Với sự tiến bộ của y học, ngày nay các bác sĩ hoàn toàn có thể tầm soát được dị tật của em bé ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ với điều kiện là các thai phụ phải đi khám thai đúng định kỳ để làm đầy đủ các xét nghiệm. Tuy nhiên, vì một số lý do chủ quan lẫn khách quan, mẹ bầu đã không đi khám thai thường xuyên, đến lúc đẻ con ra thì hối hận tột cùng.
Tiểu Lý vốn là một cô gái người Trung Quốc xinh xắn, lại làm công chức trong một công ty của nhà nước. Thế nhưng đã 27 tuổi rồi mà cô vẫn đơn côi lẻ bóng mặc cho bố mẹ hối thúc chuyện chồng con. Nhờ hàng xóm mai mối, Tiểu Lý kết hôn với một doanh nhân lớn hơn cô 3 tuổi. Gia đình chồng thuộc dạng gia giáo, giàu có nhưng lại rất tốt và luôn quan tâm đến con dâu. Đặc biệt, mẹ chồng cực kỳ yêu quý Tiểu Lý, điều này khiến cô vô cùng hạnh phúc.
Nửa năm sau, Tiểu Lý mang thai. Lúc này công việc kinh doanh của chồng mở rộng nên anh vô cùng bận rộn, hầu như không có mấy khi về nhà để đưa vợ đi khám thai. May mắn thay, bà mẹ 9X này lại không bị nghén nặng và cô đã có một thai kỳ rất suôn sẻ nhẹ nhàng.
Tuy rằng rất quý mẹ chồng nhưng Tiểu Lý không cho bà hay bất kỳ ai được bế con của mình (Ảnh minh họa)
Thế nhưng sau khi sinh con, mẹ chồng Tiểu Lý phát hiện ra con dâu có biểu hiện lạ. Đó là cô không bao giờ cho người khác động vào con của mình, kể chồng hay ông bà nội ngoại. Ban đầu mọi người cho rằng bà mẹ trẻ này đã mắc phải chứng trầm cảm sau sinh hoặc cũng có thể là do lần đầu làm mẹ nên Tiểu Lý không muốn xa rời con của mình. Song, mẹ chồng cô vẫn mang một sự hoài nghi nên bà quyết phải tìm hiểu cho đến nơi đến chốn.
Nhân một buổi trưa Tiểu Lý ôm con ngủ say, mẹ chồng cô nhẹ nhàng vạch lớp chăn quấn cháu nội ra và bà đã "chết lặng". Hóa ra đứa trẻ bị khuyết tật ở chân, mà cụ thể là chân ngắn chân dài. Khi được hỏi lý do vì sao trong khi mang thai lại không biết con bị dị tật, Tiểu Lý đau khổ thú nhận rằng vì cơ thể mang thai nặng nề, lại cộng thêm chồng thường xuyên vắng nhà, không có ai đưa đi nên cô đã không đi khám thai đúng định kỳ. Do đó bác sĩ không kịp thời phát hiện ngay thai nhi bị dị tật.
Hóa ra vì lười đi khám thai mà Tiểu Lý đã không biết con mình bị dị tật ở chân (Ảnh minh họa).
Mặc dù với sự tiến bộ của y học, sau này chân của con Tiểu Lý chắc sẽ được chữa lành, nhưng đây cũng là lời cảnh tỉnh dành cho các mẹ bầu, đừng vì nghĩ mình khỏe mạnh mà lơ là chuyện khám thai, đặc biệt là các cột mốc quan trọng sau đây:
1. Khi có dấu hiệu mang bầu
Có rất nhiều dấu hiệu để các chị em biết mình đã có thai như trễ kinh, mệt mỏi, buồn nôn, đau ngực, que thử thai hiện hai vạch. Lúc này, mẹ bầu cần đi khám thai để xem mình có thật sự mang thai hay không. Nếu có thai, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn một số vấn đề cần lưu ý trong thai kỳ như chế độ ăn uống, lịch sinh hoạt...
2. Tuần thứ 11 – 14
Đây là một cột mốc quan trọng để bác sĩ đo được độ mờ da gáy - một phương pháp chẩn đoán hội chứng dơn sớm ở thai nhi thông qua siêu âm 3D, 4D. Đây cũng là thời điểm để bác sĩ dự tính ngày dự sinh cho mẹ bầu một cách chính xác nhất.
3. Tuần thứ 16 – 20
Vào tuần thứ 16, mẹ bầu sẽ làm một số xét nghiệm cận lâm sàng để theo dõi sự phát triển của em bé. Đồng thời bạn cũng sẽ được bác sĩ chỉ định siêu âm hình thái để kiểm tra dị tật ở thai nhi. Bởi nếu không phát hiện sớm dị tật ở những tuần thai này thì khi thai nhi lớn rất khó để tìm ra những bất thường về cơ thể. Nếu em bé bị dị dạng, bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra lời khuyên cho bạn lựa chọn.
Đừng vì lười biếng, vì cơ thể nặng nề hay không có người đưa đón mà bỏ qua những cột mốc khám thai quan trọng (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, từ tuần thứ 20 trở đi, bác sĩ sẽ bắt đầu theo dõi huyết áp của mẹ bầu để phòng tránh tình trạng tiền sản giật, sản giật có thể xảy ra. Đồng thời, mẹ bầu cũng được tư vấn về tốc độ phát triển của thai nhi, nếu con bị suy dinh dưỡng, bạn sẽ được hướng dẫn về chế độ ăn đủ chất.
4. Tuần thứ 26
Ở tuần thai này, mẹ bầu sẽ được tiêm vắc-xin phòng uốn ván. Bạn có thể sẽ tiêm 1 mũi hay 2 mũi tùy thuộc vào đó là lần mang thai thứ mấy. Trong trường hợp tiêm 2 mũi, bạn sẽ được bác sĩ đặt lịch hẹn.
5. Tuần thứ 31 – 35
Trong lần khám này bác sĩ sẽ thông báo về ngôi thai, trọng lượng thai nhi, tình trạng khung xương chậu của mẹ… Căn cứ vào đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cho mẹ bầu là nên sinh mổ hay sinh thường.
6. Lần khám thai cuối cùng
Theo bác sĩ, đây là mốc khám thai quan trọng nhất trong tất cả các mốc khám thai định kỳ. Trong lần này bác sĩ sẽ tư vấn kỹ hơn về chuyện sinh nở và cho mẹ bầu một lời khuyên chính xác về chuyện sinh mổ hay sinh thường. Bên cạnh đó, trong lần khám này, bác sĩ cũng phải kiểm tra về tình trạng sức khỏe, lượng nước ối, nhau thai, sức khỏe của thai nhi, tim thai, trọng lượng thai, ngôi thai… Căn cứ vào tất cả các dữ liệu này, bác sĩ sẽ lên phương án cho ca sinh nở được thuận lợi và suôn sẻ nhất.
Nói tóm lại, khám thai là một việc rất quan trọng, do đó các mẹ bầu không nên vì lười biếng, vì thấy mình nặng nề, vì không ai đưa đón mà ngại đi khám thai. Bởi chỉ cần bạn bỏ qua một cột mốc khám thai quan trọng là đã có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và con của mình.