Người mẹ hướng dẫn con gái mình làm bài toán.
Với những bà mẹ có con đang học Tiểu học, Toán là một trong hai môn quan trọng nhất để đánh giá năng lực học tập của con. Vì vậy, các bậc phụ huynh luôn cố gắng đầu tư cả thời gian và tiền bạc để con mình có thể được trau dồi thật nhiều kiến thức toán học.
Gần đây, một đoạn clip ghi lại khoảnh khắc một người mẹ dạy con học Toán đang gây sốt trên mạng xã hội.
Cụ thể, trong đoạn clip người mẹ đang hướng dẫn con mình cách làm bài toán 13x7 (một dạng bài toán ở lớp 3). Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ người mẹ sẽ dạy con cách tính nhẩm hay một mẹo tính toán nhanh thần kỳ nào đó. Tuy nhiên, sau một hồi nhân nhân cộng cộng, người mẹ lại cho ra kết quả là ... 28 trong khi ai cũng có thể dễ dàng tính nhẩm và cho ra kết quả là 91.
Theo như lời người mẹ này, để giải bài toán, con gái mình cần lấy mỗi chữ số nhân riêng lẻ với 7, tức là lấy 3 nhân 7, 1 nhân 7, rồi lấy kết quả lại cộng với nhau tức là 21+7= 28. Khi thấy con bảo sai, người mẹ chứng minh bằng cách lấy 28 chia lại cho 7.
Lúc này, người mẹ lại tách tiếp từng số ra không phân biệt hàng chục hay đơn vị để chia. Thay vì lấy 20 chia cho 7 thì người mẹ lại lấy 2 chia 7 và nói... không chia được nên nhớ sang một bên, sau đó lại tiếp tục lấy 8 chia 7 được 1 (dư 1).
Người mẹ lại lấy số dư 1 cộng với số 2 đầu tiên ra 3 rồi thế vào đáp án để được kết quả cuối cùng là 13. Khác hoàn toàn với bảng cửu chương ta từng học là 28 chia bảy rõ ràng bằng 4.
Chính cô con gái cũng thấy có gì đó “sai sai”.
Chưa hết, vị phụ huynh chẳng hiểu kiểu gì cứ tiếp tục chứng minh ngoằn ngoèo nhưng cuối cùng vẫn quy về chứng minh được 13 nhân 7 là 28 bằng cách tách 7 lần số 13 ra nhưng lại cộng từng số 1 và số 3 với nhau để cho ra 28.
Không ít người dùng mạng xã hội đã phản pháo clip này và cho rằng người mẹ đang cố tình bóp méo và dạy sai con các phép toán thông thường. Cách làm này vô tình ảnh hưởng đến tư duy toán học của con, nhất là với con nít đang độ tuổi tiểu học rất dễ học theo người lớn.
Biết rằng người mẹ này chỉ quay clip "chơi cho vui" nhưng nếu không cẩn thận thì rất dễ để con hổng kiến thức trầm trọng.
Thực tế, độ tuổi Tiểu học, trẻ học hỏi và tiếp thu kiến thức rất nhanh, kiến thức cũng khá đơn giản nên đây là thời điểm cha mẹ có thể tự kèm cho bé học tại nhà. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải cha mẹ nào cũng có thể thành công trong vai trò người giúp đỡ trẻ học, do những nguyên nhân sau đây.
Cha mẹ thiếu sự chuyên tâm
Nhiều cha mẹ trong khi kèm lại tranh thủ đọc tin, lướt mạng xã hội, thậm chí là xem tivi, bởi lý do "đi làm đủ mệt rồi, chỉ muốn thư giãn". Điều này làm sao nhãng, khiến trẻ mất tập trung, từ đó, chất lượng học của trẻ sút giảm. Theo các chuyên gia, nên dành cho con một chỗ học yên tĩnh, xa tivi, xa chỗ ồn ào. Bạn ngồi cùng một phòng con, nhưng con trong khi con tập trung làm bài, cha mẹ có thể đọc sách. Khi cha mẹ thể hiện sự nghiêm túc, tập trung với công việc đọc sách của mình, trẻ cũng chuyên tâm theo.
Cha mẹ bắt trẻ học không ngừng nghỉ
Trẻ em hiếu động, không khó hiểu khi chúng ngồi học mà hết ngứa chân tay, đầu tóc, rồi lại khát nước, đói bụng... Vì thế, nên cho trẻ thời gian nghỉ ngơi giữa buổi học. Việc "nghỉ giải lao" ngắn cũng giúp cơ thể trẻ vận động nhẹ nhàng, tránh buồn ngủ khi học bài.
Cha mẹ kè kè giám sát con
Về bản chất, cha mẹ giám sát kè kè bên con là nhu cầu của cha mẹ: muốn con làm bài đúng, trình bày đẹp, muốn đảm bảo con không khát nước, đói bụng... Trong khi đó, đứa trẻ đã được trang bị kiến thức trong buổi học trên lớp, và có thể tự mình giải quyết những nhiệm vụ được giao khi về nhà, dù đương nhiên kết quả có thể có đúng, có sai, có đẹp, có xấu. Việc cha mẹ can thiệp quá mức vào việc làm bài tập của con làm giảm tính độc lập của chúng, giảm khả năng chủ động làm bài tập, dần hình thành tâm lý cha mẹ giục mới làm bài, chỗ nào khó lại ì èo đòi cha mẹ giảng.
Cha mẹ hãy để con tự làm bài tập theo khả năng của chúng, động viên con tự tìm cách giải bài. Khi chúng hoàn tất bài, bạn sẽ giúp con rà soát, chỉ cho con những lỗi sai, từ đó trẻ có thể hiểu được bản chất vấn đề và không lặp lại lỗi tương tự. Khi con gặp khó, cần hỗ trợ, cha mẹ nên gợi mở bằng những câu hỏi khuyến khích sự tìm tòi, khuyến khích sự tò mò, để trẻ tự lần tìm ra cách giải bài phù hợp.
Cha mẹ áp đặt tư duy người lớn vào tư duy đứa trẻ
Đây là sai lầm phổ biến của nhiều cha mẹ. "Tại sao dễ thế này mà không hiểu?", "Tại sao chỉ mãi không biết làm?" là những câu phổ biến mà nhiều cha mẹ thốt lên. Điều này làm trẻ dễ dàng cảm thấy áp lực, sinh ra tâm lý sợ sệt mỗi khi học cùng cha mẹ, đồng thời trẻ cũng sẽ không dám hỏi lại những điều chúng chưa hiểu.