9X Hòa Bình khệ nệ mang bầu suốt 9 tháng, lúc khám không có đứa trẻ nào trong bụng

Đầu năm nay, Linh thông báo với người nhà rằng mình đã mang thai, người nhà cũng thấy cô có biểu hiện nghén, bụng lớn dần, buồn nôn, nôn ói.

Kết hôn 2 năm nhưng Ngọc Linh (23 tuổi) ở Hoà Bình chưa có tin vui. Do quá mong con, cô bị hoang tưởng và tự nhận mình đã mang bầu sau đó bị sảy thai. Nhận thấy cô gái trẻ có dấu hiệu tâm lý không ổn định, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc chứng rối loạn hoang tưởng và chỉ định nhập viện theo dõi, chưa dùng thuốc tâm thần.

9X Hòa Bình khệ nệ mang bầu suốt 9 tháng, lúc khám không có đứa trẻ nào trong bụng - 1

Vì quá mong con, nhiều chị em mắc phải hiện tượng mang thai giả. (ảnh minh họa)

Rối loạn hoang tưởng vì áp lực có con

Ngọc Linh tâm sự, cô kết hôn năm 2018, những tưởng sau ngày cưới hạnh phúc sẽ vẹn tròn hơn khi có thêm con thơ. Thế nhưng, một năm, hai năm trôi qua niềm vui mãi vẫn chưa gõ cửa. Suốt thời gian chung sống nhưng chưa có con Linh liên tục được gia đình hai bên, làng xóm xung quanh hỏi thăm và thúc giục chuyện con cái. “Sau ngày cưới còn nhớ có lúc mình thường thấy ngộp thở và giật mình sợ hãi mỗi lần nghe tiếng chuông điện thoại của người thân trong gia đình, của hai bác gái, của bà nội hỏi thăm hai vợ chồng "Đã có gì chưa?” – cô nói.

Sau hơn một năm khi không còn chịu nổi áp lực của những câu nói đùa cợt mỗi lần nhà có cỗ bàn, những lời nói cứ như sát muối vào lòng cô, “Ăn tham thế?", "Vẫn chưa có gì à?", "Xem thế nào mà đi kiếm con nuôi đi"... Chịu hết nổi, Linh bàn với chồng chuyển ra ở riêng.

Trong thời gian này, Linh thường tự đi khám, không có người nhà đi cùng. Gần đến ngày dự sinh khi bụng bầu đã rất lớn, Linh đi khỏi nhà, vài ngày sau mới liên lạc với gia đình nói rằng đã sảy thai. Chồng và mẹ đẻ đưa cô đến khám tại bệnh viện ở tỉnh, sau đó chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

9X Hòa Bình khệ nệ mang bầu suốt 9 tháng, lúc khám không có đứa trẻ nào trong bụng - 3

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thế Anh.

Tại bệnh viện, các bác sĩ chuyên khoa Sản thăm khám và phát hiện một vệt da màu đỏ dài trên bụng vùng hạ vị, vệt đổi màu phẳng, không nổi trên da và gần giống sẹo mổ. Tuy nhiên, kết quả siêu âm và xét nghiệm cho thấy bệnh nhân chưa từng mang bầu cũng như mổ lấy thai và cũng không có bất cứ đứa trẻ nào đã ở trong bụng cô. 

Do tình trạng khóc nhiều và không chịu nói chuyện, cô được chuyển tới Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc chứng rối loạn hoang tưởng và chỉ định nhập viện theo dõi, chưa dùng thuốc tâm thần. Bác sĩ cho biết Linh có biểu hiện mang thai giả. Tình trạng này xuất hiện trong hoàn cảnh Linh gặp căng thẳng về con cái, sau đó luôn tin tưởng rằng mình mang thai đồng thời có các biểu hiện như mang thai.

Tại bệnh viện, việc điều trị cho Linh gặp nhiều khó khăn. Cô khóc nhiều và không trả lời câu hỏi của bác sĩ. Sau 2 ngày điều trị, Linh được giải thích tình trạng sức khỏe, áp dụng liệu pháp tâm lý và bắt đầu nói chuyện. Cô dần chấp nhận sự thật về việc không có thai nhưng còn buồn, ít nói và căng thẳng.

Mang thai giả xảy ra ở những phụ nữ khao khát có con

Chia sẻ chuyên môn về hiện tượng mang thai giả, bác sĩ Nguyễn Bửu Thuyên, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức (tỉnh Quảng Nam) – nơi cách đây đúng 4 tháng cũng tiếp nhận một trường hợp mang thai giả tương tự cho hay, tính đến thời điểm hiện tại y học vẫn chưa xác định được những nguyên nhân cụ thể của hiện tượng mang thai giả. Hiện tượng này xảy ra ở những phụ nữ khao khát có con và tin rằng mình có thai. Các triệu chứng và dấu hiệu ở những phụ nữ này xảy ra giống như những phụ nữ mang thai thật và thường khó phân biệt. Những triệu chứng như mất kinh, nghén, ngực lớn và tăng cân đều có thể xảy ra.

9X Hòa Bình khệ nệ mang bầu suốt 9 tháng, lúc khám không có đứa trẻ nào trong bụng - 4

Kết quả siêu âm không có thai dù bệnh nhân khẳng định mang bụng bầu, sự việc xảy ra hồi tháng 6/2020 tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức (tỉnh Quảng Nam) - Ảnh: BVCC

Triệu chứng thường gặp nhất của mang thai giả là bụng to lên (60-90%) như đang mang thai. Bụng của những người này sẽ nhỏ lại như bình thường sau khi gây mê. Triệu chứng thường gặp thứ hai là rối loạn kinh nguyệt (50-90%). Cảm giác thai máy cũng gặp khá nhiều (50-75%). Ngoài ra, người mang thai giả còn có cả những triệu chứng khác như rối loạn tiêu hóa, vú căng, thậm chí có tiết dịch ở vú, đau bụng. Đặc biệt, 1% trường hợp có dấu hiệu chuyển dạ giả (xảy ra vào thời điểm được cho là thai đủ tháng): đau bụng từng cơn như chuyển dạ thật. Ngay cả những chuyên gia y tế cũng có thể chẩn đoán nhầm nếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng trên.

Phụ nữ hiếm muộn dễ bị stress dẫn đến mất kinh hoặc do uống phải các loại nước, loại thuốc có chứa chất gây tắt kinh nên nghĩ mình đang mang bầu. Do đó, khi phụ nữ trễ kinh 7-10 ngày nên đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ cho siêu âm để biết thai nằm đúng vị trí trong lòng tử cung hay ngoài tử cung. Nếu thai nằm đúng vị trí sẽ được hướng dẫn dưỡng thai; còn thai ngoài tử cung sẽ theo dõi, giải quyết, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ.

Bác sĩ Thuyên nhấn mạnh: “Vì mang thai giả liên quan đến vấn đề tâm lý nên cần xác định về tình trạng không mang thai bằng siêu âm hoặc những phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác. Điều quan trọng là cần giải thích để bệnh nhân hiểu mà không quá thất vọng và tiếp tục tìm con bằng các kỹ thuật của y học hiện đại, đừng để bỏ lỡ thời gian vàng trên hành trình tìm con”.

Chuyên gia cũng khuyến cáo khi gặp bệnh nhân mang thai giả, gia đình cần sớm đưa họ tới cơ sở y tế với đầy đủ chuyên khoa Sản, Tâm thần và Nội tiết. Người nhà có thể động viên, giải thích nhưng không được phủ định quá quyết liệt tình trạng của bệnh nhân khi chưa có hướng dẫn, tránh suy nghĩ và hành động tiêu cực từ họ. Đồng thời, gia đình phải phối hợp với bác sĩ trong việc theo dõi và điều trị cho bệnh nhân.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

2 năm không có con, 8X bỗng mang thai hiếm gặp 8 nghìn ca có một, cả xóm ngã ngửa
Theo Bình An (Ảnh: BVCC) (thoidaiplus.giadinh.net.vn)