Sau 4 tháng sinh, dù vất vả vì phải một mình chăm con nhưng chị Nguyễn Thị Hải Ninh (36 tuổi, Hải Phòng) hài lòng với cuộc sống bên ông xã Ai Cập - Amro Ali Ahmed Hussien Badr và con trai.
Tổ ấm nhỏ của chị Ninh và ông xã Ai Cập.
Chị Ninh sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Chị làm ngân hàng còn anh Amro – người Ai Cập sang Việt Nam được 3 năm, hiện tại đang là giáo viên dạy tiếng Anh ở Hải Phòng.
Anh chị gặp nhau trong một buổi đi chơi chung. Ban đầu chị Ninh chẳng mảy may để ý đến anh Amro vì anh không phải gu chị. Thế nhưng khi anh Amro theo đuổi, thấy anh là một người tốt với bạn bè, gia đình và mọi người xung quanh nên chị dần thay đổi suy nghĩ.
“Ấn tượng của mình khi gặp anh là ôi sao cao to thế. Anh luôn làm mình ngạc nhiên và quan tâm từ những điều nhỏ nhất. Khi còn yêu nhau, có những hôm 11-12h đêm đang nói chuyện điện thoại anh bảo mình ra ngoài. Mình còn chưa hiểu tại sao đi ra đã thấy anh đứng ngoài ngõ chỉ để mang cho mình thanh socola hoặc món ăn gì đó mình thích. Những ngày lễ tết, ngày của mẹ, ngày của phụ nữ, anh luôn dành sự quan tâm cho mẹ mình và gia đình mình”, chị Ninh chia sẻ.
Ông xã Ai Cập mang đến cho chị nhiều điều thú vị khi yêu.
Chị Ninh bộc bạch, chị luôn thích cuộc sống tự do không ràng buộc, ngay cả khi gặp anh Amro cũng vậy. Chị chưa nghĩ đến chuyện kết hôn nhưng khi có sự xuất hiện của con trai, chị và anh Amro đã quyết định xây dựng gia đình để cho con có một tổ ấm đầy đủ.
Thời gian đầu sau khi kết hôn, chị Ninh khá lo lắng vì văn hóa, ngôn ngữ và nhiều thứ khác nhưng chị cảm thấy có một điều may mắn là anh Amro không quá sùng đạo nên không yêu cầu chị phải theo đạo của anh.
“Mình và anh ấy có em bé mới bắt đầu làm giấy tờ kết hôn đi ngược lại truyền thống người Việt luôn. Cả 2 chưa tổ chức lễ cưới mà chỉ đăng ký kết hôn và sống cùng nhau”, chị Ninh cho hay.
Chia sẻ cảm xúc khi nhận tin vui con đến, chị Ninh cho biết, chị vừa lo lắng vừa hạnh phúc. Chị hạnh phúc vì có một sinh linh bé nhỏ đang lớn dần còn lo lắng vì cả 2 anh chị chưa sẵn sàng cũng như chuẩn bị tâm lý để làm cha mẹ. Anh chị không biết mình có thể chăm sóc tốt cho con không, có cho con được môi trường sống tốt không. Chưa kể thời gian làm việc của cả 2 khác nhau, chị làm ngân hàng sáng đi tối về còn anh Amro dạy tiếng anh chỉ làm buổi tối nên gần như khoảng thời gian cả 2 dành cho nhau chỉ là sau 9h tối.
“Thời gian đầu mình mang thai, anh vẫn quan tâm lo lắng cho 2 mẹ con nhưng cuộc sống gia đình không tránh khỏi những lúc to tiếng. Vì cả 2 chưa chuẩn bị tâm lý nên mang bầu ở những tháng cuối mình từng stress vì công việc vì chồng và muốn ly hôn.
Do tính chất công việc mình bận vào cuối năm, có hôm 12h mới về mà không nhận được sự quan tâm từ chồng. Ban ngày minh đi làm khi chồng ngủ, chồng đi làm mình mới về và khi chồng về mình đã ngủ nên thời điểm đó cả 2 vợ chồng không có tiếng nói chung. Thêm nữa vợ chồng mình mới bước vào cuộc sống hôn nhân nên chưa biết cách để cân bằng mọi thứ.
Về sau mình quyết liệt trong vấn đề ly hôn nên anh dần thay đổi, không ra ngoài chơi nhiều nữa, quan tâm đến mình nhiều hơn”, chị Ninh tâm sự.
Cả thai kỳ chị tăng 9kg.
Thời gian mang bầu có những thời điểm áp lực vì công việc, vì chồng nhưng chị luôn nghĩ để tâm trạng vui vẻ, phải chăm sóc tốt cho bản thân để em bé phát triển thật tốt và để con sinh ra là một em bé luôn cười.
Chia sẻ về chế độ dinh dưỡng của mình, chị Ninh cho biết, những tháng đầu tiên chị ăn uống bình thường, chỉ ăn thêm bữa phụ vào tầm chiều. Sang tháng thứ 4 chị bắt đầu nghén, ăn gì cũng nôn nên gần như chị chỉ uống sữa, ăn các loại hạt và hoa quả là chủ yếu. Giai đoạn này chị cố gắng ăn 2 bữa với cơm nhưng vì ăn vào là nôn hết nên chị bị sụt cân. Sang 3 tháng cuối thai kỳ chị không bị nghén nữa nên duy trì 3 bữa chính, 2 bữa phụ vào chiều và tối với đa dạng thực phẩm. Ngày nào chị cũng uống nước dừa, sữa, hoa quả, sữa chua, bổ sung vitamin, hạn chế ăn tinh bột. Nhờ vậy mà chị tăng 9kg cả thai kỳ, lên bàn mổ chỉ nặng 54kg.
Mặc dù tăng 9kg cả thai kỳ nhưng em bé nhà chị Ninh và anh Amro luôn vượt chuẩn. Vì quá dự sinh 3 ngày không có cơn đau đẻ cũng không có dấu hiệu sinh, hơn nữa thai to nên bác sĩ đã khuyên chị mổ chủ động lấy thai.
Vậy là chị cùng anh Amro vào viện làm thủ tục. Ngày đi sinh vì tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên chỉ có anh Amro ở bên cạnh chị. Còn bố mẹ chị và mẹ chồng thường xuyên gọi điện để động viên, xem tình hình thế nào. Mẹ chồng chị hỏi han rất nhiều, tuy không hiểu mẹ chồng nói gì nhưng chị biết bà cũng lo lắng cho mình như con gái bà vậy.
“Khi nằm chờ mình cũng lo lắng lắm vì sinh lần đầu chưa có kinh nghiệm gì cả. Anh luôn động viên bảo mình yên tâm anh sẽ luôn bên cạnh, mọi chuyện sẽ ổn thôi. Khi đến giờ sinh anh chỉ đi cùng mình được đến khu phòng mổ rồi phải đứng ngoài. Trước khi vào anh ôm mình và bảo yên tâm anh sẽ chờ mình ngoài này.
Nằm trên bàn mổ mình bắt đầu thấy run nhưng được các y tá và bác sĩ mổ chính động viên nên cũng đỡ sợ hơn phần nào. Em bé chào đời được tiếp xúc da kề da với mẹ rồi y tá bế bé ra ngoài cho bố cắt rốn. Bác sĩ khen em bé trộm vía nhìn đẹp trai hơn bố”, chị Ninh cười nhớ lại ngày đi sinh của mình.
Bé nhà chị nặng 3,9kg.
Được biết, bé nhà chị Ninh chào đời nặng 3,9kg. Hai tháng đầu sau sinh chị có bà ngoại giúp đỡ rồi sau đó tự chăm con một mình. Chia sẻ về khó khăn làm mẹ lần đầu, chị Ninh thổ lộ, anh Amro đi dạy gần như cả ngày nên không giúp chị được nhiều, một mình chị đảm đương mọi công việc.
Thời gian đầu bé nhà chị khóc ròng 1-2 tiếng có khi khóc đến 1h đêm mới vào sâu giấc. Ban ngày ngủ 30 phút rồi thức thông 2 tiếng nên chị đã rất stress. Gần 1 tháng như vậy trong khi chồng bận đi làm nên sau khi con được 3 tháng chị đã quyết định thay đổi, đưa bé vào nếp sinh hoạt. Hiện nay, bé nhà chị được 4 tháng có thể tự ngủ tất cả các giấc, ăn ngủ theo cữ giúp chị có thời gian nhiều hơn.
Hình ảnh ngộ nghĩnh của bé.
Chị Ninh cho biết, mẹ chồng chị thường hay gọi điện hỏi thăm và chia sẻ kinh nghiệm chăm con. Bà cũng chia sẻ với chị nhiều kinh nghiệm hữu ích khi bị tắc tia sữa như mát xa, hút hết sữa ra và tắm vòi hoa sen bằng nước nóng. Tuy nhiên vì nền văn hoá 2 nước khác nhau nên cũng rất nhiều thứ khác biệt trong việc ở cữ và chăm sóc bé.
Trong chuyện ở cữ, mẹ chồng chị dặn không phải kiêng gì, ăn cua ghẹ cho nhiều canxi hay ăn thịt gà, thịt bò nhiều để có nhiều sữa cho con hay gội đầu tắm luôn giữ cơ thể sạch sẽ. Trong cách chăm sóc bé, ở Ai Cập trẻ 3 tháng có thể ăn sữa chua, một ít đồ ăn dặm và có thể đi bơi dành cho trẻ sơ sinh, khi bé được 2 tháng có thể bỏ tất tay chân, mặc bodysuit dù thời tiết chưa nóng. Những điều nhỏ ấy cũng khiến chị cảm thấy khác biệt và chị luôn cố gắng dung hòa mọi thứ.
Xuống bàn đẻ chị còn 48kg. Hiện tại chị còn 46kg.
Bé nhà chị vô cùng đáng yêu.