Mới đây, các bác sĩ Khoa Sản, Bệnh viện Đa Khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh đã cứu sống một sản phụ bị tiền sản giật nặng, băng huyết do đờ tử cung, nguy hiểm đến tính mạng. Theo đó, sản phụ được cứu sống là Nguyễn Thị Hà M (26 tuổi, trú tại xã Thạch Hưng, thành phố Hà Tĩnh).
Trước đó, chị M mang thai tuần thứ 39 có biểu hiện đau đầu, đau bụng, phù nặng toàn thân được người nhà đưa vào BVĐK thành phố Hà Tĩnh để sinh con.
Tại đây, thai phụ đã được các bác sĩ của BVĐK thành phố Hà Tĩnh chẩn đoán tiền sản giật nặng và tiến hành dùng thuốc an thần chống co giật, hạ huyết áp nhưng tình trạng bệnh nhân có diễn biến nặng nên được chuyển lên BVĐK tỉnh Hà Tĩnh để cấp cứu.
Các bác sĩ thăm khám cho sản phụ M. (Ảnh: TD)
Ngay sau khi tiếp nhận thai phụ, các bác sĩ đã tiến hành chuyển mổ cấp cứu để lấy thai ra (em bé nặng 3,7kg). Về phía sản phụ, sau khi rau bong, tử cung co kém, chảy máu nhiều, ngay lập tức sản phụ đã được các bác sĩ tiến hành xử lý các thuốc tăng co cầm máu, kiểm soát buồng tử cung bằng tay, thắt động mạch tử cung hai bên, đắp gạc ấm tử cung và theo dõi liên tục đến khi tử cung co tốt, máu ngừng chảy thì tiến hành đóng tử cung cho sản phụ.
Trên thực tế, phụ nữ mang thai bị tiền sản giật nặng, đe dọa tính mạng không phải là hiếm, thậm chí đã có nhiều thai phụ tử vong do bệnh lý này. Theo các chuyên gia y tế, tiền sản giật là rối loạn chức năng đa cơ quan liên quan đến thai nghén, chiếm tỷ lệ khoảng 2 - 10% trong toàn bộ thai kỳ. Đây là bệnh lý có nhiều biến chứng đối với cả mẹ và thai nhi, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ, tử vong chu sinh trên toàn thế giới.
Trong Tài liệu Hướng dẫn sàng lọc và điều trị dự phòng tiền sản giật do Bộ Y tế ban hành năm 2021, các chuyên gia cho biết, tỷ lệ tử vong mẹ liên quan đến tăng huyết áp trong thai kỳ nói chung và tiền sản giật chiếm khoảng 14%. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của tiền sản giật còn kéo dài sau sinh, liên quan đến các lần sinh tiếp theo và là yếu tố nguy cơ của các bệnh lý tim mạch về sau.
Những ai dễ bị tiền sản giật?
Theo TS.BS. Đinh Thúy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tiền sản giật là một bệnh lý tương đối phổ biến, xuất hiện ở tuần thai thứ 20 và có thể tới 6 tuần sau sinh. Tất cả thai phụ đều có nguy cơ mắc bệnh. 3 triệu chứng điển hình của bệnh là tăng huyết áp, protein trong nước tiểu và phù.
Các chuyên gia khuyến cáo, thai phụ nên làm sàng lọc tiền sản giật trong quá trình mang thai. (Ảnh minh họa)
Hầu hết phụ nữ bị tiền sản giật có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, tuy nhiên, một số trường hợp có các triệu chứng nặng và biến chứng như rau bong non, sản giật,... Sản giật là một trong những tai biến gây tỷ lệ tử vong mẹ rất cao.
Trong giai đoạn đầu của bệnh, thai phụ thường không có triệu chứng rõ rệt song bệnh có thể tiến triển rất nhanh. Các trường hợp có biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thai phụ nếu không được điều trị kịp thời.
Với thai nhi, tiền sản giật có thể gây sinh non. Một số trường hợp nặng sẽ gây rau bong non, thai nhi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí, tử vong trong bụng mẹ.
Một số yếu tố gia tăng nguy cơ mắc tiền sản giật như: Mang thai lần đầu; tiền sử tiền sản giật trong lần mang thai trước đây; đa thai (sinh đôi trở lên); tiền sử gia đình bị tiền sản giật; béo phì; phụ nữ mang thai trên 35 tuổi; có tiền sử bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc bệnh thận trước khi mang thai; tiền sử bệnh tuyến giáp…
Theo BS Linh, tiền sản giật có thể được sàng lọc ở giai đoạn từ tuần thai 11 đến 13 tuần 6 ngày để chỉ ra người có nguy cơ cao sẽ mắc. Khi thai phụ đến khám, sẽ được đo huyết áp, siêu âm, đo Doppler động mạch tử cung 2 bên, sau đó lấy máu để làm xét nghiệm. Qua hệ thống phần mềm tính toán nguy cơ, thai phụ được phân loại nguy cơ thấp và cao. Việc điều trị dự phòng sẽ được áp dụng với những thai phụ có nguy cơ cao.
Do đó, để dự phòng nguy cơ mắc bệnh lý này, các chuyên gia khuyến cáo, thai phụ tuyệt đối không được chủ quan với tiền sản giật. Trong quá trình mang thai, nên đi khám thai định kỳ, làm các sàng lọc trước sinh cần thiết, trong đó có sàng lọc tiền sản giật để kịp thời được theo dõi, xử trí nếu phát hiện bất thường, tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.