Bác sĩ BV phụ sản Hà Nội đăng cận cảnh ca sinh hiếm gặp 80 nghìn ca mới có một

Khi thấy em bé còn nằm trong bọc ối, bác sĩ đã rất nhẹ nhàng, cẩn trọng để lấy cả bọc ối ra ngoài.

Túi ối được ví như "ngôi nhà" của thai nhi trong bụng mẹ, nơi chứa đầy nước ối để bao bọc và nuôi dưỡng bé trong suốt thai kỳ. Thông thường, khi em bé chuẩn bị chào đời, túi ối sẽ vỡ luôn dưới tác động của những cơn co bóp tử cung trong quá trình chuyển dạ của người mẹ hoặc các thao tác chuyên môn của bác sĩ. Những trường hợp em bé chào đời còn nằm trong bọc ối rất hiếm gặp, chỉ xảy ra với tỉ lệ 1/80.000 ca. Mới đây, bác sĩ Đặng Tiến Long, công tác tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã chia sẻ cận cảnh một ca sinh mổ hiếm hoi như vậy. 

Ca sinh trong bọc điều kỳ diệu do bác sĩ Đặng Tiến Long chia sẻ.

Đó là một ca sinh mổ diễn ra gần đây. Sau khi thực hiện những đường rạch để mở tử cung của người mẹ, bác sĩ phát hiện ối vẫn chưa vỡ nên đã rất nhẹ nhàng, bình tĩnh lấy cả bọc ối với em bé bên trong ra ngoài. "Thiên thần nhỏ" trong bọc ối dường như vẫn chưa biết đã đến giờ chào thế giới bên ngoài nên vẫn nằm ngủ ngon lành. Các bác sĩ sau đó đã làm vỡ túi ối để "đánh thức" bé dậy cất tiếng khóc chào đời. 

Bác sĩ BV phụ sản Hà Nội đăng cận cảnh ca sinh hiếm gặp 80 nghìn ca mới có một - 1

Em bé nằm ngủ ngon lành khi bác sĩ thực hiện ca mổ.

Theo bác sĩ Đặng Tiến Long, nhưng ca sinh "bọc điều" thế này là khá hiếm nhưng cũng không gây nhiều khó khăn trong quá trình phẫu thuật. Chỉ là em bé lơ lửng trong nước ối cũng sẽ khó lấy ra hơn nên bác sĩ sẽ thao tác từ từ và khéo léo hơn. Anh cũng cho biết những em bé chào đời trong bọc ối hoàn toàn không có nguy cơ gì về sức khỏe, vẫn khỏe mạnh và phát triển bình thường như những bé khác. 

Bác sĩ BV phụ sản Hà Nội đăng cận cảnh ca sinh hiếm gặp 80 nghìn ca mới có một - 3

Bác sĩ Đặng Tiến Long khéo léo lấy bọc ối và em bé ra ngoài.

Sau khi được bác sĩ đăng tải lên mạng xã hội, ca sinh đặc biệt này cũng đã thu hút đông đảo người quan tâm. Nhiều người thích thú với hình ảnh cực đáng yêu, nằm trong bọc ối ngủ ngon lành của bé: 

- Thật tuyệt vời những thiên thần chào đời trong nước. 

- Lớp màng ối đó có dày không nhỉ, nhìn mong manh như muốn vỡ mà chui qua được vết mổ. 

- Đẻ mổ mà vẫn còn nguyên ối, lạ nhỉ? 

- Kỳ diệu quá! Nước ối có những gì nhỉ, nhìn cũng trong trong? 

Nước ối là gì và đến từ đâu?

Thai nhi nằm trong tử cung của người mẹ và được bao bọc xung quanh bởi nước ối. Nước ối là một môi trường giàu chất dinh dưỡng, có khả năng tái tạo và trao đổi, giữ một vai trò quan trọng đối với sự sống còn và phát triển của thai nhi nằm trong bụng mẹ.

Nước ối xuất hiện từ ngày thứ 12 sau thụ thai. Nước ối được tạo thành từ ba nguồn gốc: thai nhi, màng ối và máu mẹ. 

- Nguồn gốc từ thai nhi: Trong giai đoạn sớm thai kỳ, da thai nhi có liên quan đến sự tạo thành nước ối và khi chất gây xuất hiện từ tuần thứ 20-28 thai kỳ thì đường tạo ối này mới chấm dứt. Từ tuần thứ 20, nước ối có nguồn gốc từ khí-phế -quản, do huyết tương của thai nhi thẩm thấu qua niêm mạc hô hấp của bé. Nhưng nguồn gốc nước ối quan trọng nhất là do đường tiết niệu, bé bài tiết nước tiểu vào buồng ối từ tuần 16 thai kỳ.

- Nguồn gốc từ màng ối: Màng ối bao phủ bánh nhau dây rốn, cũng tiết ra nước ối

- Nguồn gốc từ máu mẹ: có sự trao đổi qua màng ối của các chất giữa máu mẹ và nước ối

Sự tái hấp thu nước ối: Được thực hiện chủ yếu qua hệ tiêu hóa thai nhi. Từ tuần thứ 20 thai kỳ, thai nhi bắt đầu nuốt nước ối. Ngòai ra, nước ối còn được tái hấp thu qua da của thai nhi, dây rốn và màng ối.

Mang bầu đôi, mẹ đẻ thường ra nguyên bọc ối, dân mạng lại xúm xít chúc mừng
Theo Minh An (Ảnh: BVCC) (thoidaiplus.giadinh.net.vn)