Hiện nay, với sự phát triển của y học, việc phòng tránh thai đã không còn là một việc gì đó quá khó khăn. Ngoài việc uống thuốc tránh thai hàng ngày ra, chị em phụ nữ còn có thể đặt vòng, cấy que, dán miếng tránh thai, tiêm thuốc tránh thai... Tuy nhiên, trên thực tế, có những trường hợp dù mẹ “phòng bị” kỹ càng, con vẫn chào đời suôn sẻ.
Ngày 4/7 vừa qua, bà mẹ Paula dos Santos Escudero Alvarez, sống ở thành phố Rio de Janeiro của Brazil, đã hạ sinh thành công con trai Bernado. Thế nhưng điều khiến cả ê-kíp đỡ sinh kinh ngạc chính là sản phụ đã đặt vòng tránh thai cách đây 3 năm nhưng vẫn mang thai và sinh con an toàn.
Bernado chào đời khỏe mạnh dù mẹ đã phòng bị kỹ càng bằng vòng tránh thai.
Theo lời bà mẹ này chia sẻ thì chị đã tìm hiểu về tác dụng của vòng tránh thai có thể lên tới 5 – 10 năm. Vì vậy, 3 năm trước, chị đã quyết định sử dụng biện pháp tránh thai này. Tuy nhiên, khoảng cuối năm ngoái, chị Paula đột nhiên phát hiện mình có thai. Chị đã bị sốc vì không hiểu mình có thai bằng cách nào khi vòng tránh thai vẫn chưa được lấy ra. Nhưng con cái là lộc trời cho, vì vậy, chị đã hạ sinh Bernado khỏe mạnh ở tuần thứ 36 nặng 3kg.
Chị Paula chia sẻ: “Bernado là một phép màu, không có rào cản nào có thể ngăn cản được con đến với thế giới. Sau khi con tôi chào đời, bác sĩ đã kéo vòng tránh thai ra và đặt vào trong tay của con. Sự xuất hiện song song này thật thú vị, rất hiếm có khiến vợ chồng tôi và cả ekip đỡ đẻ đều kinh ngạc”.
Bà mẹ 2 con cũng chia sẻ thêm rằng con đầu lòng Gabriel cũng được sinh ra khi chị đang uống thuốc tránh thai hàng ngày.
Vợ chồng chị Paula rất hạnh phúc chào đón đứa con thứ 2 của mình.
Vì sao đặt vòng tránh thai rồi mà vẫn dính bầu?
Theo thông tin từ Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh, vòng tránh thai là một dụng cụ hình chữ T được đặt vào tử cung nhằm ngăn cản quá trình thụ tinh. Biện pháp này mang lại hiệu quả tránh thai lên tới 99% và thời gian sử dụng có thể kéo dài từ 5 – 10 năm.
Cơ chế hoạt động của vòng tránh thai là giải phóng đồng vào tử cung. Đồng sẽ làm thay đổi chất nhầy ở cổ tử cung khiến tinh trùng khó có thể vào gặp trứng, bên cạnh đó, nó cũng làm cho trứng đã thụ tinh không thể làm tổ trong tử cung được.
Đặt vòng tránh thai là một biện pháp ngừa thai được rất nhiều mẹ tin dùng vì hiệu quả cao và thời gian sử dụng dài (Ảnh minh họa)
Thông thường nếu muốn có con, các mẹ sẽ phải đến bác sĩ lấy vòng tránh thai ra thì mới có thể mang bầu. Nhưng trường hợp của chị Paula lại là một trường hợp hiếm gặp. Bởi chiếc vòng chữ T này có khả năng tránh thai đến 99%, như vậy vẫn còn 1% có khả năng dính bầu.
Mặc dù nguyên nhân chính xác của hiện tượng đã tránh thai mà vẫn có bầu không được giải thích một cách chính xác, nhưng theo các chuyên gia, có một số nguyên nhân có khả năng gây ra trường hợp này như:
- Vòng tránh thai bị lệch ra khỏi vị trí: Nghĩa là thay vì nằm đúng chỗ của mình, chiếc vòng này lại “đi lạc” qua nơi khác khiến “cửa mở” và tinh trùng đã chui vào được bên trong để gặp trứng rồi thụ thai.
- Vòng tránh thai chưa phát huy tác dụng: Những loại vòng tránh thai nội tiết tố như Mirena hay Skyla cần 7 ngày mới phát huy tác dụng. Trong thời gian này, nếu chị em quan hệ không biện pháp bảo vệ thì khả năng mang thai sẽ cao.
- Vòng tránh thai bị hỏng: Nếu mẹ đã đặt và sử dụng vòng tránh thai lâu hơn khuyến cáo của nhà sản xuất thì bạn sẽ có thể dính bầu vì vòng tránh thai đã hết tác dụng.
Ngoài ra, mang thai khi đang sử dụng vòng tránh thai rất dễ dẫn đến tình trạng mang thai ngoài tử cung. Do đó, tốt nhất các chị em vẫn nên đi khám phụ khoa ít nhất 1 năm 1 lần để đảm bảo biện pháp tránh thai của mình vẫn đang phát huy tác dụng.