Là cha mẹ, chắc chắn ai cũng đều muốn cải thiện IQ của con mình. Thế nhưng, không phải mọi sự cố gắng đều đạt được như ý, một số trẻ phát triển khá chậm khiến cho cha mẹ không tránh khỏi sự buồn rầu. Tuy nhiên, một người bà đã nghỉ hưu ở Trung Quốc đã vận dụng 3 phương pháp đặc biệt, giúp nuôi dưỡng cháu ngoại của mình trở thành thần đồng.
Lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình "Những đứa trẻ kỳ tài" tại Trung Quốc, cậu bé Vương Hằng Nghĩa lúc đó chỉ mới 3 tuổi nhưng đã khiến cho mọi người đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác.
Mặc dù mới 3 tuổi, nhưng cậu bé đã có thể nhớ được rất nhiều bài thơ cổ. 2 năm sau đó, cậu bé tiếp tục tham gia chương trình "Thử thách bất khả thi". Lúc này cậu bé đã thuộc hơn 500 bài thơ cổ, biết hơn 3.000 từ mới. Trong trận chung kết, cư dân mạng còn khen ngợi cậu là "thần đồng tí hon".
Sau khi chương trình kết thúc, mọi người đều tò mò về đứa trẻ thông minh này. Họ nghĩ rằng chắc chắn bố mẹ của cậu bé rất giỏi giang. Kết quả là họ phát hiện ra cha mẹ của cậu bé chỉ là người bình thường và đang làm việc ở Thượng Hải. Người trực tiếp chăm sóc cậu bé là bà ngoại.
Khi được hỏi về bí quyết nuôi dạy Vương Hằng Nghĩa, bà ngoại này thoải mái chia sẻ 3 phương pháp.
Không ép buộc, tạo điều kiện cho trẻ làm những điều chúng thích
Ban đầu bà của Vương Hằng Nghĩa không biết cháu mình thích cái gì và nên học cái nào trước. Bà đã mua một số thơ cổ và đặt trong nhà. Bà thường đọc cho cháu mình nghe một cách có chủ ý hoặc vô tình.
Sau đó bà quyết định nuôi dưỡng sự quan tâm của đứa cháu vào việc đọc các bài thơ cổ, bắt đầu từ những bài thơ đơn giản.
Lời khuyên: Trước khi trẻ lên 3 tuổi, cha mẹ không nên can thiệp quá nhiều vào sở thích của trẻ, hãy để chúng tiếp xúc với những điều mới mỗi ngày. Khi nhận ra trẻ thích điều gì thì tập trung nuôi dưỡng những sở thích ấy.
Một điều cần lưu ý là cha mẹ không nên chơi điện thoại di động và xem TV trước mặt con cái khi chúng đang rảnh rỗi. Điều này có thể khiến chúng bị phân tán, chuyển hướng sang quan tâm đến những điều cha mẹ đang làm.
Cho trẻ chơi các trò chơi để hỗ trợ việc học
Bà của cậu bé nhận ra rằng nếu một đứa trẻ đọc những bài thơ cổ mỗi ngày thì rất nhàm chán. Vì vậy, bà đã bắt đầu giới thiệu các bài thơ cổ thông qua những trò chơi thú vị. Bà và cậu bé sẽ chơi một trò chơi, trong đó thi xem ai là người trả lời đúng nhiều nhất.
Trò chơi mang tính chất cạnh tranh này ngay lập tức khơi dậy sự quan tâm của đứa trẻ. Để đánh bại được người bà, cậu bé buộc phải học thuộc thêm nhiều bài thơ cổ. Lúc này trí nhớ của cậu bé cũng được cải thiện đáng kể.
Lời khuyên: Cha mẹ có thể hướng dẫn con cái học tập thông qua các trò chơi mang tính trí tuệ. Một đứa trẻ vừa có thể học vừa có thể chơi sẽ không bao giờ cảm thấy việc học là nhàm chán.
Duy trì thói quen khuyến khích, khen ngợi
Mỗi ngày bà của cậu bé luôn khen ngợi, động viên, khích khích cháu mình học tập. Khi cậu bé tiến bộ, người bà ngay lập tức công nhận sự nỗ lực tiến bộ của cháu mình.
Chính vì sự giám sát mỗi ngày, sự nhắc nhở đúng lúc và liên tục công nhận những gì mà cậu bé làm đã giúp cậu bé ngày càng tiến bộ nhanh.
Lời khuyên: Khi khen ngợi trẻ, cha mẹ cần nói rõ mình khen ngợi trẻ điều gì thay vì chỉ là nói "con giỏi lắm". Ví dụ, khi trẻ chia sẻ thứ gì của mình với người khác, cha mẹ hãy khen ngợi hành vi đó là sự chia sẻ yêu thương, rất đáng để trân trọng.