Dậy thì là độ tuổi mà con có sự thay đổi lớn về thể chất và tâm sinh lý. Trong giai đoạn này, đứa trẻ nào cũng cần có bố mẹ bên cạnh đồng hành, dạy dỗ. Là một người mẹ, tôi hiểu rõ điều đó nhưng dường như bản thân đã quá xem nhẹ, để rồi ngày hôm nay phải hối hận khi để con gái rơi vào hoàn cảnh ảnh hưởng sức khoẻ.
Con gái cũng đã bước vào độ tuổi 12, tôi cứ nghĩ con cần rèn luyện tính tự lập nên cũng không quá sát sao với đứa trẻ. Công việc thì bận rộn nên mọi sinh hoạt của con đều chỉ khi bé lên tiếng thì mẹ sẽ hỗ trợ, chứ mẹ không theo dõi con 24/24 như lúc nhỏ nữa.
Ảnh minh hoạ
Mọi chuyện vẫn ổn cho đến khi tranh thủ thời gian rảnh, tôi dọn dẹp nhà cửa thì bất ngờ phát hiện ra ga giường của con có vết bẩn lạ, dù đã khô và có chút thay đổi màu nhưng nhìn kỹ sẽ biết ngay đó là vết máu. Tôi như thót tim ngay sau khi nhìn thấy cảnh tượng này.
Lúc con gái đi học về, con khóc kể với mẹ việc bản thân cảm thấy ngứa ngáy và bị chảy máu ở “vùng kín”. Chưa cần hỏi, tôi cũng đoán được vết máu của con từ đâu mà ra, tôi tá hoả đưa con đến bệnh viện kiểm tra. Lúc này, bác sĩ mới kết luận bé có dấu hiệu bị viêm nhiễm phụ khoa vì không biết cách xử lý khi đến “ngày đèn đỏ”.
Ảnh minh hoạ
Sở dĩ, con gái giấu tôi là vì con sợ mẹ lo và biết mẹ bận nên cũng đã tự giải quyết, mãi cho đến khi thấy cơ thể khó chịu thì con mới khai. Nghe kết luận từ bác sĩ mà lòng tôi trĩu nặng, bật khóc ân hận vì đã không quan tâm, chú ý đến con nhiều để kịp thời nhận ra những bất ổn và thay đổi của con ở giai đoạn dậy thì này.
May mà chuyện cũng không quá nghiệm trọng, nếu không tôi cũng không dám tưởng tượng con gái sẽ phải đối diện với hậu quả ra sao… Hy vọng qua câu chuyện tôi chia sẻ, những bà mẹ có con trong độ tuổi dậy thì sẽ biết cần nuôi dạy con ra sao?
Tâm sự từ độc giả thusuong…@gmail.com
Trên thực tế, nhiều bác sĩ khuyên các bà mẹ nên dạy con về những vấn đề của tuổi dậy thì khi con bắt đầu lên 10, chứ đừng đợi “bà dì” của con ghé thăm rồi mới nói. Cụ thể, các mẹ nên dạy con:
1. Dạy con cách sử dụng băng vệ sinh
Là mẹ, chúng ta cần phải nói cho con gái hiểu kinh nguyệt là gì. Đó chỉ là một hiện tượng sinh lý bình thường của người phụ nữ giúp họ duy trì khả năng sinh sản, thế nên con không có gì phải xấu hổ cả. Điều quan trọng là trong những ngày “đèn đỏ”, bạn cần dạy trẻ cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Chẳng hạn như cách sử dụng và thay băng vệ sinh, 4 – 5 tiếng phải thay băng một lần, thao tác rửa “vùng kín” đúng cách để tránh bị nhiễm khuẩn… Bởi môi trường máu kinh ẩm ướt rất thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn. Đồng thời, cổ tử cung ở giai đoạn này mở ra nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bên trong âm đạo gây viêm nhiễm sâu.
2. Dạy con những việc không nên làm trong kỳ kinh nguyệt
Vì các con còn nhỏ nên sẽ không thể nào biết được những gì cần tránh làm khi “bà dì” ghé thăm, thế nên, mẹ cần dạy trẻ tránh mặc quần lót ẩm ướt, tránh lội hay ngâm mình lâu trong môi trường nước bẩn (ao, hồ, sông, suối), tránh vận động mạnh (chạy, nhảy, bê vác đồ nặng), tránh ăn thức ăn cay, tránh thụt rửa sâu bên trong âm đạo mà chỉ nên rửa bên ngoài...
3. Dạy con cách bảo vệ bản thân
Kinh nguyệt đến đồng nghĩa với việc trẻ có thể mang thai và sinh con. Song, với độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” như thế này thì chuyện mang thai ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tâm lý của con. Do đó, mẹ cần phải dạy con cách bảo vệ bản thân như không được tiếp xúc thân mật với người khác giới, không cho phép ai chạm vào những bộ phận riêng tư của mình… Nếu ai đó cố tình chạm vào cơ thể khi con không cho phép thì hãy la thật to để được mọi người xung quanh giúp đỡ và báo ngay cho cha mẹ biết.