Vợ chồng chị Phạm Hoàng Lan (ở Bình Dương) đang có con gái nhỏ hơn 2 tuổi. Ở tháng thứ 13, con gái chị ăn uống ngon miệng nhưng tăng cân chậm, hay bị tiêu chảy và chướng bụng. Điều này làm chị Lan và chồng lo lắng, nhưng không biết nguyên nhân do đâu.
Chị cho biết, từ khi con chào đời, lúc nào vợ chồng chị cũng chăm sóc kỹ, tắm rửa sạch sẽ, lựa chọn các thực phẩm đảm bảo chất lượng rồi chế biến cẩn thận cho bé ăn. Các vật dụng như bình sữa, bát đĩa, thìa… cho con ăn dặm chị cũng rửa và khử khuẩn sạch.
Khi quan sát kỹ, chị thấy mỗi lần ngồi chơi, con gái thường xuyên bỏ các đồ vật cầm được vào miệng và cho tay vào miệng khi chạm đất, cầm các đồ dùng rơi xuống đất. “Gia đình tôi có nuôi chó. Xung quanh nhà có nhiều cây cối, hàng xóm nuôi chó mèo nhiều. Trong gia đình, nhiều người thường xuyên đi chân đất nữa”, chị Lan chia sẻ.
Kết quả xét nghiệm cho thấy con gái chị Lan bị nhiễm giun sán.
Sau khi tìm hiểu thông tin, chị thấy các triệu chứng của con giống như nhiễm giun sán nên quyết định đưa bé đi khám, làm các xét nghiệm ở một phòng khám tư. Các kết quả cho thấy con gái chị Lan bị nhiễm giun, sán (giun lươn và sán dây chó).
Do bé còn quá nhỏ, bác sĩ không cho thuốc uống, chỉ hướng dẫn vợ chồng chị Lan theo dõi, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh xa vật nuôi trong nhà trong vòng 6 tháng. May mắn, nhờ làm theo hướng dẫn của bác sĩ, 6 tháng sau đi làm xét nghiệm lại, con gái chị Lan đã hết bệnh.
ThS.BS Huy Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, cho biết, Khoa Truyền nhiễm tại bệnh viên cũng từng tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi 3 tuổi bị nhiễm giun sán do trong nhà nuôi chó mèo như con gái chị Lan. Bệnh nhi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt, nôn ói, đau đầu dữ dội. Sau 20 ngày điều trị bằng thuốc, bệnh nhi hết các triệu chứng bệnh và được xuất viện.
Theo bác sĩ Thanh, nhiễm giun, sán là một trong những bệnh phổ biến nhất ở nước ta. Đa số người nhiễm bệnh có nguồn gốc từ thú nuôi, thú hoang dã và các yếu tố nguy cơ: tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt, vệ sinh môi trường... Ấu trùng giun, sán khi xâm nhập vào cơ thể người bệnh sẽ di chuyển qua niêm mạc ruột vào tuần hoàn máu đến hệ thần kinh trung ương như não, tủy sống và rễ dây thần kinh gây nên bệnh cảnh lâm sàng của viêm màng não mềm.
Các vật nuôi trong gia đình như chó, mèo... có thể làm trẻ dễ bị nhiễm giun sán. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Thanh cho biết, tùy nguyên nhân, mỗi người bệnh sẽ có bệnh cảnh lâm sàng khác nhau như: chán ăn, khó ngủ, khóc đêm, nổi mề đay, đau bụng, đau đầu, ăn không ngon… Với những người nhiễm bệnh nặng hơn có thể gây thiếu máu, chậm lớn, xuất huyết tiêu hóa, viêm màng não...
Để phòng ngừa giun sán cho trẻ, bác sĩ Thanh khuyến cáo cha mẹ phải thực hiện tốt các điều sau:
- Cha mẹ cần cho con ăn chín uống sôi.
- Dạy trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay chơi đùa với chó mèo. Người lớn cũng cần thực hiện việc này trước khi chế biến thức ăn hay cho trẻ ăn, sau khi vệ sinh cho trẻ...
- Giữ vệ sinh cá nhân, cắt móng tay, móng chân ngắn, không để trẻ đi chân đất.
- Phân của trẻ cần phải được xử lý, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Không để trẻ ngồi dưới đất, nhất là không mặc quần thủng.
- Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác.
- Không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân.
- Cần tẩy giun cho chó, mèo định kỳ theo khuyến cáo của bác sỹ thú y.
- Khi trẻ nhỏ có các biểu hiện nôn ói, đau đầu dữ dội, táo bón... cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để làm các xét nghiệm tầm soát bệnh do ký sinh trùng gây ra.
* Tên nhân vật đã thay đổi.