Hôm 7/7, một em bé 5 tháng tuổi ở Nam Kinh, Trung Quốc nhập viện thành phố khẩn cấp trong tình trạng bị ngộ độc.
Theo lời kể của một vài cảnh sát giao thông, khoảng 8h30 phút sáng ngày hôm đó, khi đang làm nhiệm vụ phân luồng giao thông phục vụ cho kỳ tuyển sinh đại học, họ nhận được lời kêu cứu từ một người dân đi đường cho biết: "Con tôi đang bị ngộ độc và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Xin các anh hãy giúp mở đường".
Theo quan sát ban đầu, nạn nhân bị ngộ độc trong xe là một đứa trẻ sơ sinh. Vì thế, phía cảnh sát giao thông lập tức điều tiết giao thông cùng gia đình đưa bé đến bệnh viện Nhi đồng Nam Kinh.
Cũng theo tìm hiểu từ các phóng viên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc của em bé 5 tháng tuổi được xác định là do bé đã được người bà của mình dùng rượu thay nước để pha sữa. Em bé đã uống số sữa được pha bằng rượu đó và có các biểu hiện ngộ độc ngay lập tức. Rất may mắn, nhờ được cấp cứu kịp thời nên đứa trẻ được cứu sống.
Trên thực tế, việc pha sữa cho trẻ sơ sinh uống là việc làm đặc biệt quan trọng, người lớn không được chủ quan, lơ là. Đã có rất nhiều trường hợp trẻ gặp nạn, ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí là tử vong do cách pha sữa sai lầm của người lớn.
Những sai lầm chủ yếu khi pha sữa cho trẻ sơ sinh cha mẹ cần tránh đó là:
1. Đổ nước nóng vào nước lạnh để được nước ấm pha sữa
Chúng ta đều biết rằng nước pha sữa phải ở khoảng 40 – 50 độ, nước ấm vừa, không quá nóng, không quá lạnh. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là nước ấm thì không phải ai cũng biết. Rất nhiều bố mẹ đã làm cách đổ nước nóng vào nước lạnh, cảm thấy âm ấm là được.
Cách làm này hoàn toàn không chính xác, bởi việc nước lạnh để bên ngoài sẽ không đảm bảo vệ sinh, có thể chứa nhiều vi khuẩn làm ảnh hưởng tới chất lượng sữa. Cách làm đúng nhất là sử dụng nước đun sôi, để nhiệt độ nguội đến 40 – 50 độ C.
2. Pha sữa bằng nước khoáng
Nhiều mẹ nghĩ rằng nước khoáng, nước tinh khiết là loại nước sạch nhất, tốt nhất nên đã sử dụng để pha sữa cho con. Nhưng bạn cần hiểu rằng, nước tinh khiết là nước lọc đã qua khử trùng công nghiệp hoặc nấu sôi tại nhà. Nước khoáng là nước uống có chứa chất khoáng như natri, kali, canxi, magie…
Không dùng nước khoáng để pha sữa cho trẻ.
Đúng như tên gọi của nó, nước tinh khiết chỉ chứa duy nhất chất dinh dưỡng là nước, là loại nước thông thường được khuyên dùng hằng ngày cho tất cả mọi người. Còn nước khoáng được khuyến khích sử dụng cho người tập thể thao hoặc làm việc ngoài trời mất nhiều mồ hôi, cần bù các chất điện giải.
Chính vì vậy, việc dùng nước khoáng có pha sữa có thể khiến cơ thể trẻ thừa một số loại khoáng chất, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của trẻ.
3. Đong thìa sữa không chuẩn
Nhiều bà mẹ vì muốn con ăn no sâu hơn tăng cân tốt hơn nên đã cố tình pha thêm từ 1 đến 2 thìa sữa bột so với chuẩn của nhà sản xuất, một số bà mẹ tiếc tiền sữa cho con nên pha loãng ra. Điều này hoàn toàn sai lầm.
Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi nguồn dinh dưỡng chủ yếu từ sữa nên nếu pha quá đặc có khi bé bị thiếu nước, nếu pha quá loãng, bé có thể sẽ không hấp thụ đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Tỷ lệ chuẩn giúp bé hấp thụ một cách tốt nhất chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
4. Pha sữa với nước trái cây
Nhiều người có thói quen pha sữa công thức với nước trái cây như một cách để bổ sung nguồn vitamin cho trẻ. Sai lầm này sẽ khiến sữa mất đi nhiều thành phần dinh dưỡng do 1 số loại trái cây có tính axit (ví dụ cam, chanh, quýt, bưởi, xoài…).
Hơn nữa, khi pha sữa theo cách trên, chất casein có trong protein của sữa sẽ kết tủa làm cho protein trong sữa bị biến chất cản trở quá trình hấp thu của trẻ, gây đầy bụng, khó tiêu hóa.
Tuyệt đối không pha sữa chung với nước ép hoa quả.
5. Để sữa nguội sau đó làm nóng lại
Sữa công thức đã pha, để nguội rồi tái đun sôi có thể làm thay đổi cấu trúc của các protein, vitamin và do đó mất đi giá trị dinh dưỡng.
Trong trường hợp sữa pha xong nhưng trẻ chưa ăn, mẹ có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong 2 giờ và sau đó nên bỏ đi, thay sữa mới. Đặc biệt, không được hâm nóng sữa cho trẻ bằng lò vi sóng. Nên sử dụng máy hâm sữa để không làm ảnh hưởng tới chất lượng sữa.
6. Lắc sữa quá mạnh
Nhiều cha mẹ có thói quen lắc bình sữa thật mạnh khi pha với suy nghĩ làm vậy sữa sẽ tan hết nhanh và kỹ. Tuy nhiên, hành động này sẽ tạo ra rất nhiều bong bóng trong sữa. Khi trẻ uống phải sữa có nhiều bong bóng sẽ dẫn đến đầy hơi, nấc, trớ.
Cách pha sữa tốt nhất là sau khi thêm nước, sữa bột theo đúng tỷ lệ, mẹ dùng thìa khuấy thật nhẹ nhàng theo một chiều nhất định.