Bé gái mắc bạch hầu tử vong khiến trăm người cách ly: Bệnh bạch hầu là gì, lây nhiễm không?

Bệnh bạch hầu để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, điển hình nhất là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh…có thể dẫn tới tử vong.

Mới đây trên địa bàn xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông xuất hiện ổ dịch bạch hầu khiến 2 trường hợp dương tính, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Trường hợp tử vong là cháu Sùng Thị H. (9 tuổi, ở xã Quảng Hòa), trước khi tử vong cháu H. được gia đình đưa đi cấp cứu ở địa phương vì xuất hiện ho, đau họng, khó thở. Sau đó dù chuyển xuống TP HCM để tiếp tục cấp cứu tuy nhiên do bệnh bạch hầu ác tính đã biến chứng vào tim.

Cũng theo Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, sau khi nhận thông tin có ca bệnh bạch hầu tại xã Quảng Hòa, ngành y tế đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Hiện đã khoanh vùng, cách ly toàn bộ cụm 2 với 355 người dân. 

Ngoài ổ dịch trên, trước đó ngày 14/6 cũng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 4 trẻ dương tính với bạch hầu tại Trung tâm Ngôi nhà may mắn (huyện Krông Nô). Hiện các ổ dịch này vẫn đang được chính quyền, ngành y tế địa phương triển khai các biện pháp dập dịch.

be gai mac bach hau tu vong khien tram nguoi cach ly: benh bach hau la gi, lay nhiem khong? - 1

Cơ quan chức năng đang xử lý ổ dịch bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hàng năm trên toàn quốc vẫn ghi nhận lác đác những ổ dịch nhỏ lẻ mắc bệnh bạch hầu. Đây là căn bệnh đã có vắc xin phòng bệnh, tuy nhiên số trường hợp mắc chưa được tiêm hoặc không tiêm đầy đủ vắc xin thường xảy ra ở các vùng núi, nơi có đông người dân tộc thiểu số sinh sống.

Bệnh bạch hầu là gì?

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

Biểu hiện của bệnh bạch hầu

- Người mắc bạch hầu có biểu hiện viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau, da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.

- Khi thăm khám có phát hiện giả mạc. Tuy nhiên, cần phải phân biệt giả mạc của bạch hầu và giả mạc mủ. Theo đó, giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Cho giả mạc vào cốc nước dù có khuấy mạnh cũng không tan.

Còn giả mạc mủ thì sẽ bị hoà tan hoàn toàn trong cốc nước. Vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết.

Bệnh bạch hầu rất nguy hiểm, lây qua đường hô hấp.

Biến chứng bệnh bạch hầu

Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường xấu, tỷ lệ tử vong rất cao.

Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và thường hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong vì biến chứng khác.

Liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành có thể xảy ra vào tuần thứ năm của bệnh. Viêm phổi và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả của liệt cơ hoành.

Các biến chứng khác có thể xảy ra như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày. Tỷ lệ tử vong khoảng 5%-10%.

Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu tồn tại bao lâu ngoài môi trường

- Loại vi khuẩn này có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu có chất nhầy bao quanh bảo vệ thì vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải có thể sống được 30 ngày; trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày; trong tử thi sống được 2 tuần.

- Vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với một số yếu tố. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ, ánh sáng khuyếch tán sẽ bị diệt sau vài ngày. Ở nhiệt độ 58 độ C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút.

Phòng bệnh bạch hầu bằng cách tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch.

Bệnh bạch hầu có lây nhiễm không và lây như thế nào?

- Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu là ở người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.

- Thời gian ủ bệnh: Từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn.

- Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu.

- Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch đặc hiệu. Bệnh nhân mắc bạch hầu sau khi khỏi bệnh sẽ không bị mắc lại vì cơ thể được miễn dịch lâu dài.

Phòng bệnh bạch hầu

- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

- Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc vắc xin “5 trong 1” trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:

Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi

Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng

Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng

Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!
5/5
Một cháu bé tử vong vì bệnh bạch hầu, cách ly hàng trăm người dân
Theo Lê Phương (thoidaiplus.giadinh.net.vn)