Trước khi bước vào độ tuổi dậy thì, trẻ vẫn chưa hoàn thiện về nhận thức nên khả năng phân biệt đúng sai, điều gì nên và không nên còn hạn chế. Cũng bởi vậy mà trong vai trò là người dẫn dắt và làm gương cho con, mỗi hành động hay lời nói của bố mẹ trước mặt trẻ cực kỳ quan trọng. Con có thể nhìn vào rồi bắt chước, nếu học điều tốt thì không sao nhưng học điều xấu thì sẽ để lại nhiều hệ luỵ trong tương lai.
Đó cũng là lý do vì sao bài văn viết về bố của bé học sinh được dưới đây đã nhận về nhiều lời khuyên. Theo đó, đứa trẻ này đã dành cả 2 trang giấy để kể về người bố “rất giỏi” của mình, nhưng đọc đến cuối ai nấy đều lắc đầu.
Cụ thể, nguyên văn bài viết của nhóc tỳ như sau:
“Ngày xửa ngày xưa nhà em có nuôi một chú bố. Chú bố em tên là Mạnh, nhưng mọi người không gọi bố Mạnh mà gọi là nghiện. Bố Mạnh có hai cánh tay và hai cái mắt. Bố Mạnh cao hơn bằng một nửa cái giường hoặc hơn. Vì bố không biết nên thường nằm trên cái giường để xem mình dài mấy mét. Mẹ Mai hay quát bố suốt ngày nằm đo giường.
Bố Mạnh thích xem chương trình quay xổ số ở trên tivi, mỗi lần bố xem là hai mắt bố lồi ra. Hôm nào bố trúng đề bố lại cười to ơi là to. Bố Mạnh là một người rất giỏi, xung quanh nhà em ai mất cái gì cũng đến hỏi bố. Nhà cô Linh mất xe đạp cũng sang hỏi bố em. Nhà bà Bích mất cái chậu cũng sang hỏi bố em. Ai đến hỏi cũng tìm thấy đồ bị mất. Nhưng mẹ em mất tiền hỏi bố thì bố lại không tìm thấy, sau đó mẹ em lại đánh bố.
Bố Mạnh rất yêu thương các con. Bố Mạnh hứa với em là khi nào có tiền sẽ đưa em đi gặp chị T.N và anh T.B.B. thúi. Em cũng yêu bố nhiều”.
Bài văn còn mắc nhiều lỗi chính tả, nhưng điều khiến dân tình thích thú là “chiếc camera chạy bằng cơm” này đã dành sự chú tâm, quan sát bố rất kỹ mỗi ngày ở nhà, thế nên nhóc tỳ mới tả bố chân thật đến vậy.
Tuy nhiên, bài văn sau đó cũng nhận về nhiều tranh cãi, không ít phụ huynh lên tiếng phê bình và khuyên nhân vật chính trong tác phẩm của bé học sinh - là người bố cần phải kiểm điểm lại chính bản thân. Bởi những tính xấu của bố được thể hiện qua nhiều hành động như bố chơi lô đề, bố mẹ hay quát mắng nhau, ai mất đồ cũng sang tìm bố... đã phản ánh rõ về môi trường sống độc hại, không lành mạnh trong gia đình đứa trẻ.
Chưa biết thực hư thế nào, nhưng nếu không kịp thời sửa chữa thì người bố chắc chắn sẽ trở thành tấm gương xấu, làm ảnh hưởng đến hành trình phát triển của con.
Vậy hành vi của bố mẹ ảnh hưởng đến trẻ ra sao?
Hành vi của bố mẹ hàng ngày có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ, cả về mặt thể chất, tinh thần lẫn xã hội. Nếu bố mẹ thường xuyên gây áp lực, chỉ trích, la mắng trẻ, trẻ có thể trở nên tự ti, sợ hãi và khó phát triển toàn diện.
Khi bố mẹ không dành đủ thời gian, sự chăm sóc và quan tâm, trẻ có thể cảm thấy bị bỏ rơi, cô đơn, thiếu an toàn tình cảm. Những thói quen xấu như nghiện điện thoại, ít tương tác với trẻ cũng gây ảnh hưởng xấu đến sự gắn kết, tin tưởng giữa bố mẹ và con.
Sự gắn kết giữa bố mẹ và con là nền tảng quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Điều này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành nhân cách, tâm lý của trẻ trong tương lai. Con chính là tấm gương phản chiếu của bố mẹ, chính vì thế mà bố mẹ là người như thế nào thì con cũng sẽ giống y như vậy.
Đâu là những kiểu bố mẹ nuôi dạy con hiệu quả, phát triển tích cực?
- Bố mẹ chu đáo và thấu hiểu
Bố mẹ chu đáo và thấu hiểu sẽ là người luôn dành thời gian chăm sóc, quan tâm sâu sắc đến từng nhu cầu của trẻ, từ nhu cầu về thể chất như ăn, ngủ, vệ sinh, đến nhu cầu về tinh thần như an toàn, yêu thương. Bố mẹ lắng nghe và cảm thông với những cảm xúc, trải nghiệm của trẻ, tạo cho trẻ cảm giác được lắng nghe, được chấp nhận. Điều này giúp xây dựng mối quan hệ gắn bó, tin cậy giữa bố mẹ và con, là nền tảng quan trọng để trẻ phát triển toàn diện.
- Bố mẹ kiên định, có kỷ luật
Bố mẹ kiên định, có kỷ luật đưa ra cho con các quy tắc, giới hạn rõ ràng và thực thi một cách nhất quán. Điều này không chỉ giúp trẻ hình thành kỹ năng tự kỷ luật, tự chủ, mà còn tạo ra sự an toàn và ổn định trong môi trường nuôi dưỡng. Mặc dù không quá nghiêm khắc, bố mẹ này vẫn đảm bảo sự kỷ cương cần thiết, giúp trẻ phát triển theo hướng tích cực.
- Bố mẹ khuyến khích, tạo động lực
Bố mẹ khuyến khích, tạo động lực luôn dành lời khen ngợi, động viên khi trẻ đạt được những thành tựu, dù lớn hay nhỏ. Điều này giúp trẻ tin tưởng vào bản thân, cảm thấy được ghi nhận và tự tin hơn trong việc thể hiện bản thân. Bố mẹ tạo môi trường để trẻ được phát triển tự do, sở thích của mình, giúp trẻ phát huy tối đa tiềm năng.
- Bố mẹ kiên nhẫn, linh hoạt
Bố mẹ kiên nhẫn, linh hoạt hiểu được sự phát triển của trẻ, biết điều chỉnh phương pháp phù hợp với từng giai đoạn. Khi trẻ mắc sai lầm, bố mẹ không quá khắt khe mà chấp nhận và giúp trẻ học cách khắc phục. Bố mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ trẻ khi gặp khó khăn, giúp trẻ cảm thấy an toàn và được chăm sóc kỹ lưỡng.