Yêu và lấy anh Jideofor - người Negeria, chị Tân Châu nhận rất nhiều lời bình luận không hay của mọi người như “yêu ai không yêu lại yêu Tây đen”. Thậm chí, khi đi khám sức khỏe để làm giấy kết hôn, bác sĩ còn hỏi chị “Em xinh vậy sao yêu một anh da đen”. Thế nhưng, bỏ ngoài tai lời nói của mọi người để kết hôn với anh. Mặc dù cuộc sống 2 vợ chồng có nhiều khó khăn do kinh doanh của anh không ổn định, nhưng chị hài lòng với tổ ấm nhỏ, nhất là sau khi chị sinh con gái, chị biết sự lựa chọn của mình là đúng đắn.
Tổ ấm nhỏ của chị Tân Châu.
3 lần mang bầu đều không giữ được con
Chị Tân Châu và anh Jideofor quen nhau qua mạng khi chị muốn cải thiện việc giao tiếp bằng tiếng Anh nên làm quen với anh. Lúc đó, chị làm nhân viên tiếp nhận quảng cáo, còn anh kinh doanh áo đầm, chuyên lấy hàng Việt Nam bán cho người nước ngoài. Ấn tượng của chị về anh là một ông da đen cao to, sạch sẽ, kỹ tính, nói chuyện nghiêm túc, ít lời và cả 2 cứ làm bạn, chia sẻ về cuộc sống của nhau.
Không đặt nặng về mối quan hệ của nhau nên chị và anh có lúc không liên lạc vài tháng. Vậy mà một ngày đẹp trời, anh gọi điện thoại cầu hôn chị “Giờ mình cưới nha", khiến chị vừa bất ngờ vừa hoang mang. Vậy là sau khi quen được hơn 6 tháng, anh chị tiến tới hôn nhân vào một ngày cuối năm 2013.
Sau khi kết hôn, chị Châu có tin vui ngay. Tuy nhiên, niềm vui kia chóng vánh qua mau khi chị bị sảy thai sau vài tuần. Sau lần sảy thai đầu tiên, vợ chồng chị đợi hoài một năm không thấy động tĩnh gì nên liền đi bác sĩ sản khoa "canh trứng". Lần này, chị đậu lần 2 nhưng niềm vui cũng qua mau khi thai được 9 tuần, bác sĩ báo "không có tim thai" và chị lại một lần nữa không có cơ hội làm mẹ.
“Lúc đó mình khá buồn, khóc nhiều, bác sĩ khuyên đi kiểm tra tiền sản cả vợ chồng và phát hiện ra chồng mình bất thường cặp nhiễm sắc thể số 9. Bác sĩ nói 99% thai sẽ tự đào thải lúc 6-10 tuần nhưng cơ hội vẫn có nếu anh không “hào phóng” quá. Dù buồn vì khó có con nhưng mình không còn stress nữa vì biết mình không phải tệ mà không biết giữ gìn để mất con”, chị Châu chia sẻ.
Theo chị kể lại giải thích của bác sĩ, mỗi người sẽ có 23 cặp nhiễm sắc thể (46 NST), trong quá trình thụ tinh bình thường, 23 NST của bố và 23 NST của mẹ sẽ hợp lại để tại thành 1 con người mới. Nhưng ở đây, anh cho luôn 24 NST, vì vậy, sẽ có 1 cặp bị lỗi mà trường hợp này là tự đào thải khi thai không quá 10 tuần.
Chồng chị bị bất thường nhiễm sắc thể số 9 nên chị nhiều lần bị sảy thai trước đó.
Chị Châu tâm sự, trong cái rủi chị lại cảm thấy cái may vì vị trí bất thường NST thì 99% thai sảy nếu không may, còn may mắn thì thai sẽ bình thường và sinh em bé bình thường. Ông trời không bắt chị phải đau khổ khi quyết định giữ hay bỏ nếu em bé còn sống mắc hội chứng Down (một trường hợp bất thường NST khác),… Chị lạc quan vì giống như phụ nữ trễ vài tháng rồi có lại nên cứ vui vẻ, không băn khoăn lo lắng điều gì. Còn chồng chị, anh cũng buồn nhưng không nói ra, chỉ động viên chị rằng “vợ chồng mình vẫn còn cơ hội, anh tin là tụi mình sẽ thành công”.
Đồng thời, anh cũng sống chuẩn mực hơn, ăn uống khoa học, tập thể dục, không hút thuốc và bỏ rượu sau đó. Vài tháng sau, chị có bầu một lần nữa. Khác với các lần trước, lần này vợ chồng chị vỡ òa hạnh phúc khi mang thai tự nhiên thành công.
Mang thai ở tuổi 37, chị Châu lo lắng khá nhiều, chị sợ con bị Down, sợ biến chứng đủ thứ. Chưa kể, chị còn lo lắng vì kinh tế không ổn định, chị sợ không lo được cho con. Mỗi lần lo lắng như vậy, chồng chị lại động viên “Người ta bán nhà để đi làm thụ tinh nhân tạo biết bao lần chỉ để có con, mình có con tự nhiên thì tốt quá còn gì. Kinh doanh có lúc này lúc khác, có lúc sẽ không có đồng xu nào trong người nhưng những lúc như vậy sẽ cho mình động lực để kiếm tiền”. May mắn chị không nghỉ việc để theo anh làm kinh doanh nên vẫn có đủ kinh tế để lo cho 2 mẹ con, còn lúc khó khăn nhất anh đành về nước.
Dẫu chồng kinh tế không ổn định, nhiều lúc khó khăn nhưng chị được an ủi khi anh luôn quan tâm vợ. Anh không cho chị làm việc nhà, khi về nhà chỉ việc nghỉ ngơi, từ tháng thứ 6 trở đi, anh đưa chị đi làm mỗi ngày.
Ông xã Châu Phi phụ chị rất nhiều việc nhà.
Chăm vợ sinh, ai cũng kêu “nể ông Tây đen này thật”
Được biết, chị Châu có nguy cơ tiền sản giật ở những tháng cuối thai kỳ, chị phải đo huyết áp 3 lần/ngày. Dẫu cả thai kỳ chỉ tăng 7kg nhưng chị sinh con sớm ở tuần 36 mà bé vẫn nặng đến 3kg.
Chia sẻ về ngày đi sinh của mình, chị Châu kể, hôm đó vào thứ 6, chị vẫn đi làm bình thường, chị đo huyết áp thấy cao, đặc biệt buổi chiều lên gần 160/90 nên sợ quá phải đến phòng khám bác sĩ theo dõi thai kỳ khám. Bác sĩ yêu cầu chị nhập viện ngay trong đêm nhưng chị vẫn tỉnh queo và và nói với chồng chắc bác sĩ cho nhập viện để xử lý huyết áp hạ rồi về vì còn mấy tuần nữa mới đến ngày sinh. Và chị tung tẩy vào bệnh viện, chị được nhập viện cấp cứu gấp ở bệnh viện Từ Dũ.
“Chồng mình không rành tiếng Việt nên lúc nằm trong phòng cấp cứu, mình giao hết giấy tờ điện thoại cho chồng giữ. Bệnh viện mời người thân của sản phụ Tân Châu, anh ngồi ở cửa vẫn cứ trơ trơ vì không nghe được tên vợ qua loa nhưng mắt lúc nào cũng dõi về cửa phòng cấp cứu. Lúc y tá đẩy từ phòng cấp cứu ra, anh mới lật đật chạy theo. Có vài điều dưỡng biết ít tiếng Anh chỉ anh đi mua đồ dùng cần thiết cho mình. Anh thức chăm mình suốt đêm khiến mấy anh chồng cùng phòng bệnh cứ kêu “nể cái ông Tây đen này thiệt”, chị Châu chia sẻ.
Con gái chị chào đời nặng 3kg, da trắng tóc thẳng khác hoàn toàn suy nghĩ của mọi người.
Chị Châu sinh khá khó nên chị vào phòng sinh từ 2h chiều hôm trước đến 2h sáng hôm sau mới sinh. Sinh xong chị mệt quá nên vừa kịp nhìn con thì bác sĩ đã đưa về phòng chăm sóc bé sơ sinh luôn do sản phụ mệt. Suốt khoảng thời gian chị sinh, chồng chị ngồi canh, chờ chị suốt, thậm chí anh còn bảo chị và em vợ đi nghỉ để một mình anh canh. Và đến lúc chị sinh xong, bác sĩ kêu người nhà vào nhìn con, chỉ chờ có vậy, anh chạy như bay để được gặp con.
“Mình sinh xong mệt quá nên vừa kịp nhìn con là bác sĩ đưa đi chăm sóc riêng rồi. Ai cũng nghĩ mình lấy chồng da đen, sẽ sinh ra em bé cũng… đen thui giống anh. Vì vậy, người bạn làm cùng cơ quan có người thân trong bệnh viện nhờ xem giúp em bé bảo "Chị xem có em bé nào mới sinh hồi khuya giờ mà da đen thui là cháu em đó, chị xem nó có ổn không?". Nào ngờ, lúc sinh em bé trắng tươi nên các điều dưỡng đều trả lời không thấy em bé nào đen thui đâu”, chị Châu cười.
Vì mê con quá nên sau sinh, chị Châu không cho chồng thay tã bỉm, chị chỉ cho anh cầm bình tập bú cho bé. Khoảng 2 tháng chị phát hiện con chê bình nên ngày nào cũng vắt sữa, bỏ vào bình để cho chồng tập bé ti bình. Nhờ phát hiện sớm, nên khi hết thời gian nghỉ sinh, chị không gặp nhiều khó khăn trong việc gửi bé để đi làm.
Bé nhà chị lớn lên da ngăm đen dần, tóc xoăn không như hồi mới sinh.
Vừa sinh con xong là việc kinh doanh của anh gặp khó, không chỉ vậy, visa lại hết hạn nên phải về nước gần năm để xoay sở. Dù ở xa nhau về địa lý, nhưng anh không xa nhau nhờ gọi video call mỗi ngày, con gái tuy sống xa cha nhưng không lạ cha.
Hiện tại, vợ chồng chị cũng vẫn còn khó khăn vì dịch COVID-19, công việc kinh doanh của anh lại gặp khó, nhưng chị vẫn vui vì anh đỡ đần chị nhiều việc. Từ lúc bầu bí đến sinh con chị nhàn tênh vì chuyện nhà cửa tới giặt giũ quần áo đều một tay anh lo, chị không phải làm gì. Hiện tại, con gái chị đã 3 tuổi, khá cao so với bạn cùng lứa, nước da ngăm đen giữa bố và mẹ, mái tóc xoăn không còn thẳng, trắng như ngày bé nữa.