Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, cha mẹ bù đắp một ngày bận bịu thành 10 phút trò chuyện cùng con trước khi đi ngủ, con sẽ có cuộc sống hạnh phúc, mạnh mẽ và giỏi giang hơn, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng gắn kết hơn.
Theo câu chuyện điển hình của chị Xiao Mi, một người mẹ trẻ đang sinh sống tại Trung Quốc, chị có một cậu con trai tên Xiaobo, nổi tiếng học giỏi từ nhỏ. Không chỉ vậy, cậu bé cũng sống tình cảm và rất tự tin, luôn được những người xung quanh yêu quý.
Chia sẻ về bí kíp dạy con, chị Xiao Mi tâm sự mình chẳng có bí kíp dạy con nào khó nhằn cả, điều quan trọng nhất là chị luôn trò chuyện thường xuyên cùng con.
Chị cho biết khi Xiaobo được 2 tuổi, chị đã bắt đầu kể cho cậu bé nghe chuyện cổ tích, khi cậu bé lên mẫu giáo, chị sẽ dành thời gian trò chuyện cùng con về một ngày ở trường học vào thời điểm cố định mỗi tối. Đứa trẻ càng lớn dần, chị lại càng dành thêm ít thời gian sau bữa ăn để trao đổi cùng con về tin tức và các vấn đề thời sự, nói chuyện về dự định và việc học của con.
Dành thời gian quan tâm, trò chuyện là cách mà người mẹ giúp con trở thành đứa trẻ ngoan, hạnh phúc hơn. (Ảnh minh họa)
Từ đó, chị nhận ra tiền đề của việc nuôi dạy một đứa trẻ ngoan là phải hiểu, tôn trọng đứa trẻ và thường xuyên giao tiếp một cách bình đẳng với trẻ. Nỗ lực này không phải một sớm một chiều mà đạt được, cha mẹ cần dành những sự quan tâm, an ủi, động viên vào buổi tối cuối ngày hoặc cuối tuần để âm thầm nuôi dưỡng sự tin cậy ở con.
Theo nhà tâm lý học He Lingfeng, "Nói nhiều hơn về "điều vô nghĩa" với trẻ em là khả năng quan trọng nhất để làm cha mẹ". Để giáo dục trẻ thành công, điều quan trọng là phải có khả năng lắng nghe và nói chuyện. Chỉ bằng cách lắng nghe, trò chuyện với con bằng tâm bằng ý, cha mẹ mới thực sự thấu hiểu cảm nghĩ và bước trái tim con, dọn sạch “cỏ dại”, gieo mầm yêu thương và sự tin tưởng.
Cha mẹ càng trò chuyện, tâm sự với con nhiều sẽ giúp con trở thành đứa trẻ sáng dạ, ngoan ngoãn, con sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trò chuyện có thể giúp trẻ khai sáng ngôn ngữ
Nhiều đứa trẻ có năng khiếu ngoại ngữ vững vàng từ nhỏ, dùng từ vựng chính xác, và đạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi ngôn ngữ.
Điều này là nhờ vào quá trình trò chuyện với con của nhiều gia đình từ khi còn nhỏ. Những gia đình này khá chú trọng vào sự tương tác giữa cha mẹ và con cái, giúp hình thành nên tài năng ngôn ngữ đặc biệt hơn so với bạn bè cùng lứa tuổi.
Cha mẹ thường xuyên trò chuyện với con, cũng sẽ giúp trẻ thông minh, sáng dạ và hạnh phúc hơn.
Khi cha mẹ đối thoại nhiều với con, vốn từ vựng của trẻ cũng phát triển nhanh hơn. Não bộ hoạt động nhiều thì khả năng tư duy và ngôn ngữ phát triển càng nhanh. Vì vậy, cha mẹ nên sử dụng mọi thời gian để trò chuyện cùng con và đảm bảo giao tiếp thân mật với con.
Trò chuyện có thể giúp trẻ thông minh hơn
Một nghiên cứu gần đây của MIT (Viện Công nghệ Massachusetts) cho thấy trẻ em nói chuyện với cha mẹ càng thường xuyên thì hoạt động của các khu vực liên quan đến ngôn ngữ trong não càng mạnh mẽ.
Điều này có nghĩa là trẻ em trò chuyện với cha mẹ nhiều hơn có thể đạt điểm cao hơn trong học tập.
Ngoài ra, tần suất trò chuyện giữa cha mẹ và con cái cao có thể tạo ra không khí vui tươi, dân chủ, khơi gợi cho trẻ bày tỏ mong muốn nhiều hơn, tạo cho trẻ tính tò mò và lòng hăng say học tập cao.
Mối quan hệ của cha mẹ và con cái khắng khít hơn
Theo cuộc khảo sát với 230 học sinh tại một trường trung học cơ sở tại Trung Quốc cho thấy, 70% học sinh không thích trò chuyện với cha mẹ. Họ có khuynh hướng tâm sư cùng bạn bè hơn là với cha mẹ nếu họ có bất kỳ sự bận lòng nào. Trong khi đó, có đến 80% phụ huynh cảm thấy có khoảng cách giữa họ và con cái, và họ không thể hiểu được con mình.
Trên thực tế, điều này là do sự thiếu giao tiếp giữa cha mẹ và con cái. Nếu con cái không thể tin tưởng và tôn trọng cha mẹ, chúng sẽ không chủ động bày tỏ suy nghĩ thật của mình với cha mẹ.
Chỉ khi cha mẹ sẵn sàng hạ thấp lập trường, ngồi xuống lắng nghe con và đối thoại bình đẳng hơn với con cái, thì khoảng cách trong mối quan hệ cha mẹ - con cái mới có thể được xóa bỏ.
Trước khi đi ngủ là thời điểm tốt nhất để trò chuyện và chia sẻ với con.
Vì vậy, sự phát triển của một đứa trẻ xuất sắc không phụ thuộc vào việc gia đình giàu hay nghèo, hoặc đăng ký bao nhiêu lớp dạy thêm, lớp học theo sở thích; đó là ngay từ khi sinh ra, trẻ có thể được nuôi dưỡng một cách tinh tế trong một môi trường gia đình tràn đầy năng lượng tích cực và giàu lời nói.
Vậy thời điểm tốt nhất để trò chuyện với trẻ là khi nào?
Một số nhà tâm lý học đã thực hiện phân tích thống kê, buổi tối trước khi trẻ đi ngủ là đỉnh điểm của trí nhớ, đồng thời về nhu cầu tâm lý, trẻ sẽ đặc biệt háo hức với sự ôm ấp, giao tiếp ấm áp và quan tâm của cha mẹ. .
Nếu cha mẹ có thể trò chuyện với con mỗi đêm khi con chúng cần sự an toàn và yêu thương nhất, đó sẽ là tiền đề tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.
Do đó, với tư cách là cha mẹ, nếu không biết phải nói gì với con mình, cha mẹ có thể tham khảo 4 câu hỏi sau, được các chuyên gia tâm lý khuyến khích.
"Hôm nay con chơi với các bạn trong lớp như thế nào?"
Trước khi đi ngủ, cha mẹ hãy hỏi xem trẻ hòa đồng với những người khác như thế nào để trẻ biết rằng cha mẹ quan tâm đến cuộc sống và giao tiếp hàng ngày của trẻ.
Nam diễn viên Lâm Chí Dĩnh từng chia sẻ chủ đề trò chuyện với con trai Kimi trước khi đi ngủ trên Weibo. Ví dụ, con đã ăn gì vào buổi trưa hôm nay? Con thân với bạn học nào nhất? Con có quý bạn gái nào không? Anh cảm thấy chỉ bằng cách trò chuyện cùng con, các bậc cha mẹ đã có thể hiểu được về sinh hoạt và môi trường học tập của trẻ.
Không những thế, cha mẹ thường xuyên trò chuyện, hướng dẫn và dạy con một số quy tắc giao tiếp cá nhân không chỉ giúp hạn chế tình trạng trẻ bị bắt nạt hoặc bị bắt nạt mà còn tránh cho trẻ “gần mực thì đen" và đi sai quy tắc đạo đức.
"Hôm nay con có chuyện gì vui hay buồn không, hãy kể mẹ nghe nhé!"
Ý nghĩa của câu này là hướng trẻ nói về trạng thái trong ngày, biết cách tìm kiếm hạnh phúc nhỏ nhoi cho riêng mình, trở thành một người tràn đầy năng lượng tích cực.
Một người mẹ từng chia sẻ trên trang mạng xã hội cá nhân: “Cứ hễ đến 9h30 tối, tôi sẽ tắt hết các thông báo điện thoại. Vì các ngày trong tuần bận bịu với công việc, tôi có rất ít thời gian dành cho con. Vậy nên thời gian ngủ là khoảng thời gian quý giá, tôi dành nó để trò chuyện với con trước khi đi ngủ, hỏi thăm tâm trạng của con vui hay buồn".
Con sẽ gặp phải những rắc rối riêng, nỗi buồn riêng, chẳng hạn như kết quả kỳ thi kém, bị giáo viên mắng hay gặp vấn đề với bạn bè cùng lớp. Nhưng con còn nhỏ và chắc chắn không biết cách nhận ra cảm xúc tiêu cực, vì vậy tôi sẽ luôn hướng dẫn để con nói ra suy nghĩ thật của mình. "
Con cái không chỉ cần điều kiện vật chất, mà còn cần sự quan tâm của cha mẹ về mặt cảm xúc. Chỉ bằng cách cùng trẻ hồi tưởng lại những điều hạnh phúc và giúp con hóa giải những cảm xúc không vui, thì trẻ mới có thể tiếp thêm niềm tin và niềm vui để chào đón ngày mới.
"Con có muốn nghe những bí mật nho nhỏ của bố mẹ không? Mình cùng trao đổi nhé!"
Nhiều bậc cha mẹ sẽ cảm thấy bất lực tại sao con cái không thích giao tiếp với chính mình, suốt ngày chỉ im lặng. Trên thực tế, ban đêm là thời điểm dễ mở lòng nhất của một người, và trẻ em cũng không ngoại lệ. Đây là khoảng thời gian trẻ buông bỏ sự lo lắng, và là cơ hội tốt để thân thiết hơn với trẻ.
Cách tốt nhất để con cái giãi bày nỗi lòng là cha mẹ hãy trao đổi những bí mật nho nhỏ của mình. Chúng ta có thể trò chuyện với bọn trẻ về những thắc mắc của con, trao đổi những rắc rối trong cuộc sống, và chia sẻ hạnh phúc của nhau, giống như những người bạn của trẻ. Từ đó mối quan hệ cha mẹ - con cái sẽ trở nên khắng khít hơn.
"Con có khó khăn nào cần bố mẹ giúp đỡ không?"
Ý nghĩa của câu hỏi này là cha mẹ bày tỏ tình yêu thương vô điều kiện dành cho con cái để trẻ có thể tìm thấy cảm giác an toàn và thân thuộc.
Hãy để đứa trẻ hiểu rằng dù gặp bất cứ trở ngại nào, cha mẹ sẽ luôn là điểm tựa để con có đủ tinh thần chiến đấu và sự tự tin khi đối mặt với bất kỳ vấn đề nào trong tương lai.
Tuy nhiên, trong cuộc sống thực, nhiều bậc cha mẹ sẽ chỉ trích và phàn nàn con cái trước giờ đi ngủ, gây nên vết sẹo và bất an trong tâm hồn trẻ. Một số cha mẹ sẽ đánh đập, mắng mỏ con cái vì học lực kém, thậm chí còn truyền cho con sự chán nản trong công việc.
Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, cũng đừng truyền năng lượng tiêu cực cho trẻ. Hãy cho trẻ thấy nguồn năng lượng dồi dào, có thêm dũng khí và sức mạnh để tiến về phía trước.
Đồng hành và quan tâm là lời bày tỏ tình yêu thương lâu dài nhất của cha mẹ đối với con cái. Hãy để trẻ có tâm trạng ổn định trước khi đi ngủ và giúp trẻ tự tay dệt nên giấc mơ hạnh phúc. Do đó, trò chuyện là cách tốt nhất để gắn kết cha mẹ và con cái, và cũng là cách giáo dục tiết kiệm chi phí nhất.