Mặc dù mang thai là một chặng đường vất vả kéo dài những 9 tháng 10 ngày, nhưng bù lại, các bà mẹ sẽ được tận mắt chứng kiến sự thay đổi của bản thân cũng như sự lớn lên của con mình theo từng tháng. Và cứ mỗi một tháng trôi qua, bạn sẽ phải kinh ngạc về sự thần kỳ của tạo hóa và nhận ra sự thay đổi của cơ thể không có tháng nào giống tháng nào.
Tháng đầu tiên
Khi bạn mới bắt đầu mang thai, rất khó để mọi người có thể phát hiện ra điều đó. Bởi lúc này bụng của bạn vẫn phẳng lì và thân hình vẫn chưa có gì thay đổi. Thậm chí, một số mẹ chỉ có thể biết mình đã mang thai sau khi bị trễ kinh.
Song, nếu chịu khó để ý bạn sẽ thấy mình thường hay mệt hơn lúc trước, thậm chí không làm gì cả cũng cảm thấy mệt. Đây là dấu hiệu cho thấy trứng đã thụ tinh và tiến vào tử cung để làm tổ. Ngoài ra, ngực của bạn cũng sẽ có hiện tượng sưng và đau nhẹ.
Tháng thứ hai
Bước vào tháng thứ 2 của thai kỳ, bạn sẽ có cảm giác buồn nôn liên tục. Có nhiều mẹ bầu còn phải trải qua một quãng thời gian ốm nghén nặng, không thể ăn uống được gì vì ăn gì nôn nấy và người kiệt sức. Tuy nhiên, phản ứng nghén của mỗi người phụ nữ lại khác nhau. Có một số mẹ không những không bị nôn ói mà còn ăn ngon miệng hơn.
Ở tam cá nguyệt đầu tiên, các mẹ bầu sẽ bị ốm nghén, nhưng triệu chứng này sẽ giảm dần khi ở tam cá nguyệt thứ 2. (Ảnh minh họa).
Bên cạnh đó, thời gian này bạn cũng sẽ gặp phải tình trạng mắc đi vệ sinh liên tục do sự thay đổi nội tiết tố cùng sự phát triển kích thước của tử cung gây áp lực lên bàng quang. Vì thai nhi 3 tháng đầu chưa ổn định, nên bạn phải hết sức cẩn thận khi đi vào những chỗ có nước dễ trơn trượt.
Tháng thứ ba
Đến tháng thứ 3, cân nặng của bạn bắt đầu tăng. Lúc này bụng bầu cũng đã lấp ló và mọi người đã có thể nhận ra bạn đang có tin vui. Ngoài chuyện tử cung phình to ra, phần eo của bạn cũng bắt đầu bị đau và khó chịu. Bầu ngực cũng nhạy cảm hơn. Vì thế, bạn nên chú ý nghỉ ngơi nhiều.
Tháng thứ tư
Qua tam cá nguyệt thứ 2, phản ứng nghén ngẩm cơ bản đã có dấu hiệu thuyên giảm. Bạn bắt đầu thèm ăn nhiều hơn, lượng ăn cũng nhiều hơn. Bụng của bạn cũng to lên đáng kể. Thậm chí, một vài mẹ bầu đã có thể cảm nhận được sự chuyển động nhè nhẹ của em bé trong bụng. Điều này giúp tâm trạng của bạn thoải mái và vui vẻ hơn.
Đến giai đoạn này, bạn cần chú ý bổ sung canxi và sắt đề phòng thiếu máu, đồng thời chú ý lịch hẹn siêu âm tầm soát Down với bác sĩ.
Tháng thứ năm
Ở tháng thứ 5 của thai kỳ, bụng của bạn đã to lên rõ rệt và bạn cũng đã cảm nhận rõ ràng được từng cử động của con. Trong gia đoạn này, bạn cần nghỉ ngơi thư giãn, khám thai đúng định kỳ và chú ý bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung canxi để đáp ứng nhu cầu phát triển hệ xương của bé.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần bổ sung thêm vitaminD để thúc đẩy quá trình hấp thụ canxi. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi uống bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc bổ.
Bước đến tháng thứ 5, mẹ bầu đã có thể cảm nhận được rõ rệt các chuyển động của thai nhi (Ảnh minh họa).
Tháng thứ sáu
Đây được xem là tháng thoải mái nhất của các mẹ bầu, vì cảm giác ốm nghén gần như đã hết. Và mặc dù bụng vẫn tiếp tục to lên nhưng nó vẫn không chèn ép khiến bạn cảm thấy khó chịu. Tuy vậy, bạn vẫn không nên “ăn thả ga”. Hãy luôn chú ý đến chế độ ăn uống để tránh tăng cân quá nhanh, tập thể dục nhẹ nhàng và thực hiện các kiểm tra dị tật dưới sự tư vấn của bác sĩ.
Tháng thứ bảy
Khi mang thai ở tam cá nguyệt thứ 3, cơ thể của mẹ bầu đã khá nặng nề và đồ sộ. Đến giai đoạn này, một số mẹ bầu sẽ bị đau xương mu và đau lưng nên cần chú ý nghỉ ngơi nhiều hơn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bị phù chân tay. Đây là một hiện tượng bình thường khi mang thai và sẽ giảm dần sau sinh nên bạn không cần phải quá lo lắng.
Tháng thứ tám
Đi tiểu liên tục là đặc điểm dễ nhận biết nhất của các mẹ bầu đang ở tháng thứ 8 do em bé lớn gây áp lực lên bàng quang. Bên cạnh đó, cảm giác thèm ăn nhưng lại không ăn được nhiều cũng gây sự khó chịu cho bạn. Một số mẹ bầu cũng sẽ bị rạn da, táo bón, tức ngực khó thở. Nguyên nhân đều là vì em bé lớn, tử cung phải mở rộng nên chèn ép lên các cơ quan nội tạng khác.
Điều quan trọng là bạn cần thường xuyên chú ý đến cử động của con. Nếu cảm thấy có gì bất thường như thai nhi lâu quá không hoạt động thì nên đến bệnh viện gấp để kiểm tra kịp thời.
Đến lúc này, cơ thể bạn đã sẵn sàng cho cuộc sinh nở. Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn sàng đồ dùng đi sinh và chọn lựa nơi mình sẽ sinh con (Ảnh minh họa).
Tháng thứ chín
Cuối cùng thì bạn cũng đã đi đến tháng cuối cùng của hành trình mang thai. Tuy đây là tháng cuối, nhưng đây cũng là tháng mà em bé phát triển nhanh nhất. Lượng nước ối cũng tăng lên, cân nặng của mẹ bầu cũng đạt đến đỉnh điểm. Các vết rạn da ở vùng bụng cũng đậm nét hơn và thỉnh thoảng bạn sẽ cảm nhận được những cơn co thắt nhẹ. Song, bạn đừng quá lo lắng, đây chỉ là những cơn co thắt giả giúp cơ thể sẵn sàng cho một cuộc chuyển dạ thật sự.
Vì em bé lớn lên không ngừng nên thành tử cung ngày càng mỏng đi, nên mỗi khi thai nhi cử động, bạn có thể cảm nhận được rõ bàn tay, bàn chân hay đầu gối của bé. Các triệu chứng đau lưng cũng tăng lên rõ rệt nên các mẹ bầu hãy nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
Thêm vào đó, vì em bé chèn ép dạ dày nên bạn sẽ không thể ăn nhiều trong một bữa. Do đó, bạn hãy ăn nhiều bữa, mỗi bữa một ít và nhớ tập thể dục nhẹ nhàng để chuẩn bị sức khỏe cho chuyến “lâm bồn” chào đón con yêu.