Tôi mới ly hôn chồng hồi tháng 3, sau đó một mình đưa con gái vào Sài Gòn sinh sống để bắt đầu lại mọi thứ. Mẹ con chúng tôi mua một căn nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố, hàng ngày tôi và con gái vào thành phố học tập và làm việc, chỉ tối mới quay trở lại nhà.
Chính vì thế rất ít có khoảng thời gian tụ tập hay nói chuyện nhiều với những người hàng xóm xung quanh. Sau khi ở được 2 tháng, công việc của tôi mới giãn bớt nên có nhiều thời gian ở nhà hơn, đi chào hỏi mọi nhà xung quanh. Mọi người ở nơi đây rất thân thiện và tốt bụng. Họ đều biết chúng tôi mới chuyển đến và chỉ có hai mẹ con, cũng không ai tò mò lý do vì sao nhưng đều có thành ý chủ động giúp đỡ hoặc nhắn "nếu cần giúp gì cứ liên hệ với họ".
Chính vì thế tôi rất yên tâm và vui vẻ khi quyết định đưa con gái đến nơi này để sống. Hy vọng đây sẽ là một môi trường tốt cho con gái lớn lên và cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn, quên đi những chuyện buồn của bố mẹ.
Ảnh minh họa
Duy nhất có một điều khiến tôi phải băn khoăn đó chính là câu chuyện của mọi người nhắc đến đứa con trai của một nhà ngay sát cạnh nhà tôi. Tôi được nghe kể là hãy tránh xa và cẩn thận với đứa trẻ của nhà hàng xóm đó vì nó rất lạ.
Theo như lời họ nói thì đã hơn 10 năm đứa trẻ ấy chưa bao giờ ra khỏi nhà và cũng không ai biết được đứa trẻ ấy sống trong nhà như thế nào. Tôi cũng không quá tò mò mà chỉ nghe theo lời khuyên nên sẽ cẩn thận hơn. Chưa kịp thông báo với con gái về điều này thì vào một buổi tối khi hai mẹ con đang ăn cơm, chính con gái là người chủ động nói cho tôi nghe chuyện về đứa trẻ hàng xóm đó:
- Mẹ ơi, bọn bạn ở lớp con đều nói bên cạnh nhà mình có con ma đó mẹ ạ.
- Tầm bậy nào con, làm gì có ma nào. Các bạn trêu con đấy.
- Có thật mà mẹ, các bạn ấy bảo con ma sống ở nhà bác bên kia kìa, lâu lắm rồi con ma ấy chưa ra khỏi nhà. Nó mà ra là kinh lắm đó mẹ.
- Con đừng nghe các bạn nói đùa đấy, không hề có ma nên con đừng lo sợ nhé. Con chỉ cần cẩn thận trong mọi tình huống là được. Ăn cơm đi con rồi còn đi học bài.
Những tưởng câu chuyện của hai mẹ con chỉ dừng lại ở đó thì vào một hôm, 10h đêm con gái vác gối sang phòng tôi rồi nói:
- Mẹ ơi, mẹ cho con ngủ cùng mẹ được không?
Ảnh minh họa
- Sao thế con, con không ngủ được à?
- Con sợ lắm!
Đứa trẻ leo lên giường, tôi phát hiện toàn thân con run rẩy vì sợ hãi. Sau khi trấn an con và gặng hòi, đứa trẻ bắt đầu kể cho tôi nghe những gì nó đã trải qua chỉ vì tính tò mò. Hóa ra không chỉ đêm nay mà 2-3 đêm trước con đều không ngủ được, lý do là đã tò mò nhìn lén qua cửa sổ nhà hàng xóm để tận mắt xem "con ma" đó như thế nào.
- Thế con đã nhìn thấy gì mà con sợ như vậy?
- Con nhìn thấy điều đáng sợ lắm. Anh ấy trông rất đáng sợ.
Những ngày sau đó, con gái vẫn liên tục trong tình trạng sợ hãi sau khi nhìn thấy những gì ở nhà hàng xóm. Chính vì thế tôi đã quyết định tìm hiểu để hy vọng biết được sự thật và giúp con gái thoát ra.
Tôi sang nhà hàng xóm làm quen và trò chuyện thì được biết, sự thật "con ma" mà lũ trẻ trong thôn nói đến chính là con trai của nhà hàng xóm. Đứa trẻ mắc một thứ bệnh lạ khiến gương mặt thay đổi trông cũng khá đáng sợ. Đó là lý do vì sao hơn 10 năm qua, để bảo vệ con trai, vợ chồng nhà hàng xóm đã để đứa trẻ trong nhà không cho ra ngoài và hàng ngày chăm sóc cho bé.
Vì có hình dáng về ngoài khác lạ nên nhiều người đồn thổi, trẻ con sợ hãi đứa trẻ ấy. Cặp vợ chồng hàng xóm cũng rất buồn bã nhưng không biết làm thế nào để giải thích cho mọi người nên chỉ còn cách nhốt con trai trong nhà. Tôi tận mắt nhìn thấy đứa trẻ ấy trông cũng rất khác lạ và thực sự thương thằng bé. Đầu óc và giọng nói của con hoàn toàn bình thường, duy chỉ có gương mặt là "biến dạng" khác lạ.
Ảnh minh họa
Tôi đã đem chuyện này kể lại cho con gái và dặn con:
- Con đã hiểu những gì mẹ kể cho con chưa. Thực chất anh đó cũng là một người bình thường giống như chúng ta mà thôi. Tuy nhiên anh không được may mắn nên mắc phải bệnh lạ và chưa chữa được nên anh thiệt thòi, phải sống trong căn phòng nhỏ và không được ra ngoài vì sợ sẽ làm mọi người sợ hãi. Chính vì thế chúng ta không cần phải sợ anh, chúng ta phải thương anh mới phải đúng không con?
- Vậy hả mẹ, anh là người chứ không phải ma mẹ nhỉ? Anh bị bệnh hả mẹ?
- Đúng vậy, chính mẹ đã gặp và nói chuyện với anh rồi, anh cũng từng có cuộc sống hạnh phúc, được vui chơi được học hành như con đó. Nhưng giờ đây anh thiệt thòi hơn con nhiều nên con không cần sợ hãi khi nhìn thấy anh và cũng không cần phải xa lánh anh nhé!
- Vậy là con có thể sang thăm anh được phải không mẹ?
- Thăm anh á, con thực sự muốn thăm anh sao?
- Vâng, nghe mẹ nói con không còn sợ anh nữa vì con đã nhìn thấy anh một lần rồi mà. Hôm nào mẹ dẫn con sang thăm anh nhé!
Tôi không ngờ đứa trẻ lại hiểu những điều mình nói đến vậy. Từ lo sợ tôi chuyển sang tự hào khi con gái mình đã lớn, đã biết chia sẻ, cảm thông với những đứa trẻ có hoàn cảnh thiệt thòi hơn mình.
Tâm sự từ độc giả dinhvi...
Dạy con biết chia sẻ và cảm thông với những đứa trẻ thiệt thòi, mắc bệnh là một quá trình giáo dục quan trọng để phát triển tinh thần nhân đạo và lòng tốt trong con. Dưới đây là vài gợi ý giúp bạn dạy con về chia sẻ và cảm thông:
- Tạo môi trường gia đình yêu thương: Để con hiểu về chia sẻ và cảm thông, hãy tạo một môi trường gia đình ấm cúng và yêu thương. Mẹ có thể thể hiện việc chia sẻ và cảm thông với con bằng cách chia sẻ thời gian, tình yêu và sự quan tâm với nhau.
- Giải thích bằng ngôn ngữ đơn giản: Sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu và phù hợp với tuổi của con để giải thích về ý nghĩa của chia sẻ và cảm thông. Ví dụ, bạn có thể nói rằng chia sẻ là hành động cho điều gì đó cho người khác khi họ cần, và cảm thông là hiểu và chia sẻ cảm xúc với người khác khi họ buồn hay gặp khó khăn.
- Ví dụ và thực hành: Đưa ra ví dụ cụ thể về việc chia sẻ và cảm thông trong cuộc sống hàng ngày của con. Bạn có thể khuyến khích con chia sẻ đồ chơi với bạn bè, giúp đỡ hoặc thăm viếng bạn nhỏ bị bệnh và chia sẻ niềm vui với họ.
- Học qua trò chơi và câu chuyện: Sử dụng trò chơi và câu chuyện để truyền đạt giá trị về chia sẻ và cảm thông. Đọc sách về việc giúp đỡ người khác, xem phim hoặc hoạt hình có nội dung tương tự để khuyến khích con hiểu và hứng thú với chủ đề này.
- Đánh giá và khen ngợi: Khi con thể hiện hành động chia sẻ và cảm thông, hãy đánh giá và khen ngợi con. Điều này sẽ khích lệ con tiếp tục hành động tốt và hiểu rõ hơn về giá trị của những hành động đó.
- Làm gương: Hãy là gương mẫu cho con bằng cách hiển thị sự chia sẻ và cảm thông trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Con sẽ học hỏi nhiều hơn từ những hành động của bạn hơn là từ những lời nói.