Bé Hoàng Văn An, quê Nghệ An năm nay hơn 3 tuổi nhưng chỉ nặng 11kg, da xanh xao dù vẫn ăn tốt. Mới đây, trên da cháu bé xuất hiện nhiều tổn thương giống như mụn nhọt, ngứa nhiều nên mẹ cháu là Nguyễn Thị Lan (SN 2000) đưa đến bệnh viện địa phương thăm khám.
Tại đây, các bác sĩ khám và cho biết, bé An chỉ bị thiếu kẽm, các chỉ số khác vẫn bình thường, đường tiêu hóa không có vấn đề gì. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy, bạch cầu ái toan tăng cao nên nghi ngờ bị nhiễm ký sinh trùng, sau đó bé An được chuyển ra Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để khám chuyên sâu. Kết quả xét nghiệm khiến mẹ bé An vô cùng bất ngờ khi bác sĩ kết luận, bệnh nhi nhiễm ký sinh trùng giun đầu gai.
“Tôi lần đầu tiên nghe đến tên bệnh ký sinh trùng, tôi chỉ biết giun sán là các loại giun móc, giun tóc, giun kim chứ chưa bao giờ nghe tên giun đầu gai. Nghe tên thôi tôi đã bủn rủ cả người”, chị Lan chia sẻ.
Cháu bé 3 tuổi nhiễm giun đầu gai khiến mẹ trẻ vô cùng bất ngờ. Ảnh: Lê Phương.
Bác sĩ Phan Thị Thu Phương, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, bệnh giun đầu gai ở người gây ra bởi nhiều loài giun tròn ký sinh giống Gnathostoma thuộc lớp giun tròn nhưng đầu có gai nên gọi là “giun đầu gai”. Nguyên nhân gây bệnh là do ăn sống, hoặc ăn các loại thực phẩm chưa được nấu chín như lươn, ếch, tôm, ốc, các loại bò sát... chứa ấu trùng.
Triệu chứng hay gặp ở người là vết sưng phồng ngoài da di chuyển từng đợt và tăng bạch cầu ái toan trong máu. Ở một số ít trường hợp khác, ký sinh trùng có thể chui vào các cơ quan như gan, mắt, não, tủy sống và gây ra các triệu chứng liên quan như giảm thị lực, mù, đau dây thần kinh, liệt, hôn mê và có thể dẫn đến tử vong.
Sau 2-4 tuần kể từ khi nhiễm ấu trùng giun đầu gai, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, ăn kém, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, đau bụng không rõ ràng. Sau đó ấu trùng di chuyển và gây ra các thể lâm sàng tương ứng. “Tại bệnh viện chúng tôi tiếp nhận một số bệnh nhân bị nhiễm loại giun này. Cá biệt có một trường hợp từ tổn thương dưới da, chúng tôi nặn ra cả ấu trùng giun đầu gai”, bác sĩ Thảo thông tin.
Với trường hợp bệnh nhi trên, việc không tăng cân, ngứa dưới da là do ấu trùng giun đầu gai di chuyển, sau đó gây ngứa khiến người bệnh gãi nhiều và tạo nên những vết xước. Từ những vết xước đó trẻ rất dễ bị nhiễm khuẩn, từ đó gây nên tình trạng viêm nhiễm, lở loét.
Việc nấu thực phẩm như lươn, tôm, ốc chưa chín kỹ là nguy cơ nhiễm bệnh giun đầu gai. Ảnh minh họa.
Sau khi được bác sĩ phân tích nguồn lây bệnh, chị Lan mới “ngớ người” thừa nhận, nguyên nhân con nhiễm bệnh là do thói quen ăn uống hàng ngày. “Tôi thường xuyên cho con ăn tôm. Trong quá trình nấu cháo tôm, muốn giữ được nguồn dinh dưỡng tốt nhất có trong thực phẩm, khi cháo trắng gần chín tôi mới cho tôm vào rồi tắt bếp luôn. Có thể, cách làm như vậy khiến tôm chưa chín kỹ và con ăn vào dễ nhiễm bệnh. Ngoài ra, thi thoảng đi ăn ốc tôi cũng cho cháu ăn nhưng không nhiều”, chị Hà chia sẻ.
Bác sĩ Phương cho biết, việc cho trẻ ăn đồ nấu chưa chín kỹ, hoặc ăn ốc luộc (nếu ốc chứa ấu trùng giun đầu gai) thì nguy cơ mắc bệnh rất cao. Bác sĩ khuyến cáo, mọi người cần luôn ăn chín, uống sôi với bất kể loại thực phẩm nào, dù đó là cua, lươn, ốc, ếch, các loại thịt hay thậm chí là rau. Ngoài ra, cần vệ sinh thân thể, nhất là bàn tay, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi