Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa Nhi Ngô Thị Cam (đang công tác tại một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội) vừa tiếp nhận một bé gái 7 tuổi (quê Bắc Giang), được mẹ cho đi khám vì có ngực phát triển nhanh bất thường. Chị Nguyễn Thị Lan (mẹ bé gái) cho biết, trong vòng 2 tháng trở lại đây, ngực con gái chị phát triển nhanh, vượt trội hơn hẳn so với các bạn cùng trang lứa. Con còn có tình trạng thừa cân, béo phì khi chiều cao chỉ khoảng 1,3 mét nhưng cân nặng lên tới 40kg.
Sau khi tìm hiểu thông tin, chị Lan nghi con có dấu hiệu dậy thì sớm nên đưa tới bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ Cam cho biết, kết quả thăm khám cho thấy, bé có ngực phát triển khoảng độ II Tanner - tương đương với trẻ 13 đến 14 tuổi. Trẻ chưa có lông mu và lông nách, chưa có kinh nguyệt. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác, bác sĩ tiến hành chụp X-quang, siêu âm tử cung - phần phụ, xét nghiệm nội tiết.
Kết quả chụp X-quang cho thấy tay của bệnh nhi 7 tuổi có tuổi xương tương đương 8 tuổi.
Dựa trên các kết quả thăm khám, chụp chiếu và xét nghiệm nội tiết tố, bé gái được chẩn đoán là dậy thì sớm. Kết quả chụp X-quang tuổi xương của em tương đương với của một bé 8 tuổi. Bệnh nhi sau đó đã được điều trị nội tiết để làm chậm lại tốc độ tăng trưởng và dậy thì.
Mẹ bệnh nhi cho biết, trong sinh hoạt hàng ngày, con gái cháu ăn uống bình thường, thích ăn đồ ăn nhanh, đồ ngọt như bánh kẹo và uống nước có ga. Ngoài học tập tại trường, con ít tham gia vận động hay tập thể dục.
Theo bác sĩ Cam, với trường hợp này, qua thăm khám đã loại trừ các nguyên nhân dậy thì sớm do có bệnh lý kèm theo như u nang buồn trứng, tăng sản thượng thận bẩm sinh, bệnh Cushing... Vì vậy, bác sĩ nhận định bé dậy thì sớm có thể liên quan tới tình trạng thừa cân sau thời gian dài sử dụng nhiều đồ ăn nhanh, đồ ngọt và ít vận động... Khi nhận kết luận này, người mẹ ân hận giá như mình chú ý hơn đến chế độ ăn uống của con, khích lệ bé chăm vận động thì có lẽ con đã không gặp vấn đề này.
“Với những trẻ dậy thì sớm, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể làm chậm lại quá trình này, giúp trẻ thêm cơ hội phát triển chiều cao và tránh những thay đổi tâm sinh lý diễn ra khi trẻ dậy thì ở độ tuổi quá nhỏ”, bác sĩ Cam chia sẻ.
Bác sĩ Cam cho biết, xét nghiệm hormone có giá trị cho dự đoán dậy thì sớm.
Theo bác sĩ, một trẻ được cho là dậy thì sớm khi có các dấu hiệu dậy thì bắt đầu trước 9 tuổi ở bé trai và trước 8 tuổi với bé gái. Bé trai thường có biểu hiện chiều cao tăng nhanh, phát triển dương vật, mọc lông mu, lông lách, giọng ồm... Ở bé gái, dậy thì sớm có dấu hiệu như tuyến vú phát triển, xuất hiện lông mu, kinh nguyệt, mụn trứng cá, xuất hiện mùi cơ thể.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Phó khoa dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, BV Nội tiết Trung ương) cho biết, về bản chất các loại đồ ngọt hay đồ ăn nhanh nếu biết các sử dụng thì không gây hại cho sức khỏe và không phải nguyên nhân trực tiếp gây dậy thì sớm.
"Bản chất các loại bánh kẹo hay nước ngọt đều chứa nhiều đường. Nếu dùng nhiều sẽ gây nên tình trạng thừa cân, béo phì, tiểu đường, tim mạch... Trong đó, ở trẻ nếu bị thừa cân, béo phì sẽ tăng nguy cơ dậy thì sớm với cả bé trai và bé gái. Vì thế, các loại đồ ăn có đường, đồ ăn nhanh chỉ là yếu tố nguy cơ chứ không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn tới dậy thì sớm", bác sĩ Hưng cho hay.
Ngoài thừa cân béo phì, dậy thì sớm còn liên quan tới nhiều yếu tố khác như u buồng trứng, nang buồng trứng, u thượng thận, tăng sản thượng thận bẩm sinh, bệnh Cushing hoặc sử dụng nhiều estrogen.
Để chẩn đoán dậy thì sớm, bên cạnh việc dựa vào lâm sàng như thay đổi về chiều cao cân nặng, vỡ giọng, mụn trứng cá, mọc lông ở mu, nách... thì cần dựa vào cận lâm sàng, như siêu âm, chụp X-quang cổ tay xác định độ trưởng thành của xương hoặc xét nghiệm nội tiết...
Để phòng nguy cơ dậy thì sớm cho trẻ, các phụ huynh nên thực hiện một số biện pháp sau: - Có chế độ ăn phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu rau củ quả, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích... hay những thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và có hàm lượng đường cao. Bổ sung các thực phẩm giàu quercetin cũng góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của estrogen ngoại lai. Quercetin có nhiều trong các loại quả họ cam chanh bưởi, táo, nho đỏ, hành tây đỏ, cà chua, bông cải xanh và các loại rau xanh, trà xanh và trà đen. - Tăng cường vận động: Nên khuyến khích trẻ tập luyện thể dục ít nhất là 30 phút mỗi ngày và chơi thể thao. - Ngủ đúng giờ, tránh thức đêm: Thức khuya làm giảm bài tiết melatonin trong tuyến yên - hormone ức chế giải phóng gonadotropin tuyến yên và ngăn ngừa dậy thì sớm. - Tránh đồ có BPA, phthalate (đồ nhựa có tam giác tái chế số 7 và số 3). - Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với estrogen và testosterone có trong kem, thuốc có thành phần liên quan đến hormone sinh dục. Trẻ cần được đi khám sớm nếu có các dấu hiệu của dậy thì sớm ở cả trẻ nam và nữ. |
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi