Sinh nở là một quá trình vừa thiêng liêng cũng vừa ám ảnh với hầu hết các mẹ bầu. Bởi trước khi hạnh phúc chào đón thiên thần nhỏ, chị em sẽ phải trải qua những cơn đau đẻ được ví như “gãy 18 cái xương sườn cùng 1 lúc”. Hầu hết thai phụ sau khi trải qua đều nhận xét về trải nghiệm sinh nở.
Mặc dù y học hiện đại đã có rất nhiều phương pháp hỗ trợ, song nếu sinh thường thì việc rặn đẻ đúng cách vẫn sẽ giúp quá trình này bớt đau đớn kéo dài và dễ dàng đón bé bình an hơn.
Trên một diễn đàn dành cho các mẹ bầu mới đây, tài khoản Facebook có tên T.Q đã đầy lo lắng lên hỏi xin kinh nghiệm rặn đẻ từ các chị em từng trải. Tuy nhiên, bên cạnh những lời khuyên, lời động viên, không ít chị em cũng kể lại trải nghiệm dở khóc dở cười của mình khiến topic này.
Cụ thể, mẹ bầu T.Q chia sẻ: “Mom nào có kinh nghiệm chỉ em cách rặn đi chứ em sợ không biết rặn quá. Nay 37 tuần 2 ngày rồi ạ”.
(Ảnh chụp màn hình)
Chưa từng trải qua sinh nở, trăn trở về những điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Các mẹ bỉm sữa đã nhanh chóng vào chia sẻ, góp kinh nghiệm cho mẹ bầu trên.
- Chuẩn bị đến lúc đau đẻ mom hít thật sâu, rồi thở nhẹ nhàng, 2 tay nắm gồng lên, chân đạp mạnh, lưng và mông gồng lên. Tiếp đó là rặn theo lời của bác sĩ, rặn hơi thật dài, mệt khi nào nghỉ lúc đó rồi rặn tiếp. Mình rặn có 3 hơi, 15 phút là con ra rồi.
- May hồi đấy nằm phòng đẻ mình được chứng kiến 2 bạn nằm trước rặn đẻ nên đến mình chỉ rặn 5 phút là xong. Kinh nghiệm là đau đến mấy bác sĩ chưa bảo rặn thì không được rặn. Rặn sớm nguy cơ vỡ tử cung và bị mất sức nhiều. Không nên la hét vô ích làm gì mà dồn sức hít thở nhịp nhàng đều đặn. Hít thật sâu rồi rặn 1 hơi thật dài. Hồi đấy do Covid bọn mình còn phải đeo khẩu trang trong khi rặn đẻ cơ.
- Nếu thai kỳ khoẻ mạnh thì mom nên đi lại. Vận động nhẹ nhàng nhiều 1 chút thì lúc sinh sẽ có sức bền. Lúc lên cơn đau đẻ thì cố gắng đừng la hét quá to. Có thể nói nhưng đưng to quá vì sẽ mất sức lúc mình rặn đẻ. Phải tin là mình sẽ làm được. Lúc lên bàn sinh thì rặn theo cơn gò. Hít thở đều lấy hơi dài rồi rặn 1 hơi theo cơn gò tử cung.
Hãy nghĩ là mình cố gắng sinh thường để tốt cho mẹ và cả con thì mới đủ động lực đề cố gắng sinh đẻ vì trong lúc chờ tử cung mờ hết thì gò đau lắm. Nên phải vững tâm. Bản thân em đã nghĩ hay là mình mổ quách đi nhưng nghĩ đến con và bản thân sau này nên gắng chịu cơn đau. Vì trước đó bác sỹ bảo mình thai to. Sinh thường có nguy cơ sinh được đầu ra mà người con không qua được thì sẽ nguy hiểm tính mạng cả mẹ và con. Bởi trước đó e siêu âm bé được 4kg. May mà lúc sinh thuận lợi.
- Tâm lý quan trọng lắm, cố gắng thoải mái nhé. Cũng không cần đọc quá nhiều đâu, khi vào phòng bình tĩnh và nghe theo lời bác sĩ là được.
Rặn đẻ đúng cách là điều các mẹ sinh thường quan tâm. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh những mách nước hữu ích, không ít chị em lại chia sẻ trải nghiệm dở khóc dở cười của mình khi rặn đẻ. Nhiều chị em chưa trải nghe xong cũng khiếp vía.
- Ôi nói chung là rặn theo yêu cầu của bác sĩ. Em đây còn đại tiện cả ra quần mà bác sĩ còn bảo không được rặn. Nhịn rặn còn khổ hơn là rặn cơ.
- Có nghe buồn đẻ cũng như buồn đi đại tiện mà vẫn chẳng hình dung được, cho tới khi trực tiếp trải qua. Mình rơi vào trường hợp xấu hổ ấy đây. Nhưng các bác sĩ rất tâm lý, họ bảo không sao đó là chuyện bình thường và vẫn hướng dẫn mình rặn. Nói chung đau đớn, xấu hổ nhưng mọi cảm giác ấy đều chẳng bằng việc được ôm con khỏe mạnh vào lòng đâu.
- Tớ vừa đau vừa chơi game cho quên đau. Đến lúc bác sĩ bảo rặn thì 2 lần là con ra. Chúc mẹ thai kỳ khỏe mạnh, vượt cạn thành công.
- Em thì mót quá, bác sĩ chưa nói gì đã rặn, rặn con thì chưa ra mà… cái không nên ra lại ra. Lúc ý đau đẻ chả nghĩ gì chứ giờ kể lại mà muốn tìm lỗ chui xuống.
- Không biết mẹ nào như em không, buồn rặn lắm rồi mà bác sĩ chưa cho rặn. Nhịn rặn còn khổ hơn cả rặn luôn ấy.
- Rặn cả ra phân, tới giờ chồng vẫn trêu mình là vợ đi đẻ chắc chả thấy gì, chỉ thấy... thối nhỉ. Vừa tức vừa xấu hổ mà vẫn phải phì cười.
Nhiều mẹ kể lại trải nghiệm rặn đẻ mà dở khóc dở cười. (Ảnh min họa)
Cách rặn đẻ đúng và an toàn khi sinh thường
Khi sinh thường, thai phụ cần chú ý thở đúng cách và rặn đúng nhịp sẽ giúp mẹ khỏe, con an toàn chào đời. Các mẹ bầu cần ghi nhớ một số lưu ý dưới đây:
Thở đúng cách:
- Lúc cảm thấy cơn đau, thai phụ nên thở nhanh dần, hít bằng mũi và thở ra bằng miệng.
- Khi cơn đau tăng dần, thai phụ thở nhanh và nông hơn. Vẫn thở bằng miệng và cố làm sao thở tạo ra tiếng rít nhỏ như đang huýt sáo.
- Cơn đau giảm thì thai phụ lại thở chậm dần, hít sâu, thở chậm, vừa thở vừa thư giãn để lấy sức chuẩn bị cho đợt đau mới.
Rặn đẻ đúng cách:
- Thai phụ cần nằm đúng cách, nắm chặt tay vào thành bàn sinh. Khi thấy cơn đau, thai phụ hít hơi sâu rồi dồn sức rặn mạnh để đẩy bé ra. Nếu vẫn thấy đau mà hơi đã hết, thai phụ tiếp tục lấy hơi và rặn cho tới khi không còn cảm thấy đau. Khi rặn mẹ bầu phải cố gắng dồn hơi xuống bụng và không nên phát ra âm thanh.
- Rặn khi cơn co tử cung đang diễn ra mới mang lại hiệu quả cao. Sự kết hợp giữa lực của cơn gò tử cung, lực rặn của sản phụ và và lực đẩy của nhân viên y tế sẽ giúp bé ra đời tự nhiên một cách dễ dàng.
- Giữa 2 cơn gò tử cung, mẹ nên thư giãn, hít vào thở ra đều đặn, nhịp nhàng để lấy sức chuẩn bị cho cơn gò kế tiếp.