Bà bầu bị tiểu đường vô cùng nguy hiểm tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Tiểu đường thai kỳ hay còn gọi là đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose, có thể khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong khi mang thai. Khi mắc tiểu đường trong thời gian mang thai rất nguy hiểm đối với mẹ và bé. Vì vậy các mẹ cần thực hiện các xét nghiệm tiểu đường từ sớm để được chẩn đoán bệnh hoặc nguy cơ mắc bệnh để có những biện pháp xử lý kịp thời.
Chỉ số tiểu đường thai kỳ nguy hiểm là bao nhiêu?
Khi thực hiện đo chỉ số đường huyết thai kỳ sẽ có 2 lần khám để xác định. Cụ thể đó là:
1. Trong lần khám thai lần đầu tiên
Những mẹ bầu có nguy cơ mắc tiểu đường giai đoạn thai kỳ sẽ được chỉ định thử đường huyết lúc đói, chỉ số HbA1C hay đường huyết bất kỳ. Nếu chỉ số đường huyết lúc đói ở những mức sau đây là mẹ đã bị mắc tiểu đường:
- Nếu chỉ số đường huyết lúc đói là > 7,0mmol/L, HbA1c > 6,5%, đường huyết ngẫu nhiên > 11,1mmol/L thì mẹ bầu được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ lâm sàng.
- Nếu chỉ số đường huyết lúc đói từ 5,1 đến 7,0mmol/L mẹ bầu được chẩn đoán là mắc tiểu đường thai kỳ.
- Nếu chỉ số đường huyết lúc đói < 5,1mmol/L thì mẹ bầu cần đợi tới tuần 24 - 28 để làm nghiệm pháp dung nạp glucose để chẩn đoán.
2. Khám trong tuần từ 24 - 28 của thai kỳ
Đối với mẹ bầu có chỉ số đường huyết lần đầu < 5,1mmol/L sẽ được thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose.
Cách thực hiện: Bác sĩ đo nồng độ glucose trong máu khi đói. Sau đó mẹ bầu được cho uống 75g glucose. Sau 1 - 2 tiếng bác sĩ sẽ lấy máu để đo nồng độ glucose. Kết quả với các chỉ số:
- Nếu chỉ số glucose trong máu lúc đói > 7,0mmol/L được chẩn đoán là mắc tiểu đường lâm sàng.
- Mẹ bầu được chẩn đoán là mắc tiểu đường thai kỳ nếu đáp ứng một trong 3 chỉ số:
Lúc đói ≥ 5,1 mmol/L
Thời điểm 1h sau uống ≥ 10,0 mmol/L
Thời điểm 2h sau uống ≥ 8,5 mmol/L
Lưu ý: Nếu cả 3 thông số đều nhỏ hơn các giá trị trên thì mẹ bầu hoàn toàn bình thường.
Mẹ bầu được lấy máu đo chỉ số đường huyết thai kỳ. (Ảnh minh họa)
Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm thế nào với mẹ và bé
Tiểu đường khi mang thai nguy hiểm với các mẹ và bé, bệnh có thể ảnh hưởng lớn tới quá trình mang thai, phát triển của thai nhi.
- Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đối với mẹ
Mẹ có thể bị tăng nguy cơ chấn thương vùng lưng, gãy xương, trật khớp khi thai nhi phát triển to dần lên.
Mẹ bị tiểu đường trong giai đoạn mang thai có nguy cơ bị tiền sản giật cao gấp 4 lần người bình thường.
Mẹ dễ bị sảy thai hoặc thai chết lưu hơn. Khả năng sinh non, sinh mổ cũng cao hơn.
Ngoài ra, mẹ cũng dễ gặp các biến chứng sản khoa khác như rối loạn tăng huyết áp, sang chấn trong đẻ, chảy máu trong đẻ, tỷ lệ nhiễm khuẩn tăng.
Tiểu đường trong giai đoạn mang thai ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé. (Ảnh minh họa)
- Ảnh hưởng của tiểu đường khi mang thai đối với bé
Trẻ mới sinh rất dễ bị thừa cân, béo phì, dễ mắc các bệnh về hô hấp hơn so với những trẻ bình thường.
Nguy cơ bị dị tật bẩm sinh rất cao. Trẻ cũng dễ bị tụt canxi ngay khi chào đời.
Mẹ bầu cần làm gì hạn chế nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ
- Mẹ bầu cần ăn uống khoa học, lành mạnh, nên chọn thực phẩm giàu chất xơ, ít béo và calo, bổ sung nhiều hoa quả, rau xanh.
- Mẹ nên thường xuyên vận động, đi bộ, đi bơi… tránh ngồi lỳ một chỗ.
- Duy trì cân nặng ở mức lý tưởng trước khi mang thai bởi thừa cân là nguyên nhân lớn dẫn đến bệnh.