Chị Tiểu Vũ (Trung Quốc) có con 2 tuổi rưỡi, đã cai sữa mẹ hoàn toàn nhưng rất lười ăn. Mỗi bữa cho con ăn là chị lại phải làm đủ trò từ dỗ dành đến dọa nạt thì bé mới ăn hết chén cơm.
Tình trạng này xảy ra thường xuyên khiến chị Tiểu Vũ và gia đình vô cùng đau đầu, vì bận việc bên ngoài, chăm con đã mệt lại rất kỳ công nấu nướng cho trẻ nhưng con lại không ăn khiến mẹ vô cùng thất vọng.
Trên thực tế, có vô số bà mẹ gặp rắc rối như vậy nhưng không biết làm thế nào để cải thiện tình trạng này. Cho con ăn mỗi ngày trở thành “cực hình” khi vừa tốn thời gian vừa bất lực khi con chạy khắp nhà, nghịch ngợm đồ đạc xung quanh cả vài tiếng đồng hồ.
Khi trẻ biếng ăn, con không chỉ còi cọc, chậm lớn, dễ ốm vặt vì sức đề kháng kém…. Nếu trẻ biếng ăn kéo dài sẽ gây nên tình trạng suy giảm hệ miễn dịch, rối loạn vị giác.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng biếng ăn của trẻ và làm cách nào để khắc phục tình trạng này, các mẹ đã bao giờ suy nghĩ một cách cẩn thận chưa?
Nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ nhỏ
La mắng, ép trẻ ăn quá nhiều
Các bậc phụ huynh khi thấy con chán ăn thường cuống cuồng lên tìm mọi cách ép trẻ ăn uống dẫn tới tâm lý sợ sệt, sợ hãi khi tới bữa ăn.
Đôi khi lượng thức ăn cha mẹ yêu cầu là quá mức so với sức ăn của trẻ và hậu quả là trẻ sẽ ngậm thức ăn, nôn ói hoặc chống đối. Về lâu dài trẻ sẽ sợ ăn và dẫn tới chứng biếng ăn.
Mùi vị, màu sắc món ăn không ngon
Hầu hết trẻ em đều có tính tò mò, chỉ khi thích đồ ăn đẹp mắt, ăn ngon thì mới ngồi xuống ăn một cách nhanh chóng.
Trong bữa ăn hàng ngày, mẹ nên chế biến ít nhất 1 món ăn mà trẻ thích để kích thích sự thèm ăn của bé, đừng để xảy ra tình trạng khẩu phần ăn thiếu cân đối như chỉ ăn thiên lệch một nhóm thực phẩm hoặc ăn không đủ 4 nhóm thực phẩm chính gồm protein, chất béo, tinh bột và khoáng chất.
Trẻ ăn đồ ăn vặt trước bữa chính
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, việc chia nhỏ các bữa ăn là rất cần thiết để giảm tải gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại hiểu sai về vấn đề này. Với tâm lý lo sợ con đói của nhiều bà mẹ, trẻ thường ăn vặt trước bữa chính khiến con luôn có cảm giác no và không thèm ăn.
Biếng ăn ở trẻ là vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ đau đầu. (Ảnh minh họa)
Xem tivi, điện thoại trong lúc ăn
Một số thói quen mà không ít bậc cha mẹ mắc phải như chon con vừa xem điện thoại, tivi vừa ăn, chơi đồ chơi khi ăn… vô hình khiến trẻ mất tập trung trong ăn uống. Việc nạp thức ăn một cách thụ động khiến trẻ không cảm nhận được hương vị của món ăn. Lâu dần, trẻ sẽ mất cảm giác ăn ngon miệng, đồng thời khiến bữa ăn kéo dài hàng giờ.
Thay đổi sinh học hoặc mắc bệnh
Những thay đổi sinh lý của trẻ giữa các giai đoạn biết lật, biết ngồi, biết bò, biết đi, mọc răng,... đều là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn. Trẻ mọc răng, viêm loét vùng miệng, sâu răng,... sẽ cảm thấy đau đớn, khó chịu khi ăn uống nên thường bỏ ăn.
Trong khi đó, một số trẻ bị rối loạn chức năng tiêu hóa như loạn khuẩn đường ruột hoặc thiếu men tiêu hóa nên đầy bụng, khó tiêu, hấp thu thức ăn kém nên không có cảm giác muốn ăn, dẫn tới biếng ăn, chậm lớn.
Cha mẹ ép trẻ ăn quá nhiều cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn. (Ảnh minh họa)
Vậy làm thế nào để cải thiện chứng biếng ăn ở trẻ?
Để trẻ ăn theo nhu cầu của mình
Hãy luôn ghi nhớ và áp dụng quy tắc: “Cho trẻ ăn theo nhu cầu“, không ép con ăn quá nhiều hay dùng hình phạt, la mắng để dọa nạt bắt trẻ ăn.
Bên cạnh đó, mẹ không nên ép bé ăn quá nhiều thức ăn trong một bữa mà hãy chia thành các bữa nhỏ trong ngày, mỗi bữa ăn cần cách nhau ít nhất từ 2-3 tiếng.
Lên thực đơn đa dạng và trình bày món ăn đẹp mắt
Hãy cho trẻ tự lựa chọn món mà mình thích, miễn sao món ăn đó không gây hại cho sức khỏe của con. Ngoài ra, mẹ cũng nên trình bày món ăn thật đẹp mắt với các hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu, nhiều màu sắc để tăng sự hứng thú với đồ ăn.
Lên thực đơn đa dạng và trình bày món ăn đẹp mắt sẽ có thể thu hút trẻ và giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. (Ảnh minh họa)
Cho trẻ ăn đúng giờ, đúng bữa
Hãy đặt cho con quy tắc không được phép ăn bất kỳ thứ gì khi chưa đến bữa. Trước bữa ăn nửa tiếng, hãy thông báo cho con để con không đòi ăn vặt, uống nước… khiến dạ dày dễ bị lấp đầy, gây cảm giác no giả. Luyện tập cho trẻ ăn uống đúng giờ để hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả nhất.
Thêm vào đó, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ uống sữa vào giữa đêm. Bởi việc này sẽ ảnh hưởng đến việc nạp năng lượng của bé vào bữa sáng ngày hôm sau.
Giới hạn thời gian cho mỗi bữa ăn
Đối với những bé năng động, rất khó để trẻ ngồi im trong suốt bữa ăn. Theo đó, dù con có ăn ít đi chăng nữa nhưng bố mẹ cũng chỉ nên cho bữa ăn kéo dài trong khoảng 30 phút. Nhờ đó, trẻ không chỉ tránh được áp lực tâm lý mà còn kích thích khả năng tự điều chỉnh lượng thức ăn cần nạp vào cơ thể.
Giới hạn thời gian cho mỗi bữa ăn và luyện tập cho trẻ ăn uống đúng giờ để hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả nhất. (Ảnh minh họa)
Luôn kiên nhẫn với trẻ khi thử đồ ăn mới
Việc giúp con trải nghiệm những nhóm thực phẩm mới, nhất là với những trẻ biếng ăn không hề dễ dàng. Một trong những mẹo để giải quyết vấn đề này là bố mẹ hãy cùng con trải nghiệm. Khi thấy bố mê ăn ngon miệng, lúc này con sẽ bắt chước tập theo.
Ngoài ra, hãy cho trẻ thử món mới vào buổi sáng. Đó là thời điểm trẻ đói nhất và dễ dàng thích thú trước các món ăn mới lạ. Một khi con đã chịu ăn thì cha mẹ có thể dễ dàng bổ sung món ăn nào vào bữa trưa hay tối.