Câu chuyện bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh bị mất tích nhưng may mắn được trở về trong vòng tay của bố mẹ đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng. Nhưng vẫn còn đó câu chuyện về những ông bố khác ngày đêm rong ruổi trên chặng đường tìm con, dù đã đi khắp các tỉnh thành, ngủ bờ ngủ bụi, ngóng trông về biên giới trong suốt mấy năm trời… thì ngày gặp lại con vẫn chưa biết là bao giờ.
Bé trai trong vụ mất tích ở Bắc Ninh khi đi chơi công viên với bố đã được tìm thấy (Ảnh: Lê Phương)
Những trường hợp đau lòng như thế một lần nữa nhắc nhở chúng ta đồng cảm về mảnh đời thương tâm, nhưng cũng thức tỉnh bất kỳ ông bố bà mẹ nào rằng hãy cẩn thận giữ con thật chặt bên cạnh mình. Bởi những hiểm nguy và kẻ xấu luôn rình rập ở khắp mọi nơi, chỉ cần bố mẹ lơ là một chút thôi cũng có thể mất con mãi mãi.
Con trai 6 tuổi sang nhà bà chơi rồi biến mất, ông bố 3 năm đi khắp đất nước tìm con
Kể từ ngày 1/8/2018, anh Phạm Thanh Bình chưa ngủ được một đêm nào tròn giấc. Bởi đó là ngày định mệnh mà cậu con trai khi đó mới 6 tuổi của anh bị mất tích. Gia đình anh vốn trú tại thôn xã Diên Phú, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Con trai anh là bé Phạm Nguyên Hào (SN 2012) mà với người khác là vô vọng để gặp lại, nhưng với anh Hào thì vẫn không ngừng hi vọng.
Anh Bình in tờ rơi thông tin con trai bị mất tích. (Ảnh: internet)
Đầu tháng 8 năm 2018, anh Bình sang rẫy cà phê, cách nhà 50 km làm cỏ. Trước hôm đi, anh bảo vợ cho bé Hào, tên ở nhà là Tý nghỉ học một buổi, ở nhà chơi với ba. Trưa hôm đó, ăn cơm xong, bé Tý sang nhà bà nội gần nhà chơi như thường lệ. Anh Bình nằm giường, ngủ thiếp đi. Đến gần 3 giờ chiều, anh tìm con về nhưng không thấy. Buổi sáng, cậu bé mặc áo thun dài tay màu xanh, có in hình máy bay, mặc quần đùi màu cam.
Gọi mãi không được, anh Bình chạy xe máy ra đường lớn tìm. Chị Diễm – vợ anh - biết tin, lao xuống suối, vào vườn điều, vườn cà phê gọi "Tý ơi" khản cả cổ. Một vài người nói khoảng hơn 2 giờ chiều, họ nhìn thấy một chiếc xe 7 chỗ quay đầu trước cổng nhà bà nội bé Hào.
Từ ngày đó, chị Diễm như hóa điên, anh Bình lúc nào cũng đờ dẫn. Họ dùng đủ mọi cách để đăng tin tìm con. 14 ngày sau, anh Bình nhận được điện thoại thông báo con trai đang bị bắt cóc ở Campuchia. "Kẻ bắt cóc" yêu cầu anh mang 30 triệu sang biên giới đón con về. Nhưng không lâu sau kẻ nọ cắt đứt liên lạc, vì biết anh báo công an.
Hơn 2 tháng sau, anh Hào không chịu được cảnh cứ nằm ở nhà, tự dằn vặt, đau khổ nên quyết định đi tìm con. Anh in hơn 200 tờ rơi, dồn tiền bắt xe đi. Anh đi theo các hướng quốc lộ khả nghi, ghé lại các trạm thu phí nhờ trích xuất camera để truy tìm tung tích chiếc xe. Tuy nhiên, thông tin chiếc xe mơ hồ, không rõ ràng nên dù đã đi rất nhiều tuyến quốc lộ, ghé hàng chục trạm thu phí nhưng vẫn không thu được kết quả gì.
Người cha đã rong ruổi khắp các tỉnh thành để tìm con. (Ảnh: Hoài Nhân)
Anh Bình chuyển sang hướng con trai mình có thể đã bị bán ra nước ngoài, từ đó anh lang bạt khắp các cửa khẩu từ trong nam tới ngoài bắc để dò hỏi tung tích và dán tờ rơi tìm con. Hành trang tìm con của anh lúc này chỉ là chiếc xe máy cũ cùng một vài bộ quần áo và chiếc võng. Ban ngày anh cứ đi dò hỏi, đêm đến tìm nơi có thể cột được võng thì dừng lại nghỉ ngơi để hôm sau đi tiếp.
Cứ thế, mọi tỉnh thành, cửa khẩu trong cả nước anh đều đặt chân tới tìm con nhưng đến nay vẫn vô vọng.
Ngày trước, do cậu bé Hào bệnh tật nên vợ chồng anh tạm hoãn kế hoạch sinh con thứ 2 để tập trung chăm sóc cho con cứng cáp. Từ ngày Hào mất tích, người thân, bà con hàng xóm khuyên vợ chồng anh nên sinh đứa nữa cho khuây khoả. Vợ anh nhờ thế mà cũng bớt nghĩ quẩn. Chị Diễm sinh bé thứ 2 vào cuối năm 2019. Thế nhưng, không phải vì đã có đứa con thứ 2 mà hi vọng tìm con của anh chị đã tắt. Anh nói mình chỉ tạm dừng lại vì hết tiền.
Thu nhập của 2 vợ chồng trông cậy vào việc trồng cafe, mỗi năm trừ hết các chi phí còn được 20-30 triệu tiền lãi. Anh tính sẽ sang Campuchia, sang các thành phố lớn vì nghe nói nhiều đứa trẻ bị bắt cóc sang đây đi ăn xin. Anh cũng nghe nói bên Trung Quốc có nơi người ta in hình những đứa trẻ mất tích lên chai nước lọc.
“Dù có phải đi đến cùng trời cuối đất, đi hết quãng đời này tôi cũng sẽ tìm bằng được con mình”, anh Bình nghẹn lời nói.
Người cha tìm con mất tích suốt 5 năm
Tính đến nay đã là 5 năm kể từ ngày người cha Lương Thế Huynh (42 tuổi, ngụ xã Tà Nung, Đà Lạt, Lâm Đồng) mòn mỏi tìm kiếm và ngóng trông cậu con trai út.
Trước đó, ngày 21/6/2015, anh đưa con trai út Lương Thế Vương (sinh ngày 20/10/2012) vào nhà cũ của gia đình ở tổ 7 (thôn 5, xã Tà Nung, TP Đà Lạt), cách nhà mới khoảng 1 km để làm vườn. Trời vừa tạnh mưa, sợ con bị cảm lạnh, anh để con chơi một mình trong nhà rồi xuống ao cách đó khoảng 70 m cho cá ăn. Lúc này cửa, cổng vào nhà vẫn mở, nhưng từ ao cá nhìn vào nhà bị khuất bởi vườn cà phê.
Anh Huynh rong ruổi trên chiếc xe máy có dán hình con để ngày ngày đi tìm con. (Ảnh: internet)
Khoảng 5 phút sau, anh Huynh nghe tiếng Vương kêu, nghĩ con chờ lâu gọi nên anh chưa vội vào ngay. Chưa đầy một phút sau, lại nghe tiếng con kêu, anh mới vội chạy vào nhà thì đã không thấy con đâu. Tìm cả buổi không thấy, đến chiều tối vợ chồng anh mới báo tin cho Công an TP Đà Lạt hỗ trợ.
Không có tin tức gì của con, anh chọn cách ngày ngày chạy xe máy có dán hình con mình đi khắp nơi để tìm con. Hình ảnh anh Huynh với ảnh của con sau chiếc xe gắn máy đã từng gây xúc động mạnh và được cư dân mạng lan truyền rộng rãi. Tuy nhiên, đến nay anh Huynh vẫn chưa có manh mối nào về con trai của mình.
Trải qua 5 năm ròng rã, anh Huynh đau đớn khi chỉ được gặp con trong những giấc mơ. Anh từng chia sẻ anh như một người bị bệnh nan y, cố gắng vái tứ phương tìm kiếm bất kể cơ hội sống. Miễn nghe nơi đâu có người báo, dù chỉ là một mẩu tin nhỏ về con trai, dù nơi ấy có xa xôi, người cha cũng không quản ngại tìm đến.
"Mỗi lần đến nơi nào nơi ấy người dân xúm lại quan tâm hỏi han, lấy điện thoại lưu lại thông tin. Có nơi bà con hỗ trợ lộ phí, giúp đỡ chuyện ăn uống sinh hoạt. Có những khi dọc đường ốm nặng quá, phải vào bệnh viện mua thuốc, cứ khỏe là tôi lại lên đường", người cha chia sẻ.
Chỉ cần một thông tin nói rằng ở đâu có người giống con mình là anh lại lên đường. Và có những lần tưởng như chỉ trong một chút mong manh nào đó, con lại về với gia đình anh Huynh. Nhưng cuối cùng lại chỉ là vô vọng và cuối cùng là chấp nhận từ bỏ.
Anh chia sẻ phải gác lại chuyện tìm con trai bởi vẫn còn phải đi làm kiếm tiền nuôi gia đình: “Tôi vẫn khỏe, vẫn đủ sức đi nữa nhưng đành gác lại. Bây giờ cũng không còn nghe thông tin nhiều nữa. Hơn nữa, tôi còn phải đi làm nuôi gia đình”. Anh và vợ mình đã lập bàn thờ cho đứa con trai bé bỏng mất tích, coi ngày con bị bắt cóc 21/6/2015 là ngày giỗ con.
4 năm không dừng bước tìm kiếm con gái
Đó là câu chuyện đầy thương tâm của vợ chồng anh Long (Long Biên, Hà Nội) sau khi con gái Nguyễn Minh Châu mất tích một cách bí ẩn vào năm 2016. Khoảng 9h - 10h ngày 22/7, bé Nguyễn Minh Châu chơi một mình ngoài đường gần nhà. Lúc đó, bà của cháu đang phơi quần áo sau nhà. Khi phơi quần áo xong, bà không thấy cháu Châu đâu nữa, chỉ còn lại đôi dép của cháu ở trên đường.
Bé Minh Châu trong một bức ảnh chụp trước khi bị mất tích. (Ảnh: Nguoiduatin)
Đã 4 năm trôi qua, anh Long vẫn không ngừng mong ngóng tin tức về con. (Ảnh: Nguoiduatin)
Cả nhà hốt hoảng đi tìm nhưng không thấy. Tại thời điểm mất tích, cháu Nguyễn Minh Châu (4 tuổi), mặc một chiếc váy màu xanh lục, tóc ngắn.
Quá lo sợ, một mặt gia đình nhờ cơ quan chức năng, mặt khác tự đi tìm và đăng thông tin cháu bé lên mạng xã hội để nhờ sự giúp đỡ hỗ trợ tìm kiếm cháu của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, vợ chồng anh Long vẫn chưa có bất cứ một thông tin hay tung tích gì. Có thời điểm, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh về bé gái (khoảng 5 tuổi) có hình dáng bên ngoài giống bé Minh Châu (4 tuổi, ở Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) bị mất tích. Tuy nhiên khi tìm đến tận nơi, gia đình chỉ đổi lấy thất vọng vì đó hoàn toàn không phải con gái mình.
Đến bây giờ, cuộc sống của gia đình anh Long đã tạm dần lấy lại ổn định. Vợ chồng anh Long cũng đang nguôi ngoai dần và tinh thần cũng đã tạm ổn sau khi bán nhà cũ, chuyển sang nơi mới (xã Nam Hồng, huyện Đông Anh). Gia đình quyết định chuyển nhà một phần vì phải trả nợ do chi phí đi khắp nơi tìm kiếm con mà vẫn chưa có kết quả, một phần vi không muốn vợ bị trầm cảm vì nhìn mọi thứ mà nhớ đến con.
Từ ngày con mất tích, anh chị cũng chưa trở lại trường học nơi con gái vẫn theo học vì tiếng cười nói bi bô của những đứa trẻ, những khung cảnh con thường vui chơi lại trở về trong kí ức khiến trái tim của anh chị như vỡ vụn. Anh Long cũng cho hay, từ ngày Minh Châu mất tích, nhiều người cũng ngại không dám đến gia đình hỏi thăm bởi họ biết, vợ anh rất dễ xúc động, chỉ cần nhắc tới con gái lại chực trào nước mắt.
Tuy vậy, anh từng chia sẻ anh vẫn sẽ không dừng bước trên mọi nẻo đường với hy vọng một ngày đó con gái anh trở về. “Hàng ngày tôi vẫn đi làm kiếm cuộc sống, nhưng bất cứ nơi nào có thông tin tôi đều tìm đến. Ai biết tin gì về cháu Châu xin hãy báo cho chúng tôi, dù bất kì nơi đâu tôi cũng sẽ tới. Qua đây tôi cũng muốn gửi tới những bậc cha mẹ, hãy yêu thương và chăm sóc con mình thật chu đáo để không xảy ra những sự cố đáng tiếc như gia đình tôi đang trải qua”, anh Long chia sẻ thêm.
7 kỹ năng bố mẹ cần hướng dẫn để con ko bị bắt cóc: Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung – Giảng viên kỹ năng sống Trung tâm Đào tạo Kỹ năng sống Ý Tưởng Việt cho biết, không chỉ khi xuất hiện những thông tin liên quan đến việc trẻ bị bắt cóc mà ngay cả trong những lúc yên bình nhất, phụ huynh vẫn nên trang bị cho trẻ kỹ năng nhận diện và ứng phó trước những tình huống bất ngờ, nguy hiểm. Đây là điều cần thiết để trẻ có thể biết cách tự chăm sóc và bảo vệ bản thân khi không có người lớn kề. Những kỹ năng, kiến thức này cần được củng cố hàng ngày, hàng năm để trẻ nhớ và thuộc nằm lòng cũng như biến nó thành hành vi ứng xử của mình. Theo đó, các mẹ nên dạy con những kỹ năng sau: Thứ nhất: Hãy dạy trẻ nói “không” với quà bánh, truyện tranh, tiền bạc, lời rủ đi công viên, trung tâm vui chơi,.. của người lạ. “Người lạ” nên được giải thích cụ thể với trẻ là những người trẻ chưa từng gặp cùng bố mẹ trước đó, là những người không được bố mẹ giới thiệu với trẻ, là những người có thể tự xưng là bạn của bố mẹ khi không có mặt bố mẹ,.. Thứ hai: Hãy dạy trẻ có thói quen chia sẻ những câu chuyện mà trẻ gặp thường ngày, từ đó phân tích cho trẻ biết đâu là câu chuyện an toàn, tốt cho trẻ, đâu là những tình huống có thể khiến trẻ bị đau, gặp nguy hiểm,… Thứ ba: Hãy cùng trẻ xem những phóng sự, clip mô phỏng các tình huống thiếu an toàn với trẻ khi không ở gần bố mẹ, khơi gợi và giải đáp những thắc mắc của trẻ để trẻ dần hình thành ý thức phòng vệ trong những tình huống tương tự nếu gặp phải. Thứ tư: Hãy “giới hạn những người tin cậy” cho trẻ biết, đó chính là: Cha mẹ, ông bà, thấy cô, anh chị trong gia đình. Hãy hướng dẫn trẻ là ngoài những người này ra, nếu có bất kỳ ai khác đề nghị chở trẻ đi đâu, làm gì (mở cửa nhà,..) thì hãy nói “không”, bỏ chạy và tìm đến những người tin cậy để nói lại việc vừa xảy ra. Thứ năm: Để không bối rối trong trường hợp trẻ bị lạc, hãy dạy cho trẻ học thuộc lòng số điện thoại của cha mẹ, anh chị, ông bà để khi bị lạc thì biết cách cung cấp cho những người muốn giúp đỡ. Thứ sáu: Hãy dạy trẻ tìm đến những nơi có thể giúp đỡ như: quầy thông báo tại siêu thị; đồn công an… mỗi khi đi siêu thị hoặc đi ngang qua những nơi giúp trẻ có thể nhận diện đó là đồn công an. Thứ bảy: Nếu đến chỗ đông người, tốt nhất người lớn luôn theo sát trẻ, tránh lơ là vì trẻ con vốn dễ bị thu hút bởi những yếu tố khác, dễ bị tuột khỏi tầm tay cha mẹ. Rất nhiều trường hợp cha mẹ lạc con là do cha mẹ mải mê mua sắm, trò chuyện. Dạy trẻ biết tự bảo vệ mình cực kỳ quan trọng nên bố mẹ phải thực hiện luôn từ khi trẻ con nhỏ, chứ không phải thụ động đến khi mọi sự xảy ra rồi mới lo lắng cuống cuồng. Cha mẹ nên sát sao con hơn, dành thời gian hàng ngày để cùng con trang bị những kĩ năng cần thiết khi ra ngoài đường, tránh những trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng và hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. |