Nhiệt kế thủy ngân là vật dụng mà hầu hết các gia đình đều có để đo được chính xác nhiệt độ khi các bé bị sốt. Tuy nhiên vật dụng này cũng khá nguy hiểm, các mẹ cần phải để xa tầm tay trẻ em.
Chị Tiểu Hồng (Trung Quốc) mới đây chia sẻ một câu chuyện đau lòng xảy đến với con trai của chị. Đứa trẻ sau khi đi học mẫu giáo về kêu khó chịu, đau đầu. Lo lắng con trai đã bị sốt nên Tiểu Hồng lấy nhiệt kế thủy ngân để đo nhiệt độ cho cậu nhóc.
Tuy nhiên trong lúc Tiểu Hồng chuẩn bị các thứ khác thì con trai Tiểu Hồng đã không may làm rơi vỡ mất nhiệt kế thủy ngân xuống sàn nhà. Lo lắng mảnh thủy tinh từ nhiệt kế thủy ngân sẽ làm con bị thương nên Tiểu Hồng vội vàng lấy chổi quét những mảnh thủy tinh dưới đất và cẩn thận lấy cây lau nhà lau một lần nữa. Sau đó Tiểu Hồng dặn con ở nhà ngoan để chị ra ngoài cửa hàng mua chiếc nhiệt kế khác.
Trước khi ra ngoài, Tiểu Hồng đóng hết cửa sổ và đóng cả cửa nhà lại để đảm bảo an toàn và cho con không bị cảm lạnh. Kết quả khi Tiểu Hồng trở về nhà lại thấy con có nhiều biểu hiện tồi tệ hơn, bé kêu chóng mặt, khó thở, đau đầu nên bà mẹ vội vàng đưa con đến bệnh viện.
Khi tới bệnh viện, Tiểu Hồng nói với bác sĩ rằng rất có thể con chị đã bị sốt quá cao nhưng bác sĩ lại không cho rằng như thế nên hỏi kĩ càng hơn. Tiểu Hồng chợt nhớ ra chuyện làm vỡ nhiệt kế nên đã trình bày với bác sĩ về cách xử lý của mình. Sau khi nghe xong, bác sĩ nói rằng có thể đứa trẻ đã bị nhiễm độc thủy ngân. Tuy nhiên rất may mắn là Tiểu Hồng đưa con đến bệnh viện kịp thời nên các bác sĩ biết đường cứu chữa.
Các bác sĩ cũng thông tin thêm, sau khi nhiệt kế thủy ngân bị vỡ, việc đầu tiên bố mẹ nên làm là mở cửa thông gió. Tuy nhiên điều này Tiểu Hồng đã không làm được mà làm ngược lại, đóng chặt cửa sổ và cửa ra vào khiến thủy ngân không thể bay ra ngoài mà tích tụ trong nhà khiến con trai chị đã hít phải khí thủy ngân và ngộ độc.
Chính vì thế, các bậc cha mẹ nên nằm lòng các quy tắc xử lý khi không may làm vỡ nhiệt kế thủy ngân:
- Đầu tiên, nhanh chóng tránh xa
Khi thủy ngân bị rò rỉ, việc đầu tiên là tất cả mọi thành viên trong gia đình nên tránh xa khu vực có thủy ngân để không bị hít phải khí thủy ngân.
- Thứ hai, mở cửa sổ để thông gió
Mở cửa sổ trong nhà, giữ cho căn phòng thông thoáng, chú ý thông gió liên tục trong 24 giờ, không nên vào phòng trong khoảng thời gian này.
- Cuối cùng là làm sạch thủy ngân
Đeo gang tay, khẩu trang và làm sạch thủy ngân, mảnh thủy tinh trên sàn bằng bìa cứng hoặc hót rác để cho vào túi ni lông và buộc kín lại.
Những đồ vật đã tiếp xúc thủy ngân nên được vứt bỏ. Đôi khi, thủy ngân sau khi bị phân tán sẽ tách thành nhiều hạt nhỏ không thể nhìn rõ, gây khó khăn lớn cho việc vệ sinh. Vì thế có thể dùng đèn pin để soi kĩ và tìm dọn sạch.