Từ đầu năm đến giờ kinh tế khó khăn chung khiến công việc của vợ chồng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Chồng tôi đi làm kinh doanh thị trường không bán được hàng còn bản thân tôi làm kế toán cho một công ty tư nhân cũng ít việc. Chính vì thế thu nhập ở thành phố không đủ chi tiêu cho gia đình. Ấy vậy mà đang kế hoạch hóa gia đình mà bỗng dưng... có bầu lại khiến vợ chồng đắn đo suy nghĩ nhiều.
Thế nhưng chẳng ai dám bỏ đi đứa con của mình mà đành cố gắng gồng gánh cùng nhau. Vì vậy hai vợ chồng chúng tôi bàn nhau sẽ gửi con trai lớn về quê với ông bà 1 thời gian trong những tháng đầu tôi nghén bầu để con vừa được ông bà chăm tốt hơn mà vợ chồng ở trên thành phố cũng không bị áp lực kinh tế. Ngày đưa con về quê cũng buồn lắm, đứa trẻ 3 tuổi không biết bị bố mẹ bỏ lại ở quê mà chỉ nghĩ là chuyến về thăm quê, thăm ông bà như thường nên vui lắm. Khi vợ chồng tôi đi là trốn đi lúc tờ mờ sáng nên con còn ngủ say.
Ảnh minh họa
Suốt dọc đường đi tôi cứ khóc rấm rức mãi vì thương con, xa con và nhớ con nhưng cũng may được chồng động viên:
- Thôi em đừng khóc nữa, anh cũng thương con nhưng chẳng biết phải làm thế nào. Em yên tâm ông bà nội cũng quý cháu lắm nên cháu ở với ông bà được chăm sóc tốt mà khéo lại được chiều hơn ở với bố mẹ ý chứ. Khoảng 1-2 tháng nữa em bớt mệt, anh làm kiếm thêm được chút sẽ lại đón con lên.
Nghe chồng nói trong lòng tôi cũng bớt buồn hơn, quệt ngang dòng nước mắt để quên đi.
Y như rằng khi trở lại thành phố nhận được tin bà nội thông báo đứa bé ngủ dậy không thấy bố mẹ nên khóc đòi. Cũng may sao dễ nịnh, ông bà chiều một lúc là nghe lời ngay.
Cuộc sống cứ thế trôi qua khi vợ chồng tôi ở trên này yên tâm làm ăn vì mỗi lần điện thoại về cho ông bà để hỏi thăm con thì ông bà đều nói con ăn ngủ ngoan và rất nghe lời ông bà. Cũng không dám trực tiếp nói chuyện với con vì sợ đứa nhỏ đòi lên với bố mẹ nên tôi chỉ dám nhìn con từ xa.
Chịu đựng suốt 1 tháng không nói chuyện với con nhiều, không về thăm con mà sức khỏe của tôi cũng tốt hơn, vì thế tôi đã bàn với chồng:
- Hay mình đón con lên ở đây đi anh, em nhớ con quá. Con ở quê với ông bà em cũng yên tâm nhưng mà xa con lâu quá em không chịu được.
Vậy là sau 1 tháng gửi con về quê chúng tôi lại đón bé lên. Được gặp bố mẹ, được về nhà tôi biết con cũng vui lắm nhưng không hiểu sao biểu hiện khác lạ hẳn. Thậm chí tính cách của con cũng khác trước nhiều, có vẻ hay tự ti, luôn nghĩ mình là đứa trẻ không ngoan.
Ảnh minh họa
Tôi bắt đầu băn khoăn trước câu nói của con vì không biết có chuyện gì xảy ra với con:
- Ở quê có vui không con?
Ngập ngừng một lúc, con trai mới nói:
- Ở quê con hay làm ông bà buồn hay sao í mẹ, bà nói con ngoan bà mới yêu, bà mới cho ăn ngon, bà mới mua đồ chơi cho con.
- Không sao đâu con yêu, ông bà cũng chỉ muốn tốt cho con thôi mà. Thế về quê chơi với ông bà, con được đi chơi những đâu kể cho mẹ nghe xem.
- Con được sang nhà bác chơi nhưng con không thích vì con chào nhỏ nhưng bác không nghe thấy, bác bảo con là hư.
Ảnh minh họa
Tôi cũng chỉ kịp trấn an con:
- Thôi con đừng buồn nữa. Những điều ông bà làm cũng chỉ muốn tốt cho con nhưng có vẻ chưa đúng cách cho lắm nên mẹ sẽ trao đổi lại với ông bà, con yên tâm nhé.
Đứa trẻ nở nụ cười rồi đi vào trong nhà, ngắm nghía căn phòng ngủ mà nó đã xa cách hơn 1 tháng trời. Tôi suy nghĩ vì những câu nói, việc làm vô tình của ông bà tưởng rằng yêu thương cháu nhưng đã khiến đứa nhỏ bị tổn thương như vậy.
Tâm sự từ độc giả quychau...
Ngoài bố mẹ, ông bà là người yêu thương con cháu vô điều kiện. Tuy nhiên suy nghĩ và quan điểm mỗi thế hệ là khác nhau vì vậy có những câu nói của ông bà giờ đây có thể không còn phù hợp trong cách nuôi dạy trẻ nhỏ, vô tình khiến đứa trẻ bị tổn thương, trở thành người tự ti, nhút nhát.
Bố mẹ có thể có một số thỏa thuận nhỏ trước khi gửi cháu cho ông bà để đạt được sự giáo dục tốt nhất cho trẻ. Đặc biệt nếu người già thường nói những lời này trước mặt con cháu, thì người mẹ không được cảm thấy ngại ngần, phải nhanh chóng góp ý ngay!
"Con không ngoan là ông bà không yêu con nữa đâu đấy!"
Nếu những người gần gũi bé nhất lại luôn nói "Ngoan bà mới yêu", "Không ngoan ông không yêu"...đứa trẻ sẽ hình thành một cảm giác về "tình yêu có điều kiện". Dần dần con sẽ hiểu thành, nếu mình không ngoan - mình sẽ không nhận được yêu thương.
Những mối đe doạ như vậy khiến con mất lòng tin ở người lớn, luôn khiến trẻ cảm thấy không an toàn, bị đe doạ và cần phải vâng lời miễn cưỡng. Tương lai xa, con có thể tìm kiếm một người khác có thể chấp nhận được con, và khi đó con mới coi người đó là quan trọng.
Tình yêu cha mẹ/ ông bà dành cho con là vô điều kiện. Đừng để đứa trẻ tự ti và nhầm lẫn.
"Cái này con không làm được đâu, để bà/ông giúp cho..."
Khi sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ đạt đến một mức nhất định, con sẽ có tâm lý muốn tự giải quyết vấn đề. Và đây là cơ hội vàng để người lớn dạy bé ý thức độc lập.
Tuy nhiên, ông bà lại không làm như vậy. Những câu như "cái này con không làm được đâu" sẽ huỷ hoại hứng thú tự lập của đứa trẻ, khiến con nghĩ mình "không làm được thật.
Việc ông bà làm giúp cháu, lại vô thức giết chết khả năng giải quyết vấn đề một cách độc lập của trẻ.
Khả năng giải quyết vấn đề một cách độc lập là một kỹ năng trí tuệ toàn diện, không chỉ đòi hỏi khả năng suy nghĩ mà còn cả các kỹ năng khác. Hãy để con được tự mình thử làm mọi việc, đó sẽ là tiền đề cho một tương lai độc lập sau này.
"Đừng chạm vào..cái này/ Nguy hiểm lắm thôi cháu đi ra đi"
Chăm sóc trẻ nhỏ, ông bà thường vì sợ "tai nạn", lại có tâm lý con cháu mình bao nhiêu tuổi vẫn là "đứa trẻ" nên trở nên quá bao bọc. Thậm chí một chút bùn đất, bụi bẩn cũng không để cháu chạm vào.
Trong số tất cả các giác quan, kích thích xúc giác có tần số cao nhất, từ các khớp cơ đến da toàn thân, và vô số thông tin xúc giác liên tục được đưa vào não mỗi ngày.
Nếu một đứa trẻ không được nghịch đất vì sợ bẩn, không được chạm vào chút nước nóng vì sợ bỏng....trẻ sẽ thiếu hụt nhận thức rất lớn. Khi trưởng thành sẽ chậm phát triển, học tập khó khăn.
"Con chào bác đi/ Con chào cô đi...Sao con hư thế không chào mọi người"
Trẻ em không sẵn sàng để chào hỏi tất cả mọi người, không nhất thiết phải coi việc đó là hư. Người lớn coi chuyện chào hỏi là đơn giản, thì trẻ con lại thấy căng thẳng.
Đặc biệt đối với một đứa trẻ có tính cách tương đối thận trọng và chậm chạp, lời chào không đơn giản.
Nếu một ông bà không hiểu chính xác nhu cầu tâm lý của đứa trẻ và buộc đứa trẻ phải chào hỏi, điều này không những chẳng dạy con được sự lễ phép lịch sự mái trái lại có khả năng kích hoạt cuộc nổi dậy chống lại vấn đề này.
"Trẻ con biết gì"
Nói chung, ông bà nói câu này trong hai tình huống. Đầu tiên, khi đứa trẻ phạm sai lầm và nên bị phạt, cụm từ "Trẻ con biết gì!" Trở thành gốc rễ của tất cả các vấn đề nghịch ngợm tiếp theo sau này. Những điều nhỏ nhặt không được giáo dục cẩn thận, trẻ sẽ thấy mình có hư chút, nghịch chút cũng vẫn không sao.
Một tình huống khác là khi người lớn nói hoặc làm điều gì đó, con trẻ thắc mắc và ông bà thường gạt ngay "Trẻ con biết gì". Thực tế, đây chẳng khác gì một cách huỷ hoại khả năng học hỏi của trẻ. Thực tế, những gì một đứa trẻ có thể "biết" vượt xa sự tưởng tượng của người lớn.
Người lớn không nên tự lừa dối mình, nghĩ rằng trẻ em không biết gì cả. Thực tế, trẻ em đặc biệt nhạy cảm với thông tin mà chúng có thể nhận được. Con hấp thu kiến thức mới và thế giới mới như miếng bọt biển .
"Tất cả đều là cho cháu hết!"
Ông bà thường cung cấp thức ăn tốt nhất và đồ chơi tốt nhất cho con cháu. Mỗi lần như vậy, họ sẽ lại thường nói "Ông bà dành tất cả cho cháu" để khiến đứa trẻ biết ơn, hạnh phúc. Một động thái như vậy sẽ làm cho trẻ em nghĩ rằng thế giới đang tập trung vào con, từ đó nảy sinh cảm giác "mình là số một", "muốn gì được nấy". Sau này trẻ rất khó hoà nhập vào môi trường chung, nơi mỗi đứa trẻ đều là "số một" ở nhà.