Đã hơn một tháng nay kể từ ngày xuống Hà Nội điều trị khối u và giữ con, chị Lù Thị Trình (20 tuổi), là người dân tộc Nùng, ở huyện vùng cao Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang không đêm nào ngủ tròn giấc do khối u và thai mỗi lúc một to gây khó thở.
Phía bên ngoài hành lang của bệnh viện, với gương mặt buồn bã, đôi mắt thâm quầng sau nhiều đêm không ngủ, anh Lèng Seo Cảnh (23 tuổi), chồng của chị Trình rầu rĩ kể: “Mình và bà xã kết hôn năm 2019, cưới xong vợ mang bầu nhưng chỉ được vài tháng thì không may bị sảy thai. Ngày tiến hành thủ thuật lấy thai ra thì bác sĩ phát hiện trong người vợ mình có khối u. Chờ hồi phục sức khỏe, một thời gian sau đó cô ấy được bác sĩ tiến hành xử lý khối u. Sau ngày ấy Trình khỏe mạnh trở lại, không ngờ đến lúc mang bầu bé này khối u lại tái phát và đe dọa tính mạng của cả vợ và con mình”.
Nằm trên giường bệnh, gương mặt chị Trình tái nhợt và mệt mỏi. Để đứa con trong bụng tránh bị khối u đang một ngày một lớn chèn ép, chị phải luôn kê một chiếc gối bên hông. Đã gần 1 tháng nay, thai phụ này phải sống trong tư thế khó nhọc như vậy. Hay tin có thể sẽ được mổ bắt em bé vào tuần tới, chị chỉ biết đếm từng giờ trôi qua để có thể được một lần ôm con trong tay.
Chị Lù Thị Trình (20 tuổi) phát hiện khối u tái phát khi mang thai được 3 tháng.
Ngước ánh nhìn vào phía giường bệnh nơi vợ mình đang nửa ngồi nửa nằm, anh Cảnh tâm sự: "Ngày mới mang bầu Trình khỏe mạnh lắm, cô ấy chẳng ốm nghén gì, thậm chí vẫn leo đồi làm nương rẫy bình thường, thế mà mang bầu đến 12 tuần, cơn bão bệnh tật lại ập đến với hai mẹ con".
Đó là một ngày giữa của tuần thai thứ 12, trong một lần thấy hơi đau nhức cơ thể chị Trình được chồng chở đi khám định kỳ. Tại bệnh viện vợ chồng chị đã lặng người khi bác sĩ nói phát hiện có khối u và được khuyên đình chỉ thai để chữa bệnh. Tuy nhiên vì tình yêu thương con quá lớn chị đã không cho phép bản thân bỏ con, sợ con bị ảnh hưởng nên chị cũng không uống bất cứ loại thuốc nào để điều trị khối u.
Chỉ đến khi thai kỳ sang tuần 26 khi khối u phát triển nhanh khiến chị Trình không còn chịu được đau đớn nữa, gia đình mới vay mượn đưa chị đi bệnh viện. Tại bệnh viện tỉnh Hà Giang, chị được làm thủ tục chuyển tuyến Trung ương, đầu tháng 3 chị vào bệnh viện Bạch Mai với hy vọng có thể cứu chữa. Tuy nhiên, do đang giai đoạn dịch viêm phổi bùng phát, bệnh viện Bạch Mai lại được phát hiện cùng lúc nhiều ca mắc COVID-19, để không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh chị được chuyển tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Xanh Pôn rồi sau đó là khoa Ung bướu – Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.
Hai tuần trở lại đây, do khối u chèn to phía bên phải bụng nên chị Trình bị phù hết phía chân phải không thể di chuyển được mà chỉ ngồi một chỗ. Trong hơi thở đứt quãng, chị nói: “Mấy hôm nay em đau lắm, không ngủ được, bác sĩ nói khối u ở tiểu khung quá lớn đã hơn 20cm, chèn ép gây phù nề chân phải. Em không biết là mình có qua khỏi không nữa. Nhưng cầu trời cho em đứa con này, trước em đã bị sảy thai một lần rồi, xin mọi người hãy cứu con em. Chỉ cần một lần được ôm con trong lòng, em có chết cũng mãn nguyện lắm rồi”.
Đã một tháng nay chị không thể ngủ được do khối u và thai to lên làm chị khó thở.
Kể từ khi bệnh của chị trở nặng, anh Cảnh không còn đi làm thuê làm mướn được vì phải đưa vợ đi bệnh viện, giờ đây hoàn cảnh càng trở nên éo le hơn gấp nhiều lần.
Theo các bác sĩ phụ trách điều trị cho chị Trình, khối u chị trước đã được chọc sinh thiết ở Hà Giang cho kết quả có tế bào ung thư, nhưng chưa được cắt bỏ. Hiện tại khối u quá lớn cần phẫu thuật càng sớm càng tốt để cứu mẹ, nhưng nếu phẫu thuật sớm lại khó cứu được em bé.
Đây là một trường hợp rất phức tạp và nguy hiểm, được chuyển từ nhiều bệnh viện trước khi đến Việt Đức, bệnh nhân cần một quá trình điều trị rất dài và vô cùng tốn kém, hiện tại chưa thể ước tính được. Trong khi bệnh nhân là người dân tộc thiểu số ở huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, có hoàn cảnh rất khó khăn, vì lo sợ không đủ kinh phí, nên người chồng đã mấy lần xin cho vợ về nhà.
Dù mệt mỏi trông thấy nhưng đi từ phía ngoài cửa buồng bệnh vào anh Trình vẫn cố tỏ ra cứng rắn, mạnh mẽ để làm chỗ dựa, tiếp sức cho vợ vượt qua cửa ải khó khăn này. Dù không nói ra nhưng nhìn anh ai cũng nhận ra tình yêu thương vô bờ bến mà anh dành cho vợ con.
Cả anh Cảnh và chị Trình đều còn rất trẻ, hai vợ chồng còn rất nhiều ước mơ về ngôi nhà có đầy đủ các thành viên, hy vọng các nhà hảo tâm đồng hành cùng gia đình sản phụ Lù Thị Trình để chị có thể chiến bằng bệnh tật, đón con yêu chào đời và được trở về bên mái ấm của mình.