Niềm hạnh phúc lớn nhất của người làm cha, làm mẹ là từng ngày được chứng kiến những khoảnh khắc trưởng thành của con: Biết đi, biết chạy, biết nói… Với con trẻ, những cột mốc này đều là những thử thách khó khăn mà con phải đối mặt. Thế nhưng có cha mẹ ở bên cạnh cỗ vũ và đồng hành, con mới có thể dũng cảm vượt qua nỗi sợ khi phải trải qua những điều mình chưa từng biết.
Thế nhưng, nếu như cha mẹ dạy con đối diện với nỗi sợ hãi không đúng cách, có thể trẻ sẽ có những ám ảnh tâm lý và trở nên nhút nhát về sau. Giống như bà mẹ trong một clip mới được chia sẻ trên MXH tại Trung Quốc dưới đây là một ví dụ điển hình. Cách xử lý quá cứng rắn của người mẹ đã khiến cư dân mạng có những bình luận trái chiều.
Cô con gái nhỏ đối diện với nỗi sợ hãi khủng khiếp từ những chiếc bậc thang.
Cụ thể trong đoạn video, bà mẹ trẻ đang cố gắng dạy con gái chừng 2 - 3 tuổi bước xuống bậc cầu thang khá cao. Có vẻ như đây là lần đầu tiên cô bé phải đối diện với chuyện này nên rất rụt rè và sợ hãi. Trước nỗi sợ khủng khiếp là những chiếc bậc thang, cô con gái đưa tay nhờ sự trợ giúp của người mẹ. Ngược lại, người mẹ thấy vậy đã buông tay con đi xuống trước vài bậc thang.
Xung quanh, dòng người qua lại rất đông và ai cũng chú ý vào cô bé đang sợ hãi trước những bậc cầu thang cao lớn. Điều này làm bé gái càng hoảng, bắt đầu khóc lớn đòi bế. Thế nhưng người mẹ lòng không chút lay động, tiếp tục yêu cầu con tự đi xuống và kiên nhẫn đứng đợi. Cô nói với con một cách kiên định: "Con tự bước xuống đi!".
Thái độ kiên quyết của người mẹ khiến cô bé phải bước từng bước xuống.
Một hồi rất lâu sau khi chần chừ và đấu tranh tư tưởng, bé gái vừa khóc vừa bước xuống được một bậc thang rồi dừng lại. Người mẹ lại khuyến khích con vượt lên nỗi sợ, bước xuống thêm một bậc nữa. Cứ như vậy, người mẹ kiên nhẫn đưa con gái từng chút một đi hết các bậc cầu thang.
Dù cuối cùng con gái cũng bước xuống hết các bậc thang nhưng đã vô cùng hoảng loạn và khóc lớn. Nhìn thấy con gái khóc, người mẹ mặc dù cảm thấy rất thương con nhưng để con gái có thể bước xuống cầu thang một cách tự lập thì không còn cách nào khác.
Mọi người xung quanh đều để ý đến hai mẹ con.
Đoạn clip này sau khi chia sẻ trên MXH Trung Quốc đã khiến nhiều người cảm thấy tức giận trước thái độ cứng nhắc của người mẹ. “Xử lý cứng nhắc giữa nơi đông người như vậy có thể càng gây tác động tiêu cực đến con gái mà thôi”, “Dọa con vậy sau này làm sao con can đảm được nữa”, “Bước xuống hết bậc cầu thang như trẻ sẽ gặp sang chấn tâm lý mất”, “Con còn quá nhỏ, nếu mẹ có thể nắm tay con gái cùng đi thì tốt hơn hơn”, “Vượt qua sợ hãi không phải chuyện một sớm một chiều"....
Có thể con sẽ ám ảnh tâm lý sau này vì mẹ quá kiên quyết.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cách làm của người mẹ khá hay, vì không dễ để giữ được bình tĩnh và thái độ kiên quyết giữa những ánh mắt soi mói của mọi người xung quanh. Thực tế, nếu con không dũng cảm tiến được bước đầu tiên thì mãi mãi sẽ không bao giờ có thể phát triển hoặc vượt qua được sợ hãi hay khó khăn. Chính vì vậy người mẹ này đã áp dụng cách giáo dục cứng rắn với hy vọng con gái sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Thực tế, trẻ em có rất nhiều nỗi sợ hãi vì thế giới xung quanh còn khá mới mẻ đối với chúng và việc học hỏi, khám phá, vượt qua nỗi sợ là cách bé trưởng thành. Thậm chí, trẻ có rất nhiều nỗi sợ hãi tưởng chừng như… “ngớ ngẩn”, dù vậy cha mẹ đừng chủ quan vì điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý và sự hình thành nhân cách của trẻ sau này. Dưới đây là những điều cha mẹ có thể làm để ủng hộ con tự vượt qua nỗi sợ của bản thân:
Ngừng cổ vũ con theo kiểu “đừng sợ”, “có gì đâu mà sợ”
Ngừng cổ vũ con theo kiểu “đừng sợ”, “có gì đâu mà sợ”. (Ảnh minh họa)
Nói con đừng sợ hoặc cấm sợ hãi một cách ngớ ngẩn không phải là cách hiệu quả giúp con vượt qua. “Sợ hãi” là một cảm giác cần thiết, để con biết điều gì là nguy hiểm về sau, do đó hãy dạy con cách chấp nhận nỗi sợ hãi như một phần của thực tế. Việc vượt qua nỗi sợ hãi là rất quan trọng nhưng cũng cần nhớ rằng có một số nỗi sợ hoàn toàn hợp lý và lành mạnh.
Muốn con can đảm hơn, hãy cho con biết có những nỗi sợ hãi con cần đối diện và học hỏi từ nó để làm tốt hơn trong những lần tiếp theo thay vì áp đặt nỗi sợ hãi của con bằng suy nghĩ của người lớn và gạt phắt đi.
Giúp con xác định nỗi sợ hãi thực sự
Giúp con xác định nỗi sợ hãi thực sự. (Ảnh minh họa)
Một số bộ phim, chương trình truyền hình và một số quyển sách có thể làm con sợ. Thật dễ lẫn lộn giữa chuyện có thật và chuyện tưởng tượng. Con nói sợ những quái vật dưới gầm giường, nhưng thực tế đang sợ quái vật đi ra khỏi gầm giường và làm hại mình. Như vậy, con đang không xác định đúng nỗi sợ, có thể trở thành những cơn ác mộng kinh khủng vào ban đêm.
Hãy giúp con hiểu được điều đó và cùng con giải quyết vấn đề, khuyến khích con suy nghĩ về kết quả tích cực sau khi con vượt qua nỗi sợ. Đôi khi trẻ con tập trung quá vào nỗi sợ mà không nhìn thấy những thứ xung quanh, dẫn đến có cái nhìn lệch lạc về vấn đề nên rất cần sự “tư vấn” kịp thời của cha mẹ.
Cần nhiều bước nhỏ để con vượt qua sợ hãi
Đôi khi cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ là nhảy thẳng vào nó nhưng cũng có lúc giải quyết một cách chậm rãi và nhẹ nhàng lại tốt hơn. Nếu nỗi sợ đang áp đảo tâm trí con, hãy cho thấy con có thể chinh phục theo từng bước nhỏ và chỉ chuyển sang bước tiếp theo khi đạt được mức độ thoải mái nhất định.
Lập kế hoạch các bước để con thấy rõ những gì sẽ xảy ra và đừng gây bất ngờ vì con sẽ không tin tưởng cha mẹ vào những lần sau. Cha mẹ nên cổ vũ khi trẻ thực hiện điều gì đó lần đầu tiên nhưng chứng tỏ được tinh thần trách nhiệm cũng như tính độc lập và đừng quên những phần thưởng khi trẻ có tiến bộ.
Thường xuyên nhắc con không cô đơn
Thường xuyên nhắc con không cô đơn. (Ảnh minh họa)
Hãy giải thích để con hiểu rằng không phải đối mặt với nỗi sợ hãi một mình mà luôn có cha mẹ đồng hành bên con, giúp con tự tin tiến lên phía trước. Tuy nhiên điều này dễ khiến nhiều bậc phụ huynh có xu hướng luôn tỏ ra bảo vệ con mình quá mức, trẻ sẽ có khuynh hướng cái gì cũng sợ.
Ngoài ra, nếu nỗi sợ hãi nơi trẻ gây cản trở sâu sắc đến cuộc sống hàng ngày của chúng cũng như của gia đình, và cứ tiếp diễn mặc dù cha mẹ đã tiến hành nhiều cách thức để hỗ trợ trẻ vượt qua nỗi sợ hãi đó, cha mẹ nên nhờ các nhà chuyên môn về tâm lý tư vấn để có hướng giải quyết thích hợp và hiệu quả hơn.