Hành trình mang thai, sinh con của người phụ nữ luôn ẩn chứa nhiều cảm xúc khác nhau, có vui vẻ, hạnh phúc nhưng cũng nhiều lo lắng, hoảng sợ. Bà mẹ 8X Bích Phạm (sống tại Hà Nội) - khách mời trong chương trình Chat với mẹ bỉm sữa tập 73 cũng đã có hai thai kỳ như vậy. 9 tháng 10 ngày mang thai có thể diễn ra suôn sẻ nhưng ngày đi sinh lại nhiều biến cố đến mức ai nghe chị chia sẻ lại cũng phải rơi nước mắt vì thương.
Hai con nhà chị Bích.
Chị Bích cho biết chị mang bầu bé đầu hoàn toàn theo đúng dự tính, còn bé thứ 2 thì "ngoài kế hoạch". Cũng vì vậy mà 2 lần mang thai của chị cũng có nhiều điểm khác nhau. Khi bầu bé đầu, chị được cả hai bên gia đình, họ hàng chăm bẵm kĩ lưỡng, đưa ra nhiều lời khuyên từ dinh dưỡng đến tẩm bổ, dưỡng thai. Kết quả là đến ngày đi sinh, chị tăng tới 27kg, không đi vừa một chiếc dép cũ nào và qua cửa cũng phải nghiêng người. Đến bé thứ 2, vì "vỡ kế hoạch" khi con đầu chưa được 2 tuổi nên chị Bích vừa bầu bí vừa phải chăm con nhỏ. Thậm chí lịch khám thai của chị cũng không được đảm bảo vì có khi rơi trúng ngày con ốm, con đau. Hết thai kỳ thứ 2, chị Bích chỉ tăng đúng 3kg, trái ngược hoàn toàn với lúc mang bầu bé đầu.
Chị sinh mổ bé đầu khá suôn sẻ dù bị tiền sản giật, huyết áp cao.
Nhớ lại ngày đi sinh con gái đầu lòng, chị Bích nói: "Lúc đó mình vẫn nhớ là cố gắng xin nghỉ trước vài ngày để nghỉ ngơi. Vậy nhưng sáng vừa nghỉ thì chiều em trai chở đi khám thai, bác sĩ nhìn thấy người mình phù hết lên, to như một con voi mới hoảng hốt trách cứ: "Sao lại để phù đến mức này?". Lúc đó mình mới mang bầu 38 tuần 3 ngày nhưng bác sĩ khám xong là yêu cầu nhập viện luôn. Trong bệnh án ghi huyết áp cao, có dấu hiệu tiền sản giật. Nghe cấp cứu mình mới bắt đầu hoảng, nhanh chóng gọi người nhà lên. Vậy mà đến lúc bác sĩ yêu cầu chồng kí giấy cho đi mổ, mình ra hỏi chồng đâu thì mẹ mới trả lời là vừa bảo anh về nhà tắm rửa. May mắn là tình trạng của mình lúc đó chưa quá nguy hiểm nên có thể đợi thêm một chút rồi chồng lên kí là mổ. Ca mổ diễn ra khá nhanh, em bé chào đời nặng 3,8kg, hồng hào, khóc tó. Lần đầu thấy con mình không xúc động như trên phim đâu, mà chỉ thầm nghĩ trong đầu là sao mặt con mình to vậy nhỉ, thấy nó lạ lạ làm sao".
Lần sinh con thứ 2 của chị Bích thì không được nhanh chóng và suôn sẻ như lần đầu. Lần này dù có kế hoạch sinh mổ từ trước nhưng trước ngày hẹn thì chị có dấu hiệu chuyển dạ. Chị và mẹ đẻ cùng nhau vào viện trước còn chồng chuẩn bị đồ theo sau. Khi vào đến bệnh viện, bác sĩ khám cho biết cổ tử cung chưa mở, bản thân chị Bích cũng cảm nhận cơn đau cũng ở mức bình thường. Vậy nhưng khi đặt máy monitor đo nhịp tim thai và cơn co cổ tử cung, bác sĩ mới hoảng hốt phát hiện ra chị đang có cơn co tử cung cường tính.
Lần sinh bé thứ 2 của chị Bích không dễ dàng như vậy.
"Bác sĩ giải thích rằng các bà mẹ khác chỉ cần đau dưới mức của mình 2 mức độ thôi là đã đẻ rồi. Bác sĩ cứ liên tục hỏi mình là có đau nhiều không nhưng mình nói là vẫn chịu được. Đến mức anh đó phải thốt lên: "Anh không hiểu là em kiên cường hay ngưỡng chịu đau em tốt, chứ với mức này thì các mẹ khác là quá đau rồi, không chịu được nữa". Vậy nhưng việc đau hay không không quan trọng bằng việc cơn co cường tính xảy ra khi cổ tử cung chưa mở là rất nguy hiểm, khiến cổ tử cung có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Bác sĩ lập tức bỏ trực đẩy em vào mổ cấp cứu", chị Bích nhớ lại.
Bản thân chị Bích lúc đó cũng chưa hiểu gì về vấn đề mình đang phải đối mặt. Vậy nhưng thấy sự gấp rút của bác sĩ, chị cũng bắt đầu lo lắng. Nằm trên bàn mổ, chị nghe các bác sĩ nói với nhau rằng: "Nước ối đen sì như nước cống rồi", bé lấy ra cũng không khóc được mà chỉ tạo những âm thanh "ọc ọc" do sặc ối. Cũng vì vậy khi được y tá cho nhìn con, chị Bích chẳng còn tâm trí xem bé xinh hay xấu như lần đầu sinh con mà lập tức rơi nước mắt vì thương bé. Sau sinh, con trai chị Bích phải chuyển ngay sang trung tâm chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sinh non, yếu sau sinh (ICU).
Bà mẹ 8X rơi nước mắt khi nhớ lại những ngày sau sinh con trai.
Mãi đến sau này, gia đình mới kể lại với chị Bích rằng khi được bế ra ngoài, bác sĩ không cho ông bà chạm vào bé và thông báo khả năng sống sót của con chỉ là 50%. Trong lúc con nằm "giành giật" sự sống trong ICU thì chị Bích cũng phải đối mặt với cơn đau thấu tận trời xanh do dị ứng thuốc giảm đau. Sau khi hết thuốc tê, chị không thể dùng bất cứ biện pháp giảm đau nào nên cực kỳ vật vã, mệt mỏi, suốt 3 ngày không xuống được giường.
5 ngày sau sinh, chị Bích được xuất viện nhưng trong tay chị không được ôm con như bao bà mẹ khác, bé vẫn phải ở lại điều trị và theo dõi trong ICU. Vậy là bà mẹ 8X nuốt nước mắt, dặn chồng ở nhà lo công việc và chăm bé lớn, còn chị thuê một phòng trọ tồi tàn gần bệnh viện để hàng ngày vắt sữa mang vào cho con và thăm bé. May mắn thay sau 15 ngày điều trị, con trai chị Bích đã được trở về với vòng tay mẹ.
Gia đình hạnh phúc của chị Bích hiện tại.
Trải qua 2 lần sinh con đầy vất vả, chị Bích tâm sự mình càng thấu hiểu và thương hơn người mẹ đã sinh mình và em trai trong điều kiện gia đình thiếu thốn, y tế chưa phát triển khi xưa.