Trà sữa là một trong những thức uống yêu thích của nhiều chị em. Thậm chí, có người còn "nghiện" món này đến mức mỗi ngày đều phải uống một ly trà sữa. Tuy nhiên đến khi mang bầu, các chị em lại thắc mắc liệu có thể duy trì thói quen này được không. Uống trà sữa khi mang thai có an toàn không và nên uống với định lượng thế nào là thắc mắc của không ít mẹ bầu.
Dinh dưỡng của từng thành phần trong trà sữa
Theo Tiến sĩ Từ Ngữ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nếu tách riêng thì bản thân trà và sữa đều được coi là đồ uống tốt dành cho sức khỏe. Cho đến khi, chúng được kết hợp cùng nhau và các loại chất phụ gia để vừa ngọt, vừa rẻ thì những lợi ích tích cực của trà và sữa đã bị hủy hoại.
Trà sữa không mang lại nhiều dinh dưỡng cho mẹ bầu. (Ảnh minh họa)
Trong trà sữa chủ yếu bao gồm 4 thành phần chính:
- Trà: Trà được dùng trong trà sữa chủ yếu là trà xanh, trà đen, trà ô long, trà trắng. Nếu như đúng là trà thật thì chúng có chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, mang đến tác dụng chống viêm, chống ung thư. Tuy vậy, các cửa hàng hầu như đều tẩm thêm hương liệu như hương sen, hương nhài để trà có thêm hương vị thơm ngon, quyến rũ. Nếu như không dùng đúng hương liệu thực phẩm hoặc loại trà có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thì những loại hương liệu này có thể là nguồn độc hại.
- Sữa: Nếu không tính đến những thương hiệu nổi tiếng dùng các loại sữa tươi, sữa đặc thì hầu hết những thương hiệu nhỏ khác đều là kem béo (không phải sữa). Loại kem béo này có chứa rất ít vitamin A, D, canxi, protein rất thấp. Kem béo chứa rất nhiều loại thực vật hydro hóa nên có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe như làm giảm cholesterol tốt, tăng cholesterol xấu nên bà bầu cần phải thật cẩn thận khi dùng.
- Trân châu: Chủ yếu là tinh bột sắn, tinh bột lọc (chiếm tới 80% trong trà sữa), hương liệu thực phẩm, đường cô đặc và chỉ dưới 1% thành phần trân châu là protein và chất xơ.
- Đường: Trong 1 ly trà sữa có thể chứa tới 50g đường (cung cấp khoảng 200 kcal), đường cũng có nhiều loại đường khác nhau. Rất ít người uống nào nhận ra được trong cốc trà sữa đó, đâu là đường xịn và đâu là đường không có nguồn gốc.
Bầu uống trà sữa được không?
Khi uống trà sữa, hai vấn đề khiến mẹ bầu lo lắng là lượng caffein và lượng đường liệu có trong ngưỡng an toàn không.
Về vấn đề caffein, các bác sĩ sản phụ khoa của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) đưa ra hướng dẫn rằng đối với lượng caffeine ở mức vừa phải, tức là lượng caffeine ở dưới 200mg mỗi ngày, sẽ không có liên quan đến nguy cơ sảy thai hoặc sinh non ở phụ nữ.
Vì vậy, đối với một cốc trà sữa khoảng 500ml có chứa trung bình từ 130 đến 140mg caffeine thì nếu không uống quá nhiều và ngoài ra khi uống trà sữa không uống kèm thêm các loại đồ uống có chứa caffeine khác thì việc uống trà sữa thực tế không gây hại tới sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Còn về lượng đường trong trà sữa, dù trân châu và siro được biết là pudding an toàn cho phụ nữ mang thai. Nhưng vì để trà sữa có hương vị thơm ngon, vị ngọt thì người pha chế thường cho thêm đường vào trân châu. Do đó, đường, siro và trân châu có trong trà sữa có thể cung cấp cho bà bầu rất nhiều calo và loại đồ uống này chỉ cung cấp rất ít hoặc không có chứa chất dinh dưỡng.
Bà bầu có thể uống 1-2 cốc trà sữa khi thèm nhưng không nên dùng hàng ngày. (Ảnh minh họa)
Đối với một cốc trà sữa trung bình gồm cả trà, sữa, trân châu sẽ cung cấp khoảng 340 calo cho người uống. Vì vậy mẹ bầu không nên uống quá nhiều để đảm bảo kiểm soát lượng calo nạp vào trong cơ thể và kiểm soát cân nặng của bản thân.
Tóm lại, ciệc bà bầu uống từ 1 đến 2 ly trà sữa thực chất không gây ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe cả mẹ và bé. Tuy nhiên, đây không phải thức uống nên được sử dụng thường xuyên hay hàng ngày. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn và kiểm soát được lượng đường, mẹ có thể tự pha trà sữa tại nhà.
Các loại trà thay thế trà sữa tốt cho bà bầu
Trong thời gian mang thai, nếu lo ngại bà bầu uống trà sữa lo ngại làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chị em vẫn muốn uống các loại trà thì nên tìm hiểu những loại trà lành mạnh như:
- Trà hoa cúc: Hương thơm hoa cúc rất tuyệt vời, mẹ có thể kết hợp thêm nước ép trái cây, vỏ cam, vỏ quýt cho vào nước sôi để uống. Trà hoa cúc giúp chữa mất ngủ, giảm thiểu tình trạng sưng phù, thư giãn tinh thần cho mẹ bầu.
- Trà tinh dầu chanh: Uống vào mỗi buổi sáng sớm sẽ giúp kích thích hệ thần kinh hoạt động để mẹ bầu thư giãn, làm giảm căng thẳng và khiến tinh thần mẹ thêm phấn chấn.
- Trà bạc hà: Không đơn thuần chỉ là "khắc tinh" của chứng đầy hơi, trà bạc hà còn giúp đẩy lùi những triệu chứng ợ nóng, ốm nghén của bà bầu.