Triệt sản nữ bằng cách thắt ống dẫn trứng là phương pháp tránh thai triệt để được nhiều gia đình lựa chọn khi không muốn có thêm con. Mới đây, một người đàn ông Trung Quốc đã quyết định kiện vợ mình vì cô triệt sản.
Li quen biết và yêu vợ của mình là Wang khi cả hai cùng làm việc ở nước ngoài. Năm 2008, hai người quyết định kết hôn. Trước khi cưới Li, Wang từng kết hôn và là người nuôi nấng con gái sau khi li dị với chồng trước. Con gái Wang sau này sống chung với mẹ và bố dượng.
Sau thời gian dài về chung nhà, đợi mãi vẫn không thấy vợ mang bầu, Li ngỡ ngàng khi phát hiện Wang đã triệt sản. Li và mẹ của anh từng đề nghị Wang phẫu thuật để phục hồi khả năng sinh nở nhưng cô từ chối. Wang trấn an chồng đừng lo lắng, rằng cô sẽ chung sống hạnh phúc bên anh trọn đời dù hai người không có con chung.
Sau khi kết hôn, Li mới biết vợ mình đã triệt sản. (Ảnh minh họa)
Khi đó, tình cảm vợ chồng còn mặn nồng và tin vào lời hứa của vợ, Li dần chấp nhận nguyện vọng không có con của nửa kia. Hai người cùng nuôi nấng, chăm sóc con riêng của Wang đến khi cô bé khôn lớn. Li yêu thương con của vợ như con đẻ của mình.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, cuộc sống vợ chồng không còn yên ấm, hai người thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn. Với lý do này, Wang đệ đơn ly hôn với chồng lần lượt vào các năm 2019 và 2021. Thấy vợ nhiều lần đệ đơn đời li dị, Li cho rằng vợ đã không giữ lời hứa bên anh trọn đời. Li nói rằng vì tôn trọng quyết định không sinh nở của vợ nên ở tuổi trung niên anh không có con riêng, bị tổn hại tinh thần nghiêm trọng.
Tháng 7/2021, Li đâm đơn kiện lên Tòa án Nhân dân quận Đồng Nam (Trùng Khánh), yêu cầu Wang trả 150.000 nhân dân tệ (hơn 500 triệu VNĐ) bồi thường tổn thương tinh thần với lý do vợ cũ đã "tước đoạt quyền sinh sản của anh".
Li kiện vợ vì không sinh con nhưng tòa án đã bác bỏ vì sinh sản là quyền tự do của mỗi người. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, tòa án nhân dân quận Đồng Nam cho rằng sinh con không phải là kết quả tất yếu của hôn nhân và phụ nữ không phải là công cụ sinh đẻ. Công dân được hưởng đồng thời quyền sinh con và quyền tự do không sinh con. Cuối cùng, tòa đã bác bỏ yêu cầu bồi thường của Li theo quy định của pháp luật.
Câu chuyện của cặp đôi này đã gây ra nhiều tranh cãi. Có người chỉ trích người đàn ông coi vợ như "máy đẻ" nhưng cũng có người chỉ trích người vợ vì không thành thật chuyện triệt sản từ trước khi kết hôn nên mới dẫn đến rắc rối như vậy.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng thắc mắc về việc triệt sản nữ rồi thì có thể phục hồi để sinh sản được không.
Triệt sản rồi có thể có con được không?
Triệt sản nữ là phương pháp cắt và thắt ống dẫn trứng, đây là phương pháp tránh thai có tác dụng vĩnh viễn, hiệu quả tránh thai cao, đặc biệt không ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh lý. Về cơ bản, phương pháp này sẽ làm gián đoạn ống dẫn trứng, từ đó ngăn cản trứng tiếp cận với tinh trùng và thụ tinh.
Tuy nhiên việc cắt và thắt ống dẫn trứng không bảo vệ được chị em khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Do đó để bảo vệ sức khỏe bản thân, chị em sau khi triệt sản vẫn nên sử dụng bao cao su khi quan hệ để tránh nhiễm các bệnh xã hội nói trên.
Khi có ý định thực hiện triệt sản nữ, nhiều chị em lo sợ mình sẽ bị thay đổi về sinh lý của bản thân. Tuy nhiên theo các bác sĩ Sản phụ khoa, triệt sản nữ chỉ tác động tới ống dẫn trứng nhằm ngăn ngừa trứng và tinh trùng gặp nhau thôi, vì thế hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến ham muốn tình dục, cũng như sự “nữ tính” của chị em.
Đặc biệt, triệt sản thường được coi là phương pháp tránh thai vĩnh viễn. Tuy nhiên, nếu mong muốn mang thai, phẫu thuật nối lại có thể khôi phục lại khả năng sinh sản ở 45-60% nam giới sau khi thắt ống dẫn tinh và 50-80% phụ nữ sau thắt ống dẫn trứng. Ngoài ra, thụ tinh trong ống nghiệm có thể được sử dụng thành công.