Cha vô tình "gây họa" cho con
Vợ chồng anh Hoàng Minh Quân (40 tuổi, ở TP.HCM), có con trai 12 tuổi bị hẹp da quy đầu. Thấy phần da quy đầu “cậu nhỏ” con trai mãi không chịu “mở mắt”, vợ chồng anh rất lo lắng. Đọc được thông tin trên mạng rằng cha mẹ có thể nong hoặc lột bao quy đầu tại nhà cho con, anh Quân liền làm theo hướng dẫn. Tuy nhiên, khi anh dùng tay thao tác thì da quy đầu của con trai không những chẳng tụt xuống mà còn khiến bé sợ hãi, dương vật bị sưng đau.
ThS.BS Lê Vũ Tân, Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), cho biết, bé trai được cha đưa đến khám gần đây khi da quy đầu bị thắt nghẹt và gây phù nề, đau rát, không thể đẩy da ngược trở lại. Sau khi giải thích cho hai cha con bệnh nhi về tình trạng, bác sĩ Tân khuyên bé trai gắng chịu đau để bác sĩ đẩy da bao quy đầu trở lại vị trí bình thường.
Vì cố gắng dùng tay tuột da quy đầu của anh Minh Quân làm dương vật con trai đau, sưng tấy. Ảnh: BSCC.
Theo bác sĩ Tân, thủ thuật đẩy da quy đầu ngược trở lại cho bệnh nhi gặp khó khăn vì da bị nghẹt ở khấc quy đầu, nhưng may mắn, bé trai chịu hợp tác và chịu đau tốt nên việc can thiệp đã thành công. Sau đó, bác sĩ Tân kê đơn thuốc cho bệnh nhân uống, chờ đến khi vết thương đỡ đau sẽ làm phẫu thuật cắt da quy đầu.
Khoảng 80% các ca ung thư dương vật là do hẹp bao quy đầu
Hẹp bao quy đầu là tình trạng hẹp lỗ mở của bao quy đầu làm cho bao quy đầu không thể tách rời khỏi quy đầu. Theo ThS.BS Huỳnh Cao Nhân, Trưởng Khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, có tới 96% bé trai sinh ra bị hẹp bao quy đầu, nhưng đến một tuổi tỷ lệ này giảm dần còn 50%, 3 tuổi còn 10% và ở giai đoạn dậy thì chỉ còn 1%.
Theo thời gian, da quy đầu của trẻ có thể từ từ tuột lên, nhưng khoảng thời gian này khá dài. Hơn nữa, trẻ bị hẹp bao quy đầu sẽ bị tiểu rắt, tiểu không hết. Nước tiểu có thể đọng lại dưới da hình thành viêm nhiễm quy đầu.
Theo bác sĩ Nhân, trẻ bị hẹp da quy đầu, nếu không khắc phục sớm, tình trạng viêm có thể khiến cho da quy đầu và quy đầu dính chặt với nhau, gây bệnh hẹp hoặc dài bao quy đầu. Nong và lột bao quy đầu từ sớm sẽ giúp trẻ tránh được tình trạng này.
Các bác sĩ tại bệnh viện Nhi đồng đang phẫu thuật cắt da quy đầu cho một bệnh nhi. Ảnh: BVCC.
Nong và lột da quy đầu cho trẻ phải thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên y tế và cần tiến hành nhẹ nhàng, đúng kỹ thuật, khi bé dưới 2 tuổi. Tại nhà, mỗi lần tắm cho bé, cha mẹ có thể dùng tay nhẹ nhàng kéo da quy đầu lên mỗi ngày một ít và nên vệ sinh bao quy đầu sau mỗi lần bé tiểu, khi thay tã. Việc làm này dần dần làm bao quy đầu của bé đều tuột lên được tới rãnh, không cần phải can thiệp bất kỳ thủ thuật nào.
Ở trường hợp của con trai anh Minh Quân, do bé đã 12 tuổi nên cần phải có sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa. Việc cha mẹ cố gắng tự tụt da quy đầu cho con rất nguy hiểm, làm dương vật con bị đau, làm trẻ sợ hãi và bị ảnh hưởng tâm lý. Hơn nữa, nếu không xử lý không đúng cách sẽ vô tình làm trẻ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, ảnh hưởng chức năng thận, suy thận, gây khó khăn trong quan hệ tình dục sau này, thậm chí dẫn tới ung thư dương vật.
Bác sĩ Nhân cho biết, thời gian qua, các bác sĩ đã gặp nhiều bé trai bị hẹp da quy đầu, nhưng cha mẹ lại cho rằng bé đi tiểu bình thường, cho đến khi đi khám bác sĩ phát hiện rất nhiều chất bợn trắng trong bao quy đầu của trẻ. Theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 80% các ca ung thư dương vật là do hẹp bao quy đầu và không được chăm sóc, vệ sinh đúng cách. Từ đó, chất cặn bã tích tụ ở bao quy đầu, qua nhiều năm gây ung thư bộ phận sinh dục ngoài.
Theo các bác sĩ, vai trò của cha mẹ rất quan trọng trong việc giúp con trai tránh được tình trạng hẹp da bao quy đầu. Ảnh minh họa.
Dấu hiệu trẻ bị hẹp da quy đầu thường là:
+ Trẻ nhỏ rặn quấy khóc đỏ mặt mỗi lần tiểu hoặc trẻ hay đưa tay sờ bộ phận sinh dục do ngứa và viêm nhiễm.
+ Khi đi tiểu thấy bao quy đầu phồng lên.
+ Nhiều chất bợn trắng (Smegma) trong bao quy đầu.
+ Dùng tay không thể tuột bao quy đầu lên được hoặc tuột lên ít không tới rãnh quy đầu.
Bác sĩ Nhân khuyến cáo, khi phát hiện trẻ bị hẹp bao quy đầu thông qua các dấu hiệu trên, gia đình nên sớm đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa tiết niệu để được tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc đúng cách. Hiện nay, hẹp bao quy đầu có nhiều phương pháp điều trị như: chăm sóc, vệ sinh tại nhà, thoa corticoid tại chỗ, nong bao quy đầu. Với các bệnh nhi bao quy đầu viêm tái đi tái lại thành vòng xơ nhiều thì chỉ còn giải pháp phẫu thuật cắt bao quy đầu. Biện pháp này gây nhiều nguy cơ trẻ: chảy máu, nhiễm trùng… sẽ không tốt cho trẻ.
“Nhiều phụ huynh vì quá lo lắng đã chủ động đưa con đi cắt bao quy đầu khi bé mới 4-5 tuổi là không tốt. Trong trường hợp bé thực hiện thủ thuật ở các cơ sở y tế không uy tín sẽ rất nguy hiểm, dễ nhiễm trùng và mắc các căn bệnh lây qua đường tình dục”, bác sĩ Nhân khuyến cáo thêm.