Đẻ rơi là nỗi ám ảnh kinh hoàng mà không bà mẹ nào muốn nghĩ đến. Vậy nên càng gần đến ngày sinh, các mẹ bầu càng cẩn thận, không dám đi đâu xa, thậm chí không dám ra khỏi nhà và xung quanh luôn có người thân bên cạnh để khi có chuyển dạ bất ngờ cũng có người đưa đi viện ngay.
Song, không phải bà mẹ nào cũng may mắn có một ca sinh nở suôn sẻ. Trường hợp của bà mẹ người New Zealand có tên là Limna (35 tuổi) là một ví dụ.
Theo đó, khi mang thai 22 tuần, Limna đột nhiên bị ra máu và đau bụng dữ dội. Cô nhanh chóng đến Bệnh viện Thành phố Auckland để kiểm tra. Tuy nhiên, dù các xét nghiệm cho thấy thai nhi có nhịp tim nhanh, các bác sĩ vẫn quyết định cho thai phụ về nhà dưỡng thai.
Ngày hôm sau, các triệu chứng của Limna không có dấu hiệu giảm bớt. Cô lại tiếp tục đến bệnh viện khám thai. Một lần nữa, bác sĩ vẫn cương quyết không cho cô nhập viện mặc kệ Limna hét lên rằng cô sắp sinh con vì các cơn co thắt đang dồn dập đến.
Để trấn an, y tá đã cho Limna hút khí cười nhằm giảm bớt các cơn đau, nhưng tuyệt nhiên không một ai đến kiểm tra xem thai phụ có đang sắp sinh như lời cô nói hay không.
Dù bị đau bụng và ra máu, bác sĩ vẫn cho thai phụ về nhà nghỉ ngơi theo dõi thêm (Ảnh minh họa)
Suốt 3 giờ đồng hồ, Limna vật vã la khóc trong đau đớn nhưng không một bác sĩ nào đến giúp đỡ. Họ cho rằng thai phụ này chỉ đang làm quá tình trạng của mình, thỉnh thoảng họ lại tạt ngang và bắt cô phải im lặng. Kết quả sau đó, mọi người có mặt tại sản khoa đều kinh hãi khi thấy một đứa trẻ sơ sinh rơi ra từ trong váy Limna, rớt “bịch” xuống sàn.
Bất chấp nỗ lực cứu chữa của bác sĩ, cậu bé được đặt tên là Siddhartha đã tử vong sau 90 phút chào đời. Và âm thanh khi con trai rơi xuống sàn vẫn còn ám ảnh Limna dù sự việc này đã xảy ra cách đây 1 năm.
Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, gia đình sản phụ đã làm đơn khiếu nại các y bác sĩ thuộc khoa sản của Bệnh viện Thành phố Auckland đã làm việc vô trách nhiệm. Tuy vậy, Ủy ban Y tế Thành phố Auckland cho rằng khiếu nại này không đáp ứng được các tiêu chí để có thể tiến hành điều tra, vì vậy đơn khiếu nại bị bác bỏ. Còn đại diện của Bệnh viện Thành phố Auckland đứng ra xin lỗi sản phụ vì đã có một trải nghiệm không mấy dễ chịu ở bệnh viện.
Mặc kệ thai phụ la lên rằng mình sắp sinh con, các bác sĩ vẫn không qua tâm, kết quả là chị Limna đã đẻ rơi (Ảnh minh họa)
Hiện tại, gia đình chị Limna vẫn đang tiếp tục làm đơn gửi đến các cơ quan y tế khác để đòi lại công bằng cho Siddhartha.
Sinh non ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé như thế nào?
Sinh non là ca sinh diễn ra sớm hơn ít nhất ba tuần trước ngày dự sinh. Nói cách khác, sinh non là một ca sinh xảy ra trước khi thai nhi bắt đầu tuần thứ 37 của thai kỳ.
Trẻ sinh non, đặc biệt là những trẻ sinh rất sớm, thường có các vấn đề bệnh lý phức tạp. Thông thường, các biến chứng của sinh non rất khác nhau. Nhưng sinh con càng sớm thì nguy cơ biến chứng càng cao. Chẳng hạn như:
- Các biến chứng ngắn hạn: khó thở do hệ hô hấp chưa phát triển đầy đủ, các vấn đề về khuyết tật tim, huyết áp thấp, nguy cơ chảy máu não cao, hạ thân nhiệt nhanh chóng, viêm ruột hoại tử, thiếu máu, vàng da,…
- Các biến chứng dài hạn: bại não, mù lòa, bị điếc vĩnh viễn, không có khả năng tiếp thu trong học tập, hoặc mắc phải một số vấn đề về tâm lý…
Mặc dù nguyên nhân chính xác của các ca sinh non thường không được xác định rõ ràng, các mẹ bầu nếu thấy mình ở trong trường hợp có nguy cơ sinh non cao như: đã từng sinh non, mang đa thai, khoảng cách giữa 2 lần mang thai dưới 6 tháng, có các vấn đề về tử cung… thì hãy luôn đi khám thai thường xuyên. Đồng thời, khi có dấu hiệu của đau bụng, chảy máu, bạn cần đến bệnh viện gấp để được cứu chữa kịp thời.