Trái tim của cô bé Paisley Elizabeth Grace Cogsdill, 7 tuổi đến từ Nam Carolina đã ngừng đập vào ngày 21/2 sau khi cắt amidan dù các bác sĩ đã cố gắng cứu sống cô bé.
Được biết cô bé Paisley là một học sinh giỏi ở trường tiểu học Clinton, tính cách hoạt bát, năng động. Cha mẹ cô bé cho biết con gái là một đứa trẻ khỏe mạnh nhưng thường bị ngáy khi ngủ. Nhiều trẻ em khi có tật ngủ ngáy, gia đình thường đưa đi cắt amidan và bé Paisley cũng không ngoại lệ.
"Khi đi phẫu thuật, con bé không hề sợ hãi", bà của Paisley, Mary Beth Truelock nói với WHNS. "Con bé vẫn mỉm cười và rất vui vẻ, chẳng có bất cứ vấn đề gì cả."
Sau sự ra đi của con gái, gia đình của Paisley vô cùng đau khổ. Một chiến dịch GoFundMe đã quyên góp được hơn 36.000 đô la để ủng hộ cho chi phí tang lễ của bé gái. "Con gái tôi cũng sắp có cuộc phẫu thuật tương tự vào tháng tới", một người ủng hộ bình luận.
Cô bé Paisley Elizabeth Grace Cogsdill tử vong sau khi cắt amidan.
Cắt amidan là gì, có nguy hiểm không?
Amidan là hai cục lympho ở họng, (gọi là “cửa ngõ” của đường thở), có tác dụng ngăn chặn những vi khuẩn vi trùng đầu tiên xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, amidan cũng dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt là đối với trẻ em, những người chưa phát triển khả năng miễn dịch với một số vi khuẩn. Phẫu thuật cắt amidan có thể cần thiết để điều trị hô hấp kém, amidan to và một số bệnh hiếm gặp khác.
Phẫu thuật cắt amidan đã được thực hiện hơn 1000 năm qua nhưng giống như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, chúng có thể tiềm ẩn những nguy hiểm, vì mọi người có nguy cơ bị sưng, chảy máu và nhiễm trùng. Tử vong trong phẫu thuật cắt amidan thường rất hiếm gặp. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy tỷ lệ tử vong do cắt amidan ở Mỹ là 1/18.000 ca phẫu thuật.
Hơn nửa triệu trẻ em Mỹ được phẫu thuật cắt amidan mỗi năm, khiến nó trở thành ca phẫu thuật phổ biến thứ hai ở Mỹ.
Số lượng ca phẫu thuật cắt amidan được thực hiện ở Mỹ đã giảm kể từ những năm 1970, khi các bác sĩ trở nên thận trọng hơn trong các khuyến nghị của họ, không muốn thực hiện các ca phẫu thuật không cần thiết.
Phẫu thuật cắt amidan có thể có những biến chứng nguy hiểm như sưng, cháy máu, nhiễm trùng. (Ảnh minh họa)
Khi nào nên cắt amidan?
Không cứ viêm amidan là phải cắt: Amidan là cơ quan dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công nên rất dễ bị viêm. Tuy nhiên không phải cứ viêm amidan là phải cắt. Một em bé bị viêm amidan tái đi tái lại, nhưng bé vẫn ăn ngủ bình thường, thể trọng tăng dần mặc dù hai amidan to hồng và láng, không khó nuốt, không khó thở, hai amidan hoạt động tốt và trong trường hợp đó không lý do gì cắt bỏ amidan đi. Nhiều cha mẹ đem con đến bệnh viện xin cắt amidan trong tình trạng này vì coi nó là “thịt dư”, phải cắt đi thì em bé mới mau lớn. Quan niệm này sai lầm hoàn toàn. Số các cháu viêm amidan nhẹ rất nhiều và không cần thiết phải cắt. Chỉ các bé bị viêm nhiễm nhiều, amidan hoàn toàn không còn lợi ích cho cơ thể mới nghĩ đến cắt bỏ.
Chỉ cắt amidan trong những trường hợp sau: Bệnh nhân hay bị viêm, tái phát nhiều, từ 5-6 lần trong một năm. Bệnh nhân bị áp-xe. Viêm amidan gây nên những biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang hoặc các biến chứng nặng như thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận. Amidan quá to, gây cản trở đường thở, ngủ ngáy, ngưng thở trong lúc ngủ hoặc nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng chất lượng sống của người bệnh... Ngoài ra, amidan còn được chỉ định cắt khi có nhiều ngóc ngách chứa nhiều chất tiết gây hôi miệng, nuốt vướng hoặc nghi ngờ ác tính... Thông thường, trẻ trên 5 tuổi bắt đầu được cắt amidan. Nhiều trường hợp dưới 5 tuổi có amidan to quá cũng nên được chỉ định cắt. Hiện nhiều trường hợp trên 50 tuổi vẫn phải cắt amidan.