Như ta đã biết, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Theo Tổ chức Y Tế Thế Giới WHO và Quỹ bảo trợ trẻ em UNICEF khuyến cáo thì các bà mẹ nên cho con bú ít nhất tới 2 tuổi. Sau khoảng thời gian này, nhiệm vụ khó khăn tiếp theo của mẹ là giúp bé cai sữa.
Đang quay clip, một bà mẹ ở Trung Quốc đã bị con gái lao đến tung áo tìm vú để bú sau khi cai sữa được 2 ngày, thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Theo đó, bà mẹ trong video quyết định cai sữa cho con vì muốn giúp con phát triển tốt hơn, cũng như bởi công việc của cô không thể đáp ứng sữa cho con hằng ngày như trước được nữa. Thế nhưng, đứa bé không chỉ không thích ứng được mà còn phản ứng dữ dội.
Đón mẹ đi làm về, đứa trẻ chạy đến và ngay lập tức hất tung áo tìm vú để bú mẹ. Tình huống này khiến bà mẹ trẻ vô cùng bối rối, cũng có phần vô cùng thương con.
Vì mới cai sữa cho con được hai ngày, và muốn con làm quen với việc không còn sữa mẹ nữa, bà mẹ trẻ đứng dậy và gỡ vòng tay đứa nhỏ ra. Cô bé lúc này bắt đầu khóc và nắm chặt tay mẹ hơn nữa.
Nhiều người xem video đã bày tỏ quan điểm cũng như đồng cảm với mẹ đứa trẻ: “Khi cho con trai cai sữa, nó còn hung hăng hơn cả cô bé này.”; “Người mẹ này nên quả quyết hơn với con. Cô ấy hiền quá.”.
Cai sữa là vấn đề bắt buộc phải xảy đến đối với một đứa trẻ, và những bà mẹ cho con bú, ai cũng phải trải qua giai đoạn này. Đây là thời điểm con "chia tay" một thói quen và phản ứng không chấp nhận của đứa nhỏ cũng dễ hiểu bởi con chưa thể thích ứng được. Điều cha mẹ cần làm là giao tiếp và giải thích cho con hiểu, để ít nhất đứa trẻ sẽ chấp nhận việc cai sữa này.
Một số mẹo cai sữa cho con hiệu quả mẹ có thể tham khảo:
Hãy từ từ cai sữa cho con
Thay vì cắt ngang lượng sữa của con, mẹ nên giảm dần số lần cho con uống sữa. Đồng thời hãy sử dụng các loại thực phẩm khác thay cho sữa mẹ và sữa bột, vừa có tác dụng bồi bổ nhiều chất dinh dưỡng khác, vừa giúp con giảm dần sự phụ thuộc vào sữa.
Ăn dặm với những đứa trẻ khác
Nếu có bạn bè đồng trang lứa, việc cai sữa của trẻ sẽ dễ dàng hơn. Có bạn đồng hành, trẻ vừa có thể cùng sinh hoạt, ăn và chơi, giúp quên đi thói quen uống sữa cũng như giúp tăng cường giao tiếp của trẻ với thế giới bên ngoài.
Hóa trang bầu ngực của mẹ
Nếu trẻ đã có khả năng nhận biết về màu sắc thì có thể áp dụng cách này. Cụ thể như sau: dùng son, màu của nghệ, củ dền hoặc dán băng dính vào đầu ti để hóa trang cho bầu ngực mẹ. Khi thấy ngực mẹ có sự thay đổi thì trẻ sẽ không còn đòi bú nữa.
Làm mất sữa
Mẹ có thể dùng thuốc hoặc một số loại thực phẩm như: hoa lài, lá bạc hà, lá lốt, lá dâu... để làm mất sữa. Trẻ bú mẹ không còn thấy sữa nữa thì một thời gian sẽ không bú nữa. Tuy nhiên, áp dụng cách này thì mẹ sẽ có cảm giác đau rát đầu ti vì lúc mới đầu, trẻ sẽ cắn và cố kéo để bú sữa.
Tách xa bé vài ngày
Khi không thấy mẹ thì có thể trẻ sẽ khóc. Nhưng bé sẽ dần quen với việc thiếu hơi mẹ sau 2-3 ngày. Lúc này, bố sẽ là người cho con ăn dặm và ti bình để bé không đòi bú mẹ nữa. Để tránh tình trạng mẹ nhớ và không thể xa trẻ được, mẹ có thể đi làm từ sáng sớm và về nhà khi bé đã ngủ.
Tăng số bữa ăn trong ngày của trẻ
Cha mẹ có thể cho bé ăn thêm các bữa ăn phụ với những món ăn ngon, bổ dưỡng để trẻ không còn cảm giác đói, giảm bớt việc đòi bú mẹ. Tuy nhiên, cần chú ý lựa chọn những món ăn dễ tiêu, thanh đạm, tốt cho hệ tiêu hóa của bé.