạnh, đây là sai lầm thường gặp và khiến trẻ khó chịu, quấy khóc và chậm lớn. Thậm chí còn gây tổn thương da, dễ bị vi khuẩn tấn công. Thay vì không tắm cho trẻ hãy tắm vào thời điểm có ánh nắng mặt trời, tắm trong phòng kín, tắm nước ấm…

Một số lưu ý khi giữ ấm cho trẻ trong ngày lạnh

- Mặc quần áo theo lớp: Một số mẹ thấy trời lạnh thường mặc áo len, áo khoác dày cho trẻ nhưng đây không phải cách mặc đồ lý tưởng cho trẻ. Cách tốt nhất là mặc đồ theo lớp để dễ dàng điều chỉnh quần áo phù hợp với nhiệt độ cơ thể trẻ.

Đảm bảo không mặc quá 4 lớp áo, nếu không trẻ sẽ cảm thấy khó cử động và bí bách, thậm chí ra mồ hôi. Lớp quần áo trong cùng nên cho trẻ mặc các loại áo quần phông, cotton ôm khít cơ thể, tiếp theo là áo len, áo khoác, khi đi ra ngoài trẻ cần thêm mũ và găng tay. Khi đi ngủ, trẻ cần đắp thêm chăn hoặc dùng túi ngủ.

Mắc nhiều lớp áo cho trẻ nhưng cũng không nên quá 4 lớp. Ảnh minh họa. 

- Mặc quần áo từ từ: Khi thời tiết chuyển lạnh, không nên ngay lập tức cho em bé mặc quần áo quá dày. Mẹ nên để bé mặc nhiều đồ dần dần và từ từ tăng thêm số lượng. Việc này sẽ giúp trẻ cải thiện khả năng chịu lạnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh cảm lạnh ở trẻ sơ sinh.

- Không ủ hay quấn trẻ quá mức: Việc quấn bé quá nhiều lớp có thể cản trở quá trình hô hấp của trẻ. Tránh sử dụng những chiếc khăn dài quanh cổ hoặc mặt của em bé; thay vào đó, che chắn trẻ khỏi những cơn gió nhẹ với sự trợ giúp của xe đẩy hoặc đưa trẻ vào nơi kín gió.

- Những thứ cần tránh: Chăn dày và nặng; nệm mềm và nhẹ; chăn điện hay đệm điện, máy sưởi… Đây là những đồ vật có thể khiến trẻ đối mặt nguy cơ nghẹt thở, bỏng hay mắc kẹt.

Kiêng tắm vì trời lạnh, người phụ nữ nhập viện, biến chứng nặng, đây là điều cần nhớ khi tắm gội mùa lạnh