Bé gái ra máu vùng kín trong giờ học thể dục
Con gái chị Quỳnh Hương năm nay học lớp 4 ở một trường tiểu học công lập tại TP.HCM. Chị cho biết nhìn bề ngoài, con gái chị chưa có dấu hiệu dậy thì. Tuy nhiên, một người bạn thân có con gái dậy thì sớm nên chị thường lo lắng về vấn đề này.
Khoảng 2 tháng trước, cô giáo chủ nhiệm của con gái chị gọi điện báo bé ra máu "vùng kín" trong giờ học môn thể dục. Đang ở chỗ làm, chị Quỳnh Hương vội xin nghỉ, chạy về đón con rồi đưa đến bệnh viện khám. Suốt đoạn đường đi đón con, người mẹ liên tục nghĩ chắc con gái mình đã dậy thì và có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Sau đó, chị tự trách mình không quan sát con kỹ, nên con gái mới gặp tình huống như vậy.
Nghe tin con gái ra máu vùng kín trong giờ học thể dục, chị Quỳnh Hương vừa ngại vừa lo lắng. (Ảnh minh họa)
Tại một phòng khám tư chuyên về nhi, các bác sĩ chẩn đoán bé Na không phải dậy thì. Việc bé ra máu là do bị té trong giờ học thể dục, có vật va chạm nên bị rách da gây chảy máu. Khi quan sát thấy con không còn chảy máu nữa, chị Quỳnh Hướng mới thở phào nhẹ nhõm, còn cô bé thủ thỉ với mẹ: “Con bị giày thể thao đánh trúng chỗ đó”.
Theo bác sĩ Lưu Thị Thanh Đào, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ, không chỉ bé Na, thời gian qua rất nhiều bé gái 3-15 tuổi bị tổn thương vùng kín vì sinh hoạt hằng ngày. Nguyên nhân do ở độ tuổi này, một số bé hay đùa nghịch, thậm chí chơi những trò nguy hiểm có nguy cơ tai nạn cao. Đã có rất nhiều trẻ phải cấp cứu y tế vùng nhạy cảm chỉ vì tính tinh nghịch của tuổi mới lớn.
Bác sĩ Đào kể, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần thơ cũng từng cấp cứu cho bé gái 13 tuổi bị chảy máu vùng kín, nguy cơ nhiễm trùng cao do bé chơi đùa trên cây trượt chân ngã xuống nước và bị rễ cây dưới sông đâm vào âm đạo. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị rách tầng sinh môn, chảy máu nhiều, túi cùng bên phải có vết rách kích thước khoảng 3cm, nguy cơ nhiễm trùng cao. May mắn, bé được đưa đến cấp cứu kịp nên không bị tổn thương bàng quang và bộ niệu.
Cha mẹ hãy nhẹ nhàng, tâm lý để con gái chia sẻ những chuyện thầm kín, nhất là khi con bước vào tuổi dậy thì. (Ảnh minh họa)
Từ hai trường hợp trên, bác sĩ Đào khuyến cáo phụ huynh không nên để trẻ chơi những trò nguy hiểm và cần dạy con biết tự bảo vệ mình trong sinh hoạt cũng như các buổi học thể dục ở trường. Cha mẹ cũng cần giúp trẻ giải trí lành mạnh, an toàn... Nếu không may các em bị tai nạn nên đưa đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt.
Đừng quá lo lắng về việc con dậy thì sớm
Bàn về nỗi lo của chị Quỳnh Hương về việc con gái dậy thì sớm, Ths.BS Ngô Thị Bình Lụa, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) cho rằng, hiện nay, hiện tượng trẻ dậy thì sớm đang trở nên rất phổ biến. Nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm thường là do vô căn, di truyền, béo phì và ăn uống không lành mạnh.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi nghi ngờ con đang có dấu hiệu dậy thì sớm, cha mẹ cần sớm đưa con đi khám, làm các xét nghiệm để trẻ được chẩn đoán đúng và được can thiệp kịp thời. Việc chỉ nghi ngờ, lo lắng sẽ không giải quyết được vấn đề mà dễ lan tỏa sự hoang mang tới trẻ, thậm chí khiến con đối mặt với các tình huống không hay.
Bé gái dậy thì sớm sẽ có thay đổi đáng kể về chiều cao, mọc lông mu, ngực phát triển và có chu kỳ kinh nguyệt. (Ảnh minh họa)
Để giúp con bước vào tuổi trưởng thành lành mạnh, điều các cha mẹ cần làm là chuẩn bị tâm lý, sẵn sàng giải thích cho con hiểu các thay đổi trên cơ thể mình là bình thường, ai cũng có. Việc này, cha mẹ cần sử dụng các từ ngữ chính xác, đúng với từng bộ phận trên cơ thể hay có thể lấy một tình huống trong thực tế để giải thích cho con hiểu.
Đối với bé gái, khi bước vào tuổi dậy thì, các em sẽ bỡ ngỡ, lo lắng khi xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Vì vậy, mẹ hãy dạy cho con nhận biết các dấu hiệu trên cơ thể khi sắp đến ngày hành kinh, cách sử dụng băng vệ sinh hay các dụng bảo vệ để con không bỡ ngỡ và đón nhận "ngày ấy" một cách an toàn. Để làm tốt điều này, cha mẹ hãy thường xuyên trò chuyện và làm bạn với con để bé sẵn sàng chia sẻ những chuyện thầm kín, tế nhị nhất.
Với các bé có thiên hướng sống nội tâm, ngại chia sẻ, cha mẹ, người thân hãy khuyến khích bé viết nhật ký, để bé tự giãi bày, qua đó, khuyến khích bé phát hiện những bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt và chuyện không dám chia sẻ cùng ai.
“Phụ huynh nên khuyến khích các bé gái kể lại thông tin cần thiết như thời điểm có kinh nguyệt, số ngày hành kinh, số lượng băng vệ sinh con phải sử dụng mỗi ngày, tình trạng nguyệt san, hay các triệu chứng khó chịu con gặp phải như đau bụng, căng ngực, hay mệt mỏi khó chịu ở đâu...”, bác sĩ Lụa nhấn mạnh.
Bác sĩ cảnh báo, kể từ khi con gái xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt thì bộ máy sinh sản của bé bắt đầu hoạt động nên cha mẹ càng cần quan tâm sát sao tới con hơn, hướng dẫn trẻ cách chăm sóc bản thân, bảo vệ - tự vệ cơ thể, tránh tiếp xúc gần với nam giới, đặc biệt không để người khác chạm vào "vùng kín", không để phát sinh quan hệ tình dục...
* Tên người mẹ đã được thay đổi